Xin Bộ trưởng cho biết, dịch Covid-19 đã ảnh hướng như thế nào đến kinh tế Việt Nam và các nước ASEAN?
- Với ASEAN, những tác động và hậu quả tiêu cực của Covid-19 diễn ra tại nhiều khía cạnh. Trước tiên là sự đứt gẫy của các nguồn cung với chuỗi cung ứng giữa các nước ASEAN. Hơn nữa, với các nguồn cung từ Hàn Quốc, Trung Quốc, đứt gẫy đã khiến chuỗi cung ứng từ sản phẩm chế biến chế tạo như dệt may, da giày, đồ gỗ, điện tử bị gián đoạn, ảnh hưởng nghiêm trọng đến năng lực trong xuất khẩu của các nước ASEAN.
Ngoài ra, dịch Covid-19 còn tác động đến hoạt động sản xuất vật chất của các ngành kinh tế công nghiệp của Việt Nam và các nước ASEAN. Điều này đã dẫn đến sự đình trệ trong các ngành công nghiệp và kinh tế, nhất là cộng đồng kinh tế ASEAN chủ yếu là DN nhỏ và vừa. Có thể thấy rằng, các nước xuất khẩu chính trên thế giới, trong đó có Việt Nam hay khối ASEAN đều có sự sụt giảm lớn và nhiều nước đã tăng trưởng âm trong xuất khẩu.
Vậy tại Hội nghị Bộ trưởng Kinh tế ASEAN, các nước đã có những giải pháp tháo gỡ khó khăn, phục hồi nền kinh tế thời kỳ hậu Covid-19 như thế nào, thưa ông ?
- Hội nghị Bộ trưởng các nước ASEAN và 3 nước đối tác gồm: Trung Quốc, Nhật Bản và Hàn Quốc đã thông qua Tuyên bố chung cũng như kế hoạch hành động Hà Nội về giảm thiểu tác động kinh tế trong bối cảnh dịch bệnh Covid-19.
Kế hoạch hành động Hà Nội bao gồm các biện pháp phục hồi nền kinh tế ASEAN như: Duy trì các cam kết mở cửa thị trường để bảo đảm an ninh lương thực và tăng cường khả năng phục hồi, tính bền vững của chuỗi cung ứng khu vực. Cụ thể, đưa ra các biện pháp kiềm chế áp dụng các biện pháp không cần thiết có thể ảnh hưởng tới dòng lưu chuyển của hàng hóa thiết yếu, thuốc và vật tư y tế trong khu vực. Đồng thời, tiếp tục dỡ bỏ các hàng rào phi thuế quan cho dòng lưu chuyển hàng hóa và dịch vụ trong chuỗi cung ứng nhưng vẫn bảo đảm các biện pháp hạn chế nhằm mục đích phòng, chống dịch Covid-19. Ngoài ra, khuyến khích việc xây dựng các hướng dẫn cho phép di chuyển của thương nhân qua biên giới mà không làm ảnh hưởng đến các nỗ lực năng chặn sự lây lan của virus; nỗ lực tận dụng hiệu quả Quỹ Dự trữ gạo ASEAN+3 và tìm kiếm khả năng phát triển kho dự trữ vật tư thiết bị y tế thiết yếu.
Xây dựng các nền tảng để tạo thuận lợi thương mại hiện có trong ASEAN để thúc đẩy và hỗ trợ kết nối chuỗi cung ứng; tận dụng công nghệ và thương mại số để hỗ trợ và cho phép các DN, nhất là DN siêu nhỏ, nhỏ và vừa tiếp tục hoạt động. Thúc đẩy hợp tác hải quan để tạo thuận lợi cho việc thông quan hàng hóa ở cửa khẩu.
Việc các nước ASEAN+3 thông qua Tuyên bố chung và chuẩn bị kế hoạch hành động cụ thể cho thấy rõ hơn sự đồng thuận và hợp tác của ASEAN với 3 nước đối tác lớn trong khu vực với tinh thần “gắn kết và chủ động thích ứng”, nhằm ứng phó với dịch Covid-19 cũng như sẵn sàng đối mặt với các thách thức khác trong tương lai.
May hàng xuất khẩu tại Công ty CP may Đức Giang. Ảnh: Hải Linh |
- Bằng những nỗ lực cũng như phối hợp chung với các nước ASEAN, Việt Nam xác định các DN, nhất là DN nhỏ và vừa cần được quan tâm và được hưởng những cơ chế, hỗ trợ của Chính phủ.
Vì vậy, thông qua kênh hỗ trợ của các Chính phủ, Việt Nam sẽ xem xét để hỗ trợ nguồn lực và cơ chế chính sách cho DN trong khung khổ hợp tác quốc tế và phù hợp với nguyên tắc chung của WTO, để các DN có điều kiện vượt qua khó khăn, khôi phục lại sản xuất kinh doanh. Ngoài ra, Việt Nam cũng thống nhất ưu tiên hàng đầu việc rà soát lại các khung khổ pháp luật về môi trường đầu tư và sản xuất kinh doanh để tiếp tục minh bạch hoá, thuận lợi hoá nhất là các thủ tục tiếp cận thị trường và các hoạt động đầu tư. Đặc biệt, Việt Nam sẽ tiếp tục tạo điều kiện cho DN tổ chức kết nối và liên kết trong các lĩnh vực, khu vực kinh tế và quốc gia; nhất là công nghệ mới trong thương mại, công nghệ mạng để vượt qua hạn chế và trở ngại phòng, chống dịch bệnh, giãn cách xã hội, đóng cửa nền kinh tế.
Đáng lưu ý, dịch Covid-19 đã bộc lộ ra rất nhiều điểm yếu của các nền kinh tế ASEAN cũng như sự đứt gẫy của các chuỗi cung ứng. Do đó, bằng những nỗ lực mạnh mẽ hơn của ASEAN để có những chính sách mới phù hợp, liên kết chặt chẽ hơn nữa giữa ASEAN với các nước đối tác nhằm tái cấu trúc lại chuỗi cung ứng, bảo đảm khả năng thích ứng nhanh chóng, hiệu quả hơn của các nền kinh tế cũng như những nguy cơ mới trong tương lai.
Xin cảm ơn Bộ trưởng!