Theo Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng, đây là kỳ họp cuối nhiệm kỳ Quốc hội, nên nội dung xây dựng luật được đẩy mạnh. Quốc hội sẽ dành 19 ngày để thảo luận, xem xét, thông qua 18 luật, 14 Nghị quyết (có 3 Nghị quyết chứa quy phạm pháp luật), trong đó có nhiều dự luật quan trọng thuộc lĩnh vực tư pháp như hoạt động điều tra, công tố, kiểm sát, xử án, thi hành án… Và cho ý kiến 8 dự án luật, liên quan đến quyền con người, quyền công dân theo đúng tinh thần của Hiến pháp năm 2013.
Quốc hội cũng sẽ dành 12 ngày để thảo luận, xem xét kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, ngân sách Nhà nước năm 2015, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, dự toán ngân sách và phương án phân bổ ngân sách T.Ư năm 2016; đánh giá kết quả thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2011 - 2015 và đề xuất chủ trương đầu tư giai đoạn 2016 - 2020… Quốc hội cũng sẽ thảo luận, góp ý kiến về các Dự thảo Văn kiện trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng; quyết định thành lập Hội đồng bầu cử quốc gia, bầu Chủ tịch Hội đồng bầu cử quốc gia, Tổng thư ký Quốc hội, quyết định ngày bầu cử toàn quốc đối với cuộc bầu cử đại biểu Quốc hội và đại biểu HĐND các cấp.
Nhấn mạnh đến những nét đổi mới trong hoạt động chất vấn tại kỳ họp này, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc cho biết: Tại kỳ họp này, sau khi nghe Chính phủ báo cáo về việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động giám sát chuyên đề, hoạt động chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến năm 2015; các Ủy ban của Quốc hội báo cáo thẩm tra, đại biểu Quốc hội sẽ chất vấn tất cả những vấn đề, nội dung mà đại biểu quan tâm, trong đó có những lời hứa của những người được chất vấn từ đầu nhiệm kỳ đến nay: “Thời gian phiên chất vấn vẫn sẽ giữ nguyên 2,5 ngày, nhưng tất cả thành viên Chính phủ phải có mặt tại phiên chất vấn, để tham dự và đại biểu Quốc hội có thể chất vấn bất cứ thành viên Chính phủ nào liên quan. Thủ tướng Chính phủ cũng sẽ tham dự và trả lời những câu hỏi liên quan dưới tầm bao quát chung. Qua chất vấn lần này, Quốc hội có thể ra Nghị quyết để Quốc hội khóa sau có căn cứ để theo dõi, giám sát, chất vấn tiếp, đảm bảo chất vấn đến cùng