Kinhtedothi - Đây là thông tin được đưa ra tại buổi tọa đàm trực tuyến về triển khai “Đề án giãn dân phố cổ” diễn ra ngày 5/2 do báo Hànộimới cùng phối hợp với UBND quận Hoàn Kiếm và các sở, ngành liên quan tổ chức.
Đại biểu dự Tọa đàm tham quan mô hình khu phố cổ Hà Nội.
Theo UBND quận Hoàn Kiếm, Dự án giãn dân phố cổ chia làm 2 giai đoạn, trong đó giai đoạn 1 sẽ thực hiện di chuyển 1.530 hộ dân tương ứng với 6.120 người dân đang sống trong các di tích, công sở, trường học, trong các biển số nhà và chung cư xuống cấp nguy hiểm, các ngôi nhà cổ có giá trị đặc biệt cần bảo tồn, các biển số nhà do Nhà nước quản lý có mật độ quá cao, các hộ dân đang sống trong phạm vi diện tích cần GPMB theo các dự án của Thành phố, quận Hoàn Kiếm và các hộ dân có nguyện vọng tự nguyện di chuyển từ khu phố cổ sang định cư tại khu đô thị Việt Hưng.
Dự kiến tháng 3/2015, UBND quận Hoàn Kiếm sẽ khởi công xây dựng hạ tầng giao thông, hạ tầng kỹ thuật đô thị và hạ tầng xã hội khu nhà ở giãn dân phố cổ; quý III/2015 sẽ khởi công các khu nhà ở giãn dân phố cổ, đây là các khu nhà ở với sự tư vấn của các chuyên gia thành phố Toulouse - Pháp đã được thiết kế hiện đại, đảm bảo độ thông thoáng của các căn hộ, có sân chơi chung phù hợp với tập quán sinh hoạt hoạt của người dân phố cổ, đặc biệt tại khu nhà ở giãn dân phố cổ, đảm bảo khoảng 30% số hộ dân phố cổ di chuyển đến nơi ở mới có diện tích kinh doanh để ổn định cuộc sống. Các khu nhà ở giãn dân phố cổ dự kiến sẽ hoàn thành xây dựng vào quý IV/2017.
Song song với việc triển khai xây dựng khu nhà ở giãn dân phố cổ giai đoạn 1, UBND quận sẽ tiếp tục triển khai giai đoạn 2 của dự án giãn dân phố cổ. Cụ thể, quận đề nghị UBND TP bố trí quỹ đất (khoảng 30ha) để tiếp tục lập dự án di chuyển tiếp 5.020 hộ dân phố cổ để đến năm 2020 giảm mật độ dân số trong khu phố cổ xuống còn khoảng 500 người/ha theo như mục tiêu Đề án.
Chủ tịch UBND quận Hoàn Kiếm Dương Đức Tuấn cho biết: “Việc triển khai thực hiện giãn dân phố cổ là việc lớn và khó, mang ý nghĩa chính trị, xã hội cao. Chính vì vậy, trong thời gian qua, quận Hoàn Kiếm đã tập trung chỉ đạo cả hệ thống chính trị đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong cán bộ và các tầng lớp Nhân dân; chủ động phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí Trung ương và Hà Nội cung cấp thông tin, qua đó định hướng dư luận, tạo sự đồng thuận của Nhân dân trên địa bàn quận trong việc triển khai thực hiện Đề án giãn dân phố cổ”.
Một góc phố cổ Hà Nội.
Phát biểu tại buổi Tọa đàm, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội Hồ Quang Lợi nhấn mạnh, những câu hỏi từ người dân phố cổ, người dân trong nước và nước ngoài gửi về buổi tọa đàm cho chúng ta thấy trách nhiệm phải bảo tồn, giữ gìn di sản; đồng thời, đảm bảo mỗi người dân trong khu phố cổ không phải sống chen chúc trong những ngôi nhà chật hẹp, điều kiện sinh hoạt khó khăn… thì việc di chuyển một bộ phận người dân phố cổ sang khu đô thị mới Việt Hưng là một yêu cầu khách quan.
Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy Hà Nội khẳng định, để người dân khi chuyển đến nơi ở mới có cuộc sống ổn định, các cơ quan quản lý Nhà nước của Hà Nội trước hết phải đảm bảo tiến độ các khu đô thị; đảm bảo chất lượng nhà; quan tâm đến điều kiện kinh doanh duy trì cuộc sống của người dân và quan tâm đến nhu cầu văn hóa, đời sống tinh thần của người dân. Đối với cơ quan truyền thông, đặc biệt là báo chí Hà Nội, đề nghị tiếp tục tuyên truyền để người dân hiểu hơn tầm quan trọng của khu phố cổ đối với Thăng Long, Hà Nội. Từ đó, tạo được sự đồng thuận của cả người dân lẫn các cấp chính quyền trong việc thực hiện Đề án giãn dân phố cổ.