Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung đào tạo nghề trình độ cao trong năm 2014

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2014, một trong những mục tiêu đặt ra của công tác dạy nghề là thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả dạy nghề; tăng cường nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu; tập trung đầu tư, phát triển các cơ sở dạy nghề phù hợp với Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020...

Để có bức tranh toàn diện hơn về công tác đào tạo nghề chất lượng cao năm 2014, phóng viên đã có cuộc trao đổi với ông Dương Đức Lân, Tổng Cục trưởng Tổng cục Dạy nghề (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội).

- Xin ông đánh giá về những kết quả đã đạt được trong công tác dạy nghề năm 2013 và định hướng năm 2014?

- Ông Dương Đức Lân: Năm 2013 là năm đầu tiên Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Chiến lược đặc biệt chú trọng tới việc đột phá chất lượng dạy nghề. Chiến lược nhấn mạnh đến việc tập trung vào một số nghề đạt trình độ cao (quốc gia, khu vực, quốc tế) để tăng cường năng lực cạnh tranh trong bối cảnh hội nhập khu vực và thế giới.

Thực hiện Chiến lược, Tổng cục đang chuẩn bị các điều kiện quan trọng về kỹ thuật, giáo viên, giáo trình và chuẩn bị giảng dạy thí điểm các nghề ở cấp độ khu vực và quốc tế. Hy vọng đến năm 2015, việc đào tạo thí điểm các cấp độ ở trình độ cao, trình độ khu vực quốc tế sẽ được triển khai một cách thuận lợi. Nếu như thành công, năm 2020, Tổng cục Dạy nghề sẽ tiếp tục thực hiện việc xây dựng 40 trường dạy nghề chất lượng cao theo ý kiến của Thủ tướng Chính phủ.

Đồng thời, năm 2014, Tổng cục Dạy nghề sẽ triển khai các bước tiếp theo của việc đào tạo nghề trình độ cao; tiếp tục thực hiện đào tạo nghề cho lao động nông thôn và nhiều công việc khác như tuyển sinh; vận động, tuyên truyền, hướng nghiệp tuyển sinh để vào các trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề. Tổng cục cũng tập trung vào việc sửa đổi, bổ sung Luật Dạy nghề, bởi sau một thời gian luật Dạy nghề cũng cần phải sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với bối cảnh hiện nay. Đồng thời, năm 2014 cũng có nhiều sự kiện như hội thi tay nghề quốc gia, hội thi tay nghề ASEAN. Đây là hoạt động quan trọng để Việt Nam đạt được tay nghề đỉnh cao, có được những người thợ có kỹ năng tay nghề cao phục vụ sự nghiệp công nghiệp hiện đại hóa đất nước.

 
Lớp học điện công nghiệp. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
Lớp học điện công nghiệp. (Ảnh: Anh Tuấn/TTXVN)
- Công tác chuẩn bị cho Hội thi Tay nghề ASEAN năm 2014 do Việt Nam đăng cai tổ chức đã được chuẩn bị đến đâu thưa ông?

- Ông Dương Đức Lân: Năm 2004, Việt Nam đã đăng cai tổ chức thành công Hội thi Tay nghề ASEAN. Lần đó, Việt Nam đã đạt được thành công lớn, đứng thứ nhất trong tất cả các nước dự thi. Sau 10 năm, năm 2014, Việt Nam sẽ đăng cai Hội thi Tay nghề ASEAN lần thứ 10 tại Hà Nội. Tổng cục Dạy nghề đang tích cực chuẩn bị cho hội thi. Đến thời điểm này, Đề án tổ chức Hội thi Tay nghề ASEAN lần thứ 10 năm 2014 tại Việt Nam đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Tổng cục cũng đã tổ chức Hội nghị Ủy ban Tổ chức lần thứ nhất Hội thi Tay nghề ASEAN lần thứ 10 năm 2014 tại Thành phố Hồ Chí Minh để bàn về thể lệ, quy chế thi, số lượng nghề thi, số lượng thí sinh...

