Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập đoàn TKV lý giải nguyên nhân lượng than tồn kho cao

theo TTXVN/Vietnamplus
Chia sẻ Zalo

Ông Nguyễn Văn Biên, Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Công nghiệp Than và Khoáng sản Việt Nam (TKV), cho biết chín tháng năm nay là giai đoạn khó khăn nhất trong vòng 10 năm qua của Tập đoàn khi lượng than tồn kho cao, sản lượng xuất khẩu sụt giảm.

Đến thời điểm này, tồn kho của ngành than trong nước hiện khoảng 12 triệu tấn; trong đó TKV tồn kho 11 triệu tấn. Nếu trừ đi lượng tồn kho theo định mức bắt buộc khoảng 3-4 triệu tấn thì tồn kho hiện nay khoảng 8 triệu tấn.
Ông Nguyễn Văn Biên cho hay trước đây miền Tây và vùng Vàng Danh, Uông Bí cũng xuất khẩu than nhưng từ năm 2015 và chín tháng năm 2016, các đơn vị này đã không xuất khẩu nên dẫn đến tồn nhiều.
Bên cạnh đó, than của các vùng này lại có chất lượng kém, chất bốc thấp nên cần TKV phải nhập khẩu loại chất bốc cao, lưu huỳnh thấp về để pha trộn với than những vùng này mới đáp ứng nhu cầu của khách hàng, nhất là các nhà máy nhiệt điện chạy than. Trong điều kiện giá thấp, nhập khẩu than chính là tạo điều kiện cho TKV có chiết khấu giảm giá cho khách hàng.
Theo ông Nguyễn Văn Biên, việc nhập khẩu than của Việt Nam cũng giống nhiều nước trên thế giới như Nhật Bản, Hàn Quốc và các nước châu Âu. Các nước này trước đây cũng sản xuất với sản lượng khá cao nhưng sau này họ cũng lại nhập khẩu với khối lượng khá lớn để đáp ứng nhu cầu trong nước. Chẳng hạn, Nhật Bản hiện nhập khẩu khoảng 200 triệu tấn than, Hàn Quốc trên 100 triệu tấn, còn Trung Quốc vừa nhập khẩu lại vừa xuất khẩu.
TKV nhập khẩu than với mục tiêu trước mắt là pha trộn với than đang tồn kho ở khu vực miền Tây và vùng Vàng Danh, Uông Bí chứ không phải nhập khẩu than dẫn đến việc tồn kho cao.
Ông Nguyễn Văn Biên cũng cho rằng việc nhập khẩu than cũng là nhiệm vụ do Chính phủ giao cho TKV và về lâu dài cũng sẽ phải nhập khẩu với số lượng lớn để đáp ứng nhu cầu than trong nước. Bởi, trong điều kiện khai thác hiện nay đang ngày càng khó khăn, trữ lượng than lộ thiên còn lại hạn chế và để khai thác xuống sâu thì chi phí lại cao.
Bên cạnh đó, Chính phủ chỉ đạo, tăng cường nhập khẩu than để bù lại cho phần thiếu hụt than trong nước và để đủ cho việc tiêu thụ chứ không định hướng là tăng cường nhập khẩu than để thay thế cho than trong nước.
Ngoài ra, về công nghệ, đa số nhà máy nhiệt điện than chỉ sử dụng than antraxit chứ không sử dụng than loại khác. Vì vậy, có đến 80% lượng than phải phục vụ cho các nhà máy này. Để giải quyết tình trạng này, TKV đã thương thảo với các đối tác và ký một số hợp đồng dài hạn để chuẩn bị sau này nhập khẩu than với khối lượng ngày càng tăng.
Đối với việc khai thác than trong nước, trước mắt đến năm 2020, TKV xác định hai cụm nhiệt điện than thường xuyên sử dụng loại than antraxit là Nhà máy Nhiệt điện Thái Bình (cần khoảng 4,5 triệu tấn than cám 5) và Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân 1 (cần sử dụng 4,5 triệu tấn than cám 6). Như vậy, nhu cầu của hai cụm này sẽ phải tăng lên khoảng 9 triệu tấn. Do đó, TKV đang tích cực mở các mỏ mới và nâng cấp các mỏ hiện có để tăng trữ lượng khai thác nhằm đáp ứng nhu cầu than cho nền kinh tế. Đồng thời, đầu tư ứng dụng công nghệ mới trong khai thác xuống sâu để nâng cao hiệu quả cũng như năng suất khai thác