Báo cáo tại phiên họp, Chủ nhiệm Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội Lê Quang Huy - Phó Trưởng đoàn Thường trực Đoàn giám sát cho biết, trong giai đoạn 2016-2021, với định hướng chiến lược đúng đắn của Đảng, sự vào cuộc tích cực của cả hệ thống chính trị và sự tham gia, ủng hộ của người dân, ngành năng lượng đã có bước phát triển nhanh, tương đối đồng bộ trong tất cả phân ngành, lĩnh vực; bám sát định hướng và đạt được nhiều mục tiêu cụ thể đề ra.
Tuy nhiên, phát triển năng lượng nước ta vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập. Mục tiêu bảo đảm an ninh năng lượng quốc gia còn nhiều thách thức; một số chỉ tiêu bảo đảm an ninh năng lượng đang biến động theo chiều hướng bất lợi; đặc biệt đã xảy ra tình trạng thiếu xăng dầu cục bộ năm 2022, thiếu điện một số thời điểm của năm 2023; các nguồn cung trong nước không đủ đáp ứng yêu cầu, phải nhập khẩu năng lượng ngày càng lớn; nhiều dự án điện bị chậm so với quy hoạch, kế hoạch…
Về nhiệm vụ cần làm ngay, trong năm 2023, Đoàn giám sát đề nghị ban hành Kế hoạch thực hiện Quy hoạch điện VIII, Quy hoạch tổng thể năng lượng quốc gia, danh mục các dự án phát triển năng lượng quan trọng quốc gia, cấp bách trong giai đoạn 2023-2030. Về thị trường năng lượng, chính sách giá điện, giá than, giá xăng dầu, Đoàn giám sát đề nghị nghiên cứu, đề xuất cơ chế, chính sách vận hành thị trường năng lượng phù hợp với hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp theo lộ trình phát triển thị trường năng lượng cạnh tranh.
Đối với thị trường xăng dầu, Đoàn giám sát cho rằng cần đẩy mạnh đầu tư phát triển và khai thác dầu khí, bảo đảm đồng bộ đầu ra của tài nguyên khí và phát triển ngành công nghiệp lọc dầu để tận dụng nguồn tài nguyên làm động lực phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm an ninh năng lượng, an ninh kinh tế. Đồng thời, đánh giá thực trạng, hiệu quả của Quỹ bình ổn giá xăng dầu; có cơ chế điều chỉnh các loại thuế áp dụng đối với xăng dầu để điều tiết thị trường, bảo đảm các mục tiêu phát triển kinh tế vĩ mô và ổn định an sinh xã hội.
Điều chỉnh kịp thời giá bán lẻ điện theo biến động thực tế của thông số đầu vào, giá nguyên nhiên liệu, tỷ giá, thị trường điện, bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, an sinh xã hội, đồng thời bù đắp được chi phí và lợi nhuận hợp lý để bảo toàn vốn kinh doanh của doanh nghiệp; rút ngắn thời gian giữa các lần điều chỉnh giá điện; điều hành giá bán lẻ điện linh hoạt, bám sát diễn biến thị trường.
Có cơ chế tách bạch chi phí hoạt động sản xuất kinh doanh và hoạt động công ích, chi phí xã hội và chi phí quản trị doanh nghiệp hiệu quả đối với giá bán điện; hoàn thiện khung chính sách, pháp luật về phát triển điện lực, phát triển năng lượng tái tạo (bao gồm cả điện mặt trời mái nhà, điện mặt trời tự sản, tự tiêu); đặc biệt ban hành cơ chế phát triển điện mặt trời mái nhà cho khu vực miền Bắc để hạn chế tình trạng thiếu điện ngay trong năm 2024 và các năm tiếp theo.
Phát biểu tại buổi giám sát, Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nhấn mạnh, chuyên đề giám sát phải có trọng tâm, trọng điểm và tạo ra chuyển biến sau giám sát, làm rõ thực trạng, trách nhiệm, tồn tại, hạn chế khách quan, chủ quan, những trách nhiệm trong ban hành văn bản pháp luật, thực thi chính sách, tổ chức thực hiện.
Chủ tịch Quốc hội đề nghị giám sát nên tập trung nhiều vào vấn đề về an ninh năng lượng, trong đó quan trọng nhất là điện, xăng dầu; trong lĩnh vực điện tập trung đánh giá sâu liên quan đến Quy hoạch điện VII; đánh giá về Luật Dầu khí, Luật Điện lực đã được sửa đổi, về đầu tư hạ tầng lưới điện đã được sửa đổi trong dự án một luật sửa đổi 9 luật; các văn bản dưới luật quy định những chính sách về thị trường, về giá, khung giá điện, tương quan giữa giá thượng nguồn và hạ nguồn, vai trò điều phối giữa PVN với EVN, Ủy ban Quản lý vốn nhà nước, Chính phủ, Bộ Công Thương...
Nêu quan điểm cần đánh giá kỹ hơn thực trạng thực hiện Quy hoạch điện VII, điều chỉnh những vướng mắc giữa quy hoạch và truyền tải điện khi để xảy ra tình trạng điện thừa nhưng không hòa được lưới điện quốc gia, Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho rằng, đây là những vấn đề cần phải chỉ rõ nguyên nhân và trách nhiệm cụ thể của các cơ quan địa phương, các chủ quản lý để đề xuất biện pháp trong thời gian tới, đưa ra các đề nghị với Chính phủ chỉ đạo giải quyết các vấn đề trọng tâm.
Phó Chủ tịch Quốc hội cũng đề nghị xác định các giải pháp trọng tâm vấn đề quy hoạch tổng thể với quy hoạch phân ngành, xử lý bất cập của các quy hoạch ngành gây lãng phí lớn nguồn lực của xã hội, doanh nghiệp khi không phù hợp giữa công suất và truyền tải điện; giải pháp trọng tâm về hạ tầng năng lượng, về khoa học kỹ thuật, công nghệ năng lượng và thị trường năng lượng.
Phát biểu tại phiên họp, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà cho rằng, việc phê duyệt quy hoạch vẫn còn lúng túng bởi trên thực tế, vấn đề này được điều chỉnh ở các luật khác nhau, nhiều vấn đề chưa chế định trong các văn bản. Do đó, Phó Thủ tướng Chính phủ cho rằng, cần làm rõ các sơ hở liên quan tới điều chỉnh quy hoạch và cơ sở quy hoạch.
Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, việc phát triển năng lượng tái tạo là chủ trương đúng nhưng cần có phương pháp quản lý hiệu quả khi đầu tư giữa các nguồn điện, bảo đảm sự an toàn giữa điện tái tạo và điện nền cũng như đảm bảo an toàn giữa nguồn điện và truyền tải điện.
Liên quan đến dự trữ xăng dầu, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, hiện nay đã tiến hành quy hoạch hệ thống các kho dự trữ; công việc hiện nay là phải huy động nguồn vốn từ doanh nghiệp, xã hội hóa. Về vấn đề giá điện, phương pháp định giá và các quy định pháp luật về giá vẫn còn nhiều tranh cãi, do đó từ nay đến cuối năm, Bộ Công Thương sẽ ban hành nghị định, thông tư về hình thức mua bán điện trực tiếp.