Tới tháng 3/2014, Tổng cục sẽ tổ chức Hội nghị kỹ thuật lần thứ nhất để chuyên gia các nước ASEAN đến Việt Nam chuẩn bị đề thi trên cơ sở đề thi tại Hội thi Tay nghề thế giới năm 2013. Hội thi Tay nghề ASEAN lần thứ 10 được tổ chức vào tháng 10 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia với 25 nghề (23 nghề chính thức, 2 nghề trình diễn). Mục tiêu đứng thứ nhất trong tất cả các nước dự thi là một thách thức lớn nhưng Việt Nam rất quyết tâm thực hiện được điều này.

- Thủ tướng Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội xây dựng Khung trình độ quốc gia. Ông có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

- Ông Dương Đức Lân: Hầu hết các nước trên thế giới đã xây dựng Khung trình độ quốc gia. Việc xây dựng Khung trình độ quốc gia là hết sức quan trọng, vì vậy, Chính phủ đã giao Bộ Giáo dục và Đào tạo và Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thực hiện. Dự kiến, Khung trình độ quốc gia sẽ có 8 bậc, trong đó 5 bậc đầu là về trình độ nghề sẽ do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phụ trách; 3 bậc sau là về trình độ đại học, thạc sỹ, tiến sỹ sẽ do Bộ Giáo dục và Đào tạo triển khai. Từ bậc thấp nhất đến cao nhất, từng trình độ, từng nghề sẽ được xác định rõ đầu ra như thế nào. Bộ Giáo dục và Đào tạo, Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đang tổ chức nhiều cuộc họp bàn về vấn đề này. Dự kiến đến quý 2/2014 sẽ trình Chính phủ cho ý kiến.

- Ông có thể cho biết một số nội dung của Đề án phát triển 40 trường nghề chất lượng cao đến năm 2020?

- Ông Dương Đức Lân: Tổng cục Dạy nghề đang trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án phát triển 40 trường nghề chất lượng cao đến năm 2020. Đề án nhằm thực hiện Nghị quyết Hội nghị Trung ương 8 (khóa XI) về Đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo, đáp ứng yêu cầu công nghiệp hóa hiện đại hóa trong điều kiện kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa và hội nhập quốc tế và Chiến lược phát triển dạy nghề đến năm 2020. Hệ thống dạy nghề của Việt Nam hiện có khoảng 162 trường cao đẳng nghề và 305 trường trung cấp nghề, trong đó Tổng cục Dạy nghề sẽ chọn ra 40 trường để tập trung đầu tư phát triển thành trường chất lượng cao.

Trong đề án trình Chính phủ, Tổng cục Dạy nghề đã xây dựng 9 tiêu chí, chỉ số đánh giá một trường chất lượng cao như đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng cơ sở dạy nghề; 100% nghề đào tạo đạt chuẩn kiểm định chất lượng chương trình đào tạo; 100% nghề trọng điểm đào tạo đạt chuẩn cấp độ quốc gia, trong đó có ít nhất 3 nghề đào tạo đạt chuẩn cấp độ ASEAN hoặc cấp độ quốc tế và được các tổ chức giáo dục của khu vực ASEAN hoặc quốc tế công nhận văn bằng, chứng chỉ...

Sau khi Chính phủ phê duyệt Đề án, việc xây dựng, phát triển 40 trường có chất lượng cao này sẽ được triển khai trên thực tế. Danh sách 40 trường này đã được Tổng cục Dạy nghề lựa chọn và có danh sách trình Thủ tướng Chính phủ quyết định.

- Trong năm 2013, công tác tuyển sinh trung cấp và cao đẳng không đạt chỉ tiêu. Vậy theo ông đâu là nguyên nhân của vấn đề này?

- Ông Dương Đức Lân: Bắt đầu từ năm 2012, việc tuyển sinh Trung cấp và cao đẳng nghề gặp rất nhiều khó khăn. Năm 2013, theo kế hoạch đặt ra, công tác tuyển mới trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề là 250 nghìn nhưng chỉ đạt 216 nghìn người (86% kế hoạch). Nguyên nhân chính là do công tác phân luồng hiện nay chưa được triển khai tốt. Chỉ thị số 10-CT/TW của Bộ Chính trị về phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi, củng cố kết quả giáo dục phổ cập giáo dục tiểu học và trung học cơ sở, tăng cường phân luồng học sinh sau trung học cơ sở và xóa mù chữ cho người lớn đã quy định "phấn đấu có ít nhất 30% học sinh sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở đi học nghề." Tuy nhiên việc triển khai chỉ thị ở các địa phương còn rất chậm. Hiện nay, số học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở vào học nghề chỉ chiếm 5-7%, khoảng cách còn rất xa so với yêu cầu chỉ thị đặt ra.

