Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo động lực phát triển kinh tế khu vực phía Bắc sông Hồng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài hiện đang trong gia...

Kinhtedothi - Quy hoạch chi tiết xây dựng hai bên tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài hiện đang trong giai đoạn hoàn thiện. Mục tiêu của đồ án không chỉ tạo dựng một trục đường mới hiện đại, tạo điểm nhấn cảnh quan kiến trúc đô thị mà còn tạo động lực phát triển kinh tế quan trọng cho phía Bắc sông Hồng nói riêng và Thủ đô Hà Nội nói chung.

Quy hoạch đô thị “đa năng”

Do quy mô nghiên cứu quy hoạch chi tiết lớn, đồ án được phân chia thành 4 đoạn để thẩm định, trình duyệt. Trong đó, đoạn 1 từ Sân bay quốc tế Nội Bài đến đường Vành đai 3 (390,2ha). Đoạn 2 từ đường Vành đai 3 đến sông Thiếp (526,8ha). Đoạn 3 từ sông Thiếp đến đường đê sông Hồng (888,3ha). Đoạn 4 là phần còn lại ngoài đê sông Hồng (274,6ha).
 
Tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài đoạn chạy qua Cảng hàng không quốc tế T2. Ảnh: Phạm Hùng
Tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài đoạn chạy qua Cảng hàng không quốc tế T2. Ảnh: Phạm Hùng
Theo quy hoạch sử dụng đất đang được nghiên cứu, đoạn 1 là đô thị cửa ngõ với khu nông nghiệp chất lượng cao, các trang trại nông sản cây hoa đặc sản Hà Nội và vùng miền với quy mô 80ha. Khu công viên cây xanh hồ điều hòa kết hợp trưng bày các sản phẩm khoa học công nghệ có quy mô 55ha. Khu vực này hiện TP đang có chủ trương xây dựng theo hướng trở thành Khu công viên công nghệ thông tin và kỹ thuật số. Bên cạnh đó còn có khu trung tâm hội chợ, triển lãm thương mại nông sản, trung tâm thương mại dịch vụ ga Bắc Hồng.

Đoạn 2 là đô thị quốc tế với tòa tháp đôi biểu tượng thể hiện cho cửa ngõ đô thị với hình tượng búp sen tạo điểm nhấn. Khu trung tâm văn hóa du lịch dịch vụ quốc tế gắn với Trung tâm hội chợ triển lãm Quốc gia, làng văn hóa, công viên (35ha), trong đó phát triển khu làng văn hóa đặc trưng của 10 nước ASEAN. 

Đoạn 3 là đô thị biểu tượng - đô thị ven sông. Tại đây quy hoạch bố trí trung tâm tài chính, thương mại, du lịch, dịch vụ Phương Trạch mang tầm quốc tế và khu vực châu Á - Thái Bình Dương bao gồm tổ hợp các công trình công cộng được thiết kế hiện đại, có độ nén cao với các chức năng thương mại, dịch vụ tài chính, ngân hàng, văn phòng giao dịch, khách sạn, nhà hàng… Tòa tháp tài chính cao khoảng 108 tầng là điểm nhấn chính, trọng tâm của khu vực. Trên cơ sở khai thác đặc điểm tự nhiên, tại khu vực công viên kết hợp hồ điều hòa Hải Bối dự kiến đề xuất bố trí nhóm nhà ở thấp tầng sinh thái, mật độ thấp, hài hòa với cảnh quan tự nhiên và khai thác hiệu quả quỹ đất. Khu vực phía Bắc Quốc lộ 5 kéo dài hình thành công viên Kim Quy, tái hiện lịch sử văn hóa gắn với di tích Cổ Loa. 

Đoạn 4 là đô thị sinh thái - đô thị nước (khu vực ngoài đê sông Hồng). Trên cơ sở phù hợp với quy hoạch phòng chống lũ, quy hoạch đê điều… hình thành đô thị sinh thái với thể loại nhà ở đa dạng với thiết kế gắn với mặt nước tự nhiên, nhân tạo và không gian xanh sông Hồng. Mực nước của sông Hồng sẽ được điều tiết bằng hệ thống kênh và hệ thống đập ngăn. Chức năng chính của khu vực này là trung tâm triển lãm văn hóa, thương mại dịch vụ cao cấp gắn với khai thác tuyến du lịch ven sông Hồng. 

