Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tạo thế mạnh cộng hưởng cho doanh nghiệp

Hoàng Anh (thực hiện)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Để DN công nghiệp hỗ trợ (CNHT) phát triển, có thể nói yếu tố sống còn là có được nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển sản xuất, kinh doanh.

 
Chủ tịch Hiệp hội DN ngành CNHT Hà Nội (HANSIBA) Nguyễn Hoàng - Chủ tịch CEO N&G Corp chia sẻ xung quanh vấn đề này. Thực tế cho thấy, vốn, trình độ công nghệ cao, nhân lực chất lượng cao là điều kiện tiên quyết để CNHT phát triển thành công. Trong đó, phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội là một trong 3 đột phá.

Cụ thể sự hỗ trợ khởi nghiệp, cũng như nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho ngành CNHT và công nghệ cao như thế nào, thưa ông?

- Là hiệp hội chuyên ngành đầu tiên về CNHT của cả nước, HANSIBA hiện đã triển khai những bước nhằm thúc đẩy ngành CNHT nói chung và trong đó có việc khởi nghiệp, tạo ra đội ngũ nhân lực chất lượng cao. HASIBA đã liên kết với các DN, đặc biệt là các trường ĐH, CĐ, trường nghề ươm mầm, hỗ trợ các thanh niên, sinh viên (SV), học viên trên địa bàn Hà Nội có ý tưởng, đề tài định hướng làm chủ DN khởi nghiệp, tạo ra sản phẩm cụ thể trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo và các lĩnh vực thuộc ngành CNHT khác.

Để có thể hỗ trợ tốt nhất, HASIBA chuẩn bị những điều kiện cần và đủ về cơ sở hạ tầng tại khu công nghiệp hỗ trợ Nam Hà Nội để cho SV, cũng như các DN muốn khởi nghiệp, khởi tạo thực hiện lĩnh vực CNHT và công nghệ cao. Khi vào đây, với những nhà xưởng đủ tiêu chuẩn có thể vào đầu tư, cũng như được hỗ trợ về lao động, nguồn nhân lực, tài chính, công nghệ và đặc biệt hướng vào sản xuất đầu ra những sản phẩm cụ thể.

Vậy, theo ông, cần điều gì ở cơ chế, chính sách để ngành CNHT phát triển?

- Các cơ chế chính sách đã được Đảng, Nhà nước và Chính phủ ban hành rất nhiều, trong đó có Nghị định 111 của Chính phủ chuyên về ngành CNHT. Rõ ràng đã có những điều kiện cần và đủ, trong đó có chú trọng phát triển nguồn nhân lực để giúp DN thực hiện sản xuất sản phẩm thuộc ngành CNHT. Tuy nhiên, cần có những đột phá trong triển khai bằng quyết tâm của các cấp, ngành nhằm cụ thể hóa các chính sách. Tôi tin rằng, nếu có sự chung tay của cả xã hội, DN CNHT sẽ thành công. Bởi, Thủ tướng đã chỉ đạo rất rõ, chúng ta phải tiếp cận ngay để đưa DN đặt chân vào cuộc cách mạng khoa học công nghệ 4.0. Như vậy nghĩa là phải có sự chuẩn bị và sự quyết liệt rất mạnh mẽ về nguồn nhân lực thì DN CNHT nói riêng, DN Việt Nam nói chung mới có thể triển khai được.

Với các trường, có cần cơ chế, chính sách đặc biệt để phát triển nguồn nhân lực cho CNHT?

- Không những có cơ chế đặc biệt, mà cần phải đặc biệt của đặc biệt hơn. Để phát triển được trong bối cảnh hội nhập cần hướng tới việc liên kết với nhau từ SV tới DN, cơ quan quản lý Nhà nước tạo thế mạnh cộng hưởng, trước hết chiếm lĩnh thị trường gần 100 triệu dân trong nước, rồi mới tính vươn ra thế giới.

Tôi muốn nhấn mạnh, để nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho CNHT cần sự hợp tác hai chiều. Nghĩa là các trường đào tạo tiến hành khảo sát, trao đổi với các DN về nhu cầu nhân lực, từ đó xây dựng những phương pháp đào tạo mang tính trọng tâm. Phía các DN CNHT hướng tới việc liên kết chặt chẽ với các nhà trường đưa ra yêu cầu cụ thể, hỗ trợ nhà trường đào tạo nhân lực, tạo việc làm cho SV…, có như vậy nhân lực cho CNHT mới thực sự đáp ứng được yêu cầu. Tôi cho rằng, nguồn nhân lực Việt Nam cần có kế hoạch, chiến lược phát triển cụ thể, nắm bắt cơ hội từ 4.0 và vượt qua thách thức.

Xin cảm ơn ông!

Hiện, HANSIBA và Công ty N&G Corp trong chiến lược phát triển rất chú trọng việc tạo công ăn việc làm, thu hút người lao động. Đặc biệt là nguồn lao động có chất lượng cao được học tập, đào tạo bài bản, chính quy từ các trường ĐH, CĐ, dạy nghề ngay trên địa bàn Hà Nội vào thực tập, làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp được hình thành tại Khu CNHT Nam Hà Nội, các cơ sở sản xuất của DN hội viên.