Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo động lực thúc đẩy sản xuất

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Ngày 26/4, LĐLĐ TP Hà Nội đã tổ chức tuyên dương 120 công nhân giỏi năm 2013.

Đây được coi là hoạt động nhằm tôn vinh những CNLĐ trực tiếp trong các ngành nghề có trình độ tay nghề cao, kỹ năng lao động đạt năng suất, chất lượng cao. Phong trào có ý nghĩa tinh thần rất lớn đối với NLĐ trong tình hình kinh tế có nhiều khó khăn hiện nay.

Nhiều năm qua, các phong trào thi đua yêu nước cũng như thi đua lao động giỏi, phát huy sáng kiến, sáng tạo, phấn đấu trở thành công nhân giỏi... đã được LĐLĐ TP Hà Nội triển khai rộng trong các cấp Công đoàn và công nhân viên chức lao động. Ông Trần Văn Thực, Chủ tịch LĐLĐ Hà Nội cho biết: Trong 7 năm qua, từ các phong trào thi đua, gần 70.000 sáng kiến đã được áp dụng vào sản xuất, công tác, làm lợi hàng trăm tỷ đồng. Đặc biệt, danh hiệu "Công nhân giỏi" đã thực sự là nguồn động lực phấn đấu của hàng vạn CNLĐ trực tiếp, rèn luyện nâng cao trình độ tay nghề, kỹ năng lao động, đạt năng suất chất lượng. Nhiều đơn vị cơ sở đã tổ chức các hội thi luyện tay nghề, thi thợ giỏi đem lại hiệu quả thiết thực như: Hội thi tay nghề xây trát, Hội thi chế biến thực phẩm; Hội thi công nhân giỏi, Bàn tay vàng…

Tạo động lực thúc đẩy sản xuất - Ảnh 1

Năm 2013, từ 30.475 CNLĐ giỏi cấp cơ sở, 1.759 công nhân đã đạt danh hiệu "Công nhân giỏi" cấp trên cơ sở và trong số 120 công nhân giỏi tiêu biểu nhất được vinh danh lần này có nhiều người còn rất trẻ, nhưng đã phấn đấu vươn lên để có chỗ đứng trong doanh nghiệp, đồng thời dẫn dắt thế hệ sau, nhiều người liên tục đạt danh hiệu bàn tay vàng.

Điển hình của tinh thần tự học hỏi vươn lên, tiếp cận làm chủ các thiết bị, máy móc hiện đại là anh Bùi Quang Hà - công nhân xếp dỡ sản phẩm lò nung bậc 7/7 - Công ty CP Sứ Viglacera Thanh Trì (LĐLĐ quận Hoàng Mai). Anh cùng với tập thể của phân xưởng áp dụng các phương án tối ưu, nhiều giải pháp khắc phục khó khăn trong sản xuất để giảm tỷ lệ khuyết tật của sản phẩm do khâu lò nung gây ra được công ty và khách hàng đánh giá cao. Hay công nhân Công ty TNHH Điện Stanley Việt Nam (LĐLĐ huyện Gia Lâm) Dương Minh Đức đã có nhiều sáng kiến được áp dụng để giảm thiểu hàng hỏng trong quá trình sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.

30 tuổi, 6 năm nghề, công nhân trẻ Lê Văn Hải, thợ bậc 2/7 Công ty CP Phát triển truyền thông - truyền hình (Hoàng Mai) hội tụ đầy đủ những phẩm chất như chịu tìm tòi, học hỏi và sáng tạo. Anh là chuyên gia nghiên cứu, chế tạo, sản xuất và lắp đặt các sản phẩm máy phát thanh, truyền hình. Năm 2012, anh nghiên cứu chế thử bộ cộng UHF 20KW; bộ cộng VHF 10KW; FM 20KV; bộ lọc UHF 20KW; bộ chuyển mạch 20KW… đã được đơn vị ứng dụng vào sản xuất, mang lại giá trị kinh tế cao. Đặc biệt, Hải luôn là người đưa ra ý tưởng, sau đó cùng bàn bạc, khích lệ, động viên anh em công nhân trong nhóm cùng biến ý tưởng thành việc làm thiết thực, nâng cao chất lượng, hiệu quả công việc. Kết quả, anh đã nghiên cứu, sản xuất thành công máy truyền hình làm lạnh bằng chất lỏng. Sản phẩm này được đưa vào phục vụ sản xuất tại các đài địa phương vùng sâu, vùng xa, biên giới, hải đảo…

Theo Chủ tịch LĐLĐ TP Trần Văn Thực, danh hiệu "Công nhân giỏi" không chỉ dừng lại ở tính phong trào, mà đã được nhiều doanh nghiệp tạo thành cơ hội cho công nhân đi đào tạo lại, nâng cao tay nghề. Đồng thời, có quy chế nâng lương, nâng bậc thỏa đáng cho thợ bậc cao... Đấy là động lực lớn để NLĐ ý thức hơn việc nâng cao trình độ.