Hạ tầng khung hiện đại

Theo đề xuất quy hoạch, đối với khu vực dân cư hiện có  sẽ cải tạo, chỉnh trang, mở rộng tuyến đường ngõ xóm, bổ sung các công trình hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội. Quy hoạch cũng kiểm soát về chỉ tiêu, hình thức kiến trúc và tổ chức không gian cảnh quan gắn kết khu vực làng xóm cũ với khu vực xây mới bằng các không gian chuyển tiếp. 

Trong khu quy hoạch, dự kiến dành khoảng 40ha đất để phát triển nhà ở xã hội, nhà ở tái định cư. Trong đó, ngoài 2 khu tái định cư Xuân Canh quy mô 10ha và Vĩnh Ngọc quy mô 6ha đã triển khai trong thời gian qua sẽ phát triển thêm 2 khu. Trong đó, khu tái định cư tại thôn Viên Nội, xã Vân Nội có diện tích 7 - 9ha (thuộc đoạn 2). Khu tái định cư tại thôn Ngọc Chi, xã Vĩnh Ngọc có diện tích khoảng 10 - 12ha (thuộc đoạn 3).

Mạng lưới giao thông chính của khu quy hoạch đã được xác định tại các đồ án quy hoạch phân khu, tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài và các tuyến giao cắt với Quốc lộ 18, Quốc lộ 2, đường Vành đai 3, đường Quốc lộ 5 kéo dài và các đường đô thị. Trong đó tuyến Nhật Tân - Nội Bài có mặt cắt ngang điển hình 240m, bao gồm tuyến đường chính 100m (8 làn đường cao tốc, 4 làn gom hai bên), dải cây xanh cảnh quan 50m, đường đô thị hai bên rộng 20,5m. Đường Vành đai 3 có mặt cắt ngang 68m (6 làn xe cao tốc và 2 làn đường gom). Tuyến đường 5 kéo dài có mặt cắt ngang 72,5m (8 làn xe cao tốc và hai làn đường gom).

Qua khu vực có các tuyến đường sắt quốc gia Hà Nội - Lào Cai. Tuyến đường sắt đô thị số 2 kết nối trung tâm TP với Sân bay quốc tế Nội Bài chạy dọc tuyến đường Nhật Tân - Nội Bài với thiết kế nửa nổi, nửa chìm - đoạn đi ngầm qua sông Hồng và khu vực trung tâm tài chính Phương Trạch. Dọc tuyến có 5 ga, trong đó có 3 ga nổi, 2 ga chìm với khoảng cách từ 800 - 1.000m. Tuyến đường sắt đô thị số 4 chạy dọc tuyến Quốc lộ 5 kéo dài dự kiến đi nổi, dọc tuyến có 3 ga đường sắt (trước mắt bố trí tuyến xe buýt nhanh BRT). Để kết nối với đô thị Sóc Sơn, tạo động lực cho phát triển khu vực huyện, dịch chuyển tuyến Quốc lộ 18 lên phía Bắc Sân bay Nội Bài, kết nối tuyến Nhật Tân - Nội Bài và tuyến Quốc lộ 18 cũ. 

Theo đề xuất của UBND TP Hà Nội, các dự án hạ tầng khung dự kiến có 10 dự án giao thông, 3 dự án thoát nước mưa, 4 dự án cấp nước, 5 dự án cấp điện. Kinh phí tạm tính cho việc đầu tư các dự án hạ tầng khung vào khoảng 22.000 tỷ đồng. Kinh phí dự kiến cho công tác GPMB là 11.000 tỷ đồng. Để đáp ứng được mục tiêu, tiến độ đầu tư và lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, thương hiệu lớn trong và ngoài nước, TP Hà Nội đã đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép lựa chọn nhà đầu tư có năng lực, kinh nghiệm, có khả năng ứng vốn cho GPMB, hạ tầng khung. Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Thế Thảo, khả năng ứng vốn mới chỉ là một điều kiện, để lựa chọn nhà đầu tư thì quan trọng hơn cả đó là năng lực xây dựng và vận hành khai thác sau đầu tư; có đề xuất dự án khả thi, đạt hiệu quả cao nhất về kinh tế - xã hội.

 
Về quy hoạch cần rà soát về mật độ, chiều cao cho hợp lý hơn, với phương án hiện nay, không gian xây dựng có mật độ hơi thấp. Ngay từ bây giờ cần xem lại chiều cao, tính toán cho tương lai, đừng để mai kia phải điều chỉnh, cơi nới. Việc đầu tư hạ tầng khung cũng vậy, còn nhiều hạ tầng khác ngoài hạ tầng khung với số vốn đầu tư 22.000 tỷ đồng, do vậy cần tính phương án để có thể "lấy đất nuôi đô thị".
Bộ trưởng Bộ KH&ĐT Bùi Quang Vinh