Về mặt cơ cấu nhân lực đòi hỏi lao động trực tiếp sản xuất có nghề chiếm tới 70-80% trong tổng số lao động. Nếu không có chính sách phân luồng tốt thì không thể có cơ cấu lao động hợp lý được. Trong năm 2013, Tổng cục Dạy nghề đã rất nỗ lực trong việc cùng các trường nghề tuyên truyền cho người dân hiểu được vấn đề này nhưng hiệu quả chưa cao. Tâm lý "sính" bằng cấp, tìm mọi cách để con em mình vào đại học vẫn là phổ biến. Do việc lựa chọn không phù hợp với năng lực người học, điều kiện kinh tế của mỗi gia đình dẫn đến tình trạng nhiều sinh viên sau khi tốt nghiệp đại học không có việc làm (chiếm từ 70-80%). So với nguồn lực của xã hội thì đây là một lãng phí đáng kể. Thời gian tới, Tổng cục Dạy nghề sẽ phối hợp với các cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu và lựa chọn việc đào tạo cho con em mình hợp lý.

- Ông đánh giá thế nào về chất lượng người lao động có việc làm sau khi học nghề trong thời gian qua?

- Ông Dương Đức Lân: Nhu cầu của nền kinh tế đối với học sinh tốt nghiệp trung cấp nghề, cao đẳng nghề là rất cao, nhất là các nghề về kỹ thuật công nghệ vì vậy sau khi ra trường các em có việc làm dễ dàng. Tuy nhiên, thông tin này chưa đến với nhiều người dân, vì vậy nhiều người dân có suy nghĩ "phải học đại học mới có việc làm."

Điều đáng mừng là hiện nay mới xuất hiện một trào lưu mới. Đó là nhiều em học sinh đã lựa chọn học nghề thay vì học đại học. Thậm chí, có nhiều em đã đỗ đại học với điểm số cao vẫn lựa chọn học nghề, bởi, các em biết sau khi học nghề xong ra trường sẽ có việc làm ngay. Bên cạnh đó, cũng có nhiều trường hợp sinh viên đã tốt nghiệp đại học ra trường nhưng không có việc làm, lại quay trở lại học nghề. Hy vọng đây sẽ là xu hướng mới bởi dần dần người dân sẽ biết lựa chọn cách học phù hợp nhất, đỡ tốn kém về thời gian và tiền bạc nhưng vẫn đạt được yêu cầu. Các em có thể đi học nghề để sớm có việc làm, thu nhập ổn định sau đó đi học đại học tiếp, bởi, việc học tập là suốt đời.

- Nhìn lại công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn, theo ông đâu là vấn đề Tổng cục cần làm tiếp trong thời gian tới?

- Ông Dương Đức Lân: Dạy nghề cho lao động nông thôn là dạy nghề trên cơ sở nắm bắt được chỗ làm việc và thu nhập tương lai của họ. Vì vậy việc nắm bắt nhu cầu là vấn đề vô cùng quan trọng. Việc điều tra khảo sát nhu cầu và bố trí việc làm là rất quan trọng nhất xung quanh câu chuyện làm thế nào để dạy nghề lao động nông thôn có hiệu quả. Với vai trò là cơ quan quản lý nhà nước, Tổng cục Dạy nghề sẽ tiếp tục hoàn thiện các văn bản hướng dẫn, tăng cường tổ chức điều tra giám sát việc thực hiện. Các ban chỉ đạo công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn tại các địa phương cũng đang tích cực thực hiện việc này.

Theo số liệu thống kê, hiện nay có khoảng 78% lao động nông thôn sau khi được đào tạo có việc làm. Đây không phải là việc làm mới bởi những người làm nông nghiệp sau khi được đào tạo vẫn về làm nông nghiệp nhưng nắm được khoa học kỹ thuật nên có năng suất lao động cao hơn. Những người học phi nông nghiệp thì chuyển sang làm trong lĩnh vực công nghiệp và dịch vụ.

- Xin cảm ơn ông!