Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Tập trung hướng dẫn thanh toán vốn đầu tư kế hoạch năm 2013

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Huy Tưởng đã giao Sở Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với đơn vị liên quan hướng dẫn thanh toán vốn đầu tư kế hoạch năm 2013 theo chỉ đạo của Bộ Tài chính.

Cụ thể, tất cả các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước, vốn trái phiếu Chính phủ chỉ được thực hiện khối lượng theo mức vốn kế hoạch được giao, để không gây nợ đọng xây dựng cơ bản. Việc thanh toán và tạm ứng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ từ cơ quan Kho bạc nhà nước cho các dự án đầu tư (trong kế hoạch) phải căn cứ vào khối lượng thực hiện. Với dự án chưa có khối lượng thực hiện, việc tạm ứng vốn theo quy định. Việc thanh toán và tạm ứng tiếp theo chỉ được thực hiện sau khi thanh toán khối lượng hoàn thành.

Liên quan đến hồ sơ thanh toán đối với các dự án khởi công mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước và vốn trái phiếu Chính phủ như sau: Các dự án khởi công mới sử dụng vốn ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ chỉ được thanh toán khi có quyết định đầu tư và quyết định phê duyệt tổng dự toán, hoặc dự toán của cấp có thẩm quyền phê duyệt. Riêng các dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước phải nằm trong danh mục đã được Thủ tướng Chính phủ giao kế hoạch vốn năm 2013 tại Quyết định số 1902/QĐ-TTg ngày 19/12/2012.

Với các dự án được bổ sung trong năm 2013 từ nguồn vốn khác như: dự phòng ngân sách trung ương năm 2013, ứng trước ngân sách nhà nước chỉ được thanh toán khi có quyết định đầu tư và quyết định phê duyệt tổng dự toán, hoặc dự toán.

Các dự án của các bộ, ngành trung ương, dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và vốn trái phiếu Chính phủ, ngoài văn bản phân bổ vốn của các bộ, ngành, địa phương, Kho bạc Nhà nước có trách nhiệm gửi bản sao thông báo vốn của Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho Kho bạc nhà nước tỉnh và thành phố để làm căn cứ kiểm soát thanh toán.

Với dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và vốn trái phiếu Chính phủ theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính. Vì vậy, hồ sơ thanh toán ngoài các tài liệu theo quy định phải đính kèm ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch Đầu tư và Bộ Tài chính.

Đối với các dự án sử dụng vốn ngân sách trung ương bổ sung có mục tiêu cho địa phương và vốn trái phiếu Chính phủ theo Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ phải có ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, thực hiện giải ngân theo ý kiến của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Trường hợp có sự khác nhau hoặc không thống nhất về nội dung giữa ý kiến thẩm định của Bộ Tài chính và Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì cơ quan Kho bạc Nhà nước thực hiện giải ngân theo ý kiến thẩm định của Bộ Kế hoạch và Đầu tư và đồng thời, Kho bạc Nhà nước các tỉnh (thành phố) trực thuộc Trung ương có trách nhiệm báo cáo ngay về Kho bạc Nhà nước để tổng hợp, báo cáo Bộ Tài chính.

Các dự án thuộc chương trình hỗ trợ nhà ở cho người nghèo, chương trình hỗ trợ nhà ở, đất ở, đất sản xuất và nước sinh hoạt cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo; chương trình hỗ trợ giải quyết đất ở, đất sản xuất và giải quyết việc làm cho đồng bào dân tộc thiểu số nghèo, đời sống khó khăn vùng đồng bằng sông Cửu Long; chương trình dự án tái định cư thủy điện Hòa Bình, Tuyên Quang, Sơn La, chương trình đầu tư phát triển kinh tế - xã hội tuyến biên giới Việt - Trung, Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia có tổng mức đầu tư một dự án dưới 15 tỷ đồng nhưng tổng mức vốn của các dự án này không vượt quá tổng mức đầu tư của từng chương trình đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt: giao các địa phương chịu trách nhiệm thẩm định nguồn vốn theo đúng quy định tại Chỉ thị số 1792/CT-TTg ngày 15/10/2011 của Thủ tướng Chính phủ (hồ sơ thẩm định vốn là hồ sơ của các cơ quan chức năng địa phương); đồng thời các chủ đầu tư có trách nhiệm gửi Kho bạc Nhà nước ý kiến thẩm định nguồn vốn của cấp có thẩm quyền để làm căn cứ thanh toán cho các chương trình, dự án.

Việc tạm ứng theo hợp đồng giữa chủ đầu tư cho nhà thầu được thực hiện theo quy định hiện hành; tổng mức vốn tạm ứng của các hợp đồng thực hiện trong năm tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án. Chủ đầu tư chịu trách nhiệm xác định mức tạm ứng cho từng hợp đồng cụ thể, đảm bảo mức tạm ứng của cả dự án theo quy định nêu trên.

Trường hợp dự án được bố trí kế hoạch vốn mà mức vốn tạm ứng không đủ theo hợp đồng, sau khi đã thanh toán khối lượng hoàn thành và thu hồi toàn bộ hoặc một phần số vốn đã tạm ứng lần trước, theo đề nghị của chủ đầu tư, Kho bạc nhà nước tạm ứng tiếp cho dự án (tổng số vốn đã tạm ứng không vượt mức quy định của hợp đồng). Tổng số dư vốn tạm ứng chưa thu hồi tối đa là 30% kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án.

Mức tạm ứng khống chế nêu trên là theo kế hoạch vốn giao hàng năm cho dự án. Trường hợp dự án được điều chỉnh kế hoạch thì mức tạm ứng trên cơ sở kế hoạch điều chỉnh. Nếu mức vốn đã tạm ứng chưa thu hồi cao hơn 30% kế hoạch điều chỉnh, chủ đầu tư có trách nhiệm thu hồi để đảm bảo tống số dư vốn tạm ứng tối đa là 30% kế hoạch vốn điều chỉnh của dự án.

Đối với dự án đầu tư xây dựng của các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài và các cơ quan khác của Việt Nam ở nước ngoài thực hiện việc tạm ứng vốn tối đa bằng 30% kế hoạch được giao trong năm. Đối với từng trường hợp cụ thể có tính đặc thù, Kho bạc Nhà nước thực hiện việc tạm ứng theo đề nghị của Bộ chủ quản nhưng không vượt kế hoạch năm của dự án.

Việc tạm ứng cho công tác đền bù, giải phóng mặt bằng và tạm ứng đối với một số cấu kiện, bán thành phẩm trong xây dựng có giá trị lớn phải được sản xuất trước để đảm bảo tiến độ thi công và một số loại vật tư phải dự trữ theo mùa thực hiện theo quy định hiện hành và hướng dẫn tại Thông tư số 86/2011/TT-BTC ngày 17/6/2011 của Bộ Tài chính quy định về quản lý, thanh toán vốn đầu tư và vốn sự nghiệp có tính chất đầu tư thuộc nguồn ngân sách nhà nước.

Việc thanh toán theo hợp đồng được thực hiện theo quy định hiện hành. Chủ đầu tư có trách nhiệm xác định mức tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng hợp lý, tạo điều kiện về tài chính cho nhà thầu thực hiện gói thầu theo tiến độ; đồng thời phải quản lý chặt chẽ việc sử dụng vốn tạm ứng và thu hồi vốn tạm ứng. Trường hợp vốn tạm ứng được sử dụng không đúng mục đích hoặc nhà thầu không thực hiện gói thầu theo đúng tiến độ, chủ đầu tư thực hiện các chế tài theo quy định hiện hành.