Điều các bậc phụ huynh quên mất rằng, khi bước vào tuổi vị thành niên, các em đã nhận thức được về bản thân, có những cái nhìn, sở thích riêng và muốn khẳng định mình, không thích bị ép buộc. Các em vừa phải cố làm hài lòng ba mẹ vừa phải cố nuôi dưỡng ước mơ của riêng mình. Áp lực chồng chất áp lực làm cho các em dễ rơi vào trạng thái "trầm cảm". Thế nên, việc bố mẹ mắng khi con không làm được điều kỳ vọng sẽ là sai lầm.
Cha mẹ mong con luôn đạt thành tích cao, luôn đứng đầu bảng, phải làm việc ở những ngành nghề, những nơi danh giá, sang trọng, hoặc kiếm nhiều tiền… là chuyện dễ hiểu. Tất cả những điều này có thể đều xuất phát từ tình yêu thương và vì tương lai tốt đẹp cho con. Tuy nhiên, nó lại biến thành áp lực do những điều kỳ vọng này không phù hợp hoặc thậm chí mâu thuẫn với những khả năng, nguyện vọng, sở thích của con. Chưa kể đến, việc bố mẹ luôn không hài lòng khiến con cái cũng có cái nhìn tiêu cực và luôn nghĩ rằng mình không bao giờ đủ khả năng làm tốt một việc gì. Từ đó, con trẻ khi làm bất kỳ việc gì đều có tâm lý nặng nề, bi quan, yếm thế nên rất khó để thành công.
Để con cái trưởng thành, thành đạt, không phải đặt lên vai con quá nhiều kỳ vọng mà phải giúp con học cách tự đưa ra các quyết định, suy nghĩ cho bản thân và có trách nhiệm với các hành động của mình. Chấp nhận và động viên con trên nền tảng những gì chúng đang có, giúp con khôn lớn, trưởng thành theo sự phát triển riêng của mỗi đứa con. Cách tốt nhất để giải tỏa "áp lực" là việc cha mẹ gần gũi, lắng nghe để con cái có thể tâm sự; thể hiện đúng khả năng thật của mình. Từ đó, cha mẹ có thể giúp con khẳng định được vị trí của mình với mọi người.Minh Tâm