Năm 2017, vốn đầu tư xã hội đạt 308.219 tỷ đồng, tăng trung bình hàng năm 15,21%. Ông Nguyễn Mạnh Quyền - Giám đốc Sở KH&ĐT Hà Nội chia sẻ về những thành công, định hướng tầm nhìn mới, cách làm mới trong thu hút đầu tư.
Xin ông cho biết khái quát qua về tình hình thu hút đầu tư của Hà Nội trong 10 năm qua?- Thu hút đầu tư sau 10 năm, từ vấn đề thu hút đầu tư xã hội đến thu hút đầu tư trong nước và đặc biệt là thu hút đầu tư nước ngoài có sự nổi bật đáng kể. Đầu tư ngoài ngân sách vốn trong nước hết năm 2017 khoảng 2.200 dự án với tổng mức đầu tư (TMĐT) khoảng 1,07 triệu tỷ đồng. Đầu tư theo hình thức PPP có 115 dự án với tổng mức đầu tư 312.663 tỷ đồng, trong đó: 8 dự án đã hoàn thành (TMĐT 13.683 tỷ đồng); 12 dự án đang triển khai thực hiện (TMĐT 29.292 tỷ đồng); 95 dự án đang thực hiện thủ tục (TMĐT 269.688 tỷ đồng).
Đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giai đoạn 2008 - 2017 thu hút được 3.237 dự án, vốn đăng ký 19,1 tỷ USD, vốn thực hiện đạt 10,6 tỷ USD (tỷ lệ đạt 55,2%). Lũy kế đến hết năm 2017, tổng số dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực là 4.250 với vốn đăng ký 27,64 tỷ USD. Đặc biệt, trong 2 năm 2016 - 2017, kết quả thu hút đầu tư, nhất là đầu tư nước ngoài vào Hà Nội có bước tăng trưởng rõ rệt, đạt trên 12 tỷ USD, bằng 59% tổng vốn đầu tư thu hút giai đoạn từ 1986 - 2015. Đây là nét hết sức nổi bật.
|
Phó Chủ tịch Thường trực HĐND TP Nguyễn Ngọc Tuấn và Phó Chủ tịch UBND TP Nguyễn Thế Hùng cắt băng khánh thành tuyến đường Trần Hữu Dực kéo dài theo hình thức BT. Ảnh: Phạm Hùng |
Cũng trong thời gian từ 2008-2017, đã có 177.052 DN đăng ký kinh doanh với số vốn khoảng 1,95 triệu tỷ đồng, tăng trung bình hàng năm 6,75%. Lũy kế số DN đăng ký trên địa bàn hết năm 2017 là 231.922 đơn vị.
Điều gì khiến Hà Nội hấp dẫn các NĐT như vậy, thưa ông?- Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ từ những nỗ lực trong công tác xúc tiến đầu tư trên cơ sở xác định rõ mục tiêu, lĩnh vực thu hút đầu tư, các đối tác, các nhà đầu tư (NĐT) tiềm năng. Chúng tôi xác định, môi trường đầu tư kinh doanh của Hà Nội càng được cải thiện, thì các NĐT lớn càng rót nhiều vốn. Ðể làm được điều đó, lãnh đạo TP luôn sát sao, chỉ đạo quyết liệt các sở, ban, ngành đẩy mạnh cải cách hành chính, cắt giảm thủ tục và thời gian thực hiện thủ tục hành chính. Tất cả thủ tục hành chính phải được công khai, minh bạch, đơn giản về thành phần, số lượng hồ sơ. Bên cạnh đó, TP cũng liên tục tổ chức các hội nghị, gặp gỡ, kết nối, tạo điều kiện thuận lợi cho các NĐT tìm hiểu, tiếp cận và triển khai hiệu quả các dự án đầu tư... Qua đó, chủ động xây dựng các chính sách hỗ trợ DN để tăng khả năng tiếp cận mọi nguồn lực của Nhà nước như đất đai, nguồn vốn, nguồn nhân lực...
Sau 10 năm mở rộng, diện mạo Hà Nội thay đổi, quy mô kinh tế phát triển toàn diện. Tuy vậy, Hà Nội cũng gặp phải những khó khăn thách thức trong quản lý đô thị như: Mật độ dân số tăng cao, ùn tắc giao thông, ô nhiễm môi trường… Sở KH&ĐT sẽ tham mưu cho TP giải quyết các vấn đề trên thế nào?- Trên cơ sở kết quả đạt được trong 10 năm hợp nhất, cũng có những mặt tích cực nhưng đồng thời cũng đánh giá được mặt hạn chế và những bài học kinh nghiệm. Những vấn đề mở rộng địa giới ngoài những thuận lợi còn có những khó khăn thách thức. Sở KH&ĐT đã tham mưu cho TP và TP đã có chỉ đạo toàn diện, tổng thể để làm sao phát triển thủ đô hài hòa bền vững. Trên cơ sở mở rộng địa giới Thủ đô, điều đầu tiên khẳng định là quy mô, diện tích, đất đai là nguồn tiềm năng lợi thế lớn. Trong thời gian tới, chúng tôi tiếp tục tham mưu cho TP tập trung nghiên cứu chỉ đạo đẩy mạnh hoàn thiện các quy hoạch đô thị vệ tinh và chính các khu vệ tinh này tạo ra phân bố nguồn lực cũng như giảm áp lực dân số và phát triển TP đồng bộ toàn diện, đồng đều, tránh tập trung cục bộ dồn vào khu vực trung tâm. Như vậy, chúng ta sẽ khai thác hết tối đa hiệu quả trong vấn đề phát triển đô thị trung tâm và với cả 5 khu đô thị vệ tinh của TP.
Để khắc phục, cần có nguồn vốn, trong khi nguồn lực ngân sách có hạn, do đó, chủ trương TP là thu hút đầu tư tư nhân. Theo ông, làm sao để thu hút được các nguồn lực này cho đầu tư phát triển?- Đây cũng là thách thức trong quá trình thực hiện chủ trương phát triển đô thị vệ tinh, hạ tầng cơ sở cho Hà Nội. Ngân sách của TP chỉ đáp ứng được khoảng 20% tổng nhu cầu vốn phát triển Thủ đô. Do vậy cần kêu gọi xã hội hóa để thúc đẩy phát triển các khu đô thị vệ tinh này. Vừa qua cũng có những NĐT đăng ký để triển khai lập quy hoạch chi tiết 1/500 ví dụ như Khu đô thị (KĐT) Hòa Lạc, chúng ta đã hoàn thành quy hoạch 1/500 và đang trình Bộ Xây dựng thẩm định báo cáo Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Rồi các KĐT vệ tinh Sơn Tây, Sóc Sơn, Phú Xuyên cũng có những NĐT đang triển khai lập quy hoạch chi tiết. Còn lại KĐT vệ tinh Xuân Mai, chúng tôi đang kêu gọi NĐT. Trên cơ sở các quy hoạch chi tiết được phê duyệt là nền tảng để kêu gọi các NĐT vào triển khai đầu tư thực hiện dự án theo quy hoạch được phê duyệt. Chủ trương là ngân sách TP sẽ đầu tư vào vấn đề hạ tầng, còn trên cơ sở quy hoạch phê duyệt kêu gọi xã hội hóa vào đầu tư để làm sao sớm hình thành các KĐT vệ tinh. Khi kêu gọi, nguồn vốn cần rất lớn, TP xác định lộ trình ưu tiên từng bước, thứ nhất sắp xếp các KĐT vệ tinh làm sao phục vụ được phát triển về mặt đô thị, tiếp theo là đóng góp cho kinh tế Thủ đô tốt nhất.
Riêng với trục Nhật Tân Nội Bài, TP đã xây dựng một cơ chế chính sách riêng và Thủ tướng Chính phủ đã có Quyết định riêng 61 cho Hà Nội được thực hiện theo cơ chế đặc thù để thu hút NĐT. Mặt khác chúng tôi cũng tiếp tục nghiên cứu cơ chế chính sách, mô hình để làm sao thúc đẩy sớm hình thành các KĐT vệ tinh, vẫn phải sắp xếp theo thứ tự ưu tiên ví dụ như KĐT vệ tinh Hòa Lạc cũng cần có sự ưu tiên làm sao sớm hình thành để từ đó thúc đẩy khu CNC Hòa Lạc cũng như trường Đại học Quốc gia, làng văn hóa…
Ông nghĩ sao về mục tiêu theo kịp Singapore, Hong Kong, TP có định hướng gì nhằm tạo sự đột phá thu hút đầu tư trong thời gian tới, thưa ông?- Hà Nội cam kết đồng hành, tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh thông thoáng hướng đến các chuẩn mực quốc tế, nâng cao các chỉ số môi trường kinh doanh và năng lực cạnh tranh để luôn là địa chỉ hấp dẫn các NĐT.
Trong thời gian tới, TP Hà Nội tiếp tục định hướng thu hút đầu tư có chọn lọc, tập trung vào các dự án chất lượng, sản phẩm có giá trị gia tăng, hàm lượng công nghệ cao và tính cạnh tranh cao từ các tập đoàn quy mô lớn, xuyên quốc gia. Khuyến khích các dự án công nghiệp hỗ trợ, sản xuất sản phẩm công nghệ cao, thân thiện với môi trường; dự án công nghệ thông tin, phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thực phẩm sạch an toàn.
TP tiếp tục phát triển hạ tầng, đào tạo nhân lực chất lượng cao… đẩy mạnh phát triển kinh tế tri thức và ứng dụng công nghệ thông tin, nắm bắt cơ hội thành quả của cách mạng 4.0, phát triển Hà Nội thành trung tâm khởi nghiệp, khởi nghiệp sáng tạo. Hà Nội cam kết thực hiện tốt việc kết nối giữa các NĐT trong và ngoài nước; kết nối NĐT với chính quyền các cấp; cùng đồng hành, hợp tác, tạo cơ hội tốt nhất để DN đầu tư, phát triển.
Với phương châm lấy người dân và DN là trung tâm phục vụ, Hà Nội luôn nâng cao chất lượng dịch vụ công, hướng tới dịch vụ chất lượng cao theo tiêu chuẩn của khu vực ASEAN và quốc tế.
Xin cảm ơn ông!