Nghị quyết nêu rõ, thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XII, để hoàn thành các mục tiêu, chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2016 - 2020 đã được Quốc hội thông qua, Việt Nam phải đẩy mạnh tái cơ cấu nền kinh tế, nâng cao chất lượng tăng trưởng, phát triển theo chiều sâu dựa trên tri thức đổi mới, sáng tạo, khoa học và công nghệ cao, trong đó DN, nhất là DN tư nhân là động lực nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế. Chính phủ yêu cầu các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư chỉ đạo, điều hành, tổ chức thực hiện có hiệu quả những mục tiêu, nguyên tắc, nhiệm vụ và giải pháp sau: Về mục tiêu, đến năm 2020, xây dựng DN Việt Nam có năng lực cạnh tranh, phát triển bền vững, cả nước có ít nhất 1 triệu DN hoạt động, trong đó có các DN có quy mô lớn, nguồn lực mạnh. Khu vực tư nhân Việt Nam đóng góp khoảng 48 - 49% GDP, khoảng 49% tổng vốn đầu tư toàn xã hội. Năng suất các nhân tố tổng hợp (TFP) đóng góp khoảng 30 - 35% GDP. Năng suất lao động xã hội tăng khoảng 5%/năm. Hàng năm, có khoảng 30 - 35% DN Việt Nam có hoạt động đổi mới sáng tạo. Cùng với việc yêu cầu các cơ quan chức năng cải cách hành chính, tạo thuận lợi cho DN, tạo dựng môi trường thuận lợi hỗ trợ DN khởi nghiệp; Nghiên cứu, đề xuất giảm 50% thuế thu nhập cá nhân trong một số lĩnh vực;... Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Công an rà soát, sửa đổi, bổ sung quy định về an ninh, an toàn xã hội, tạo điều kiện cho DN hoạt động; UBND các tỉnh, TP trực thuộc T.Ư thực hiện thanh tra, kiểm tra theo đúng quy định của pháp luật (không quá một lần/năm); kết hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành nhiều nội dung trong một đợt thanh tra, kiểm tra, trừ trường hợp thanh tra, kiểm tra đột xuất khi có dấu hiệu vi phạm pháp luật rõ ràng; chỉ đạo các sở, ban, ngành và UBND cấp quận, huyện không hình sự hóa các quan hệ kinh tế, dân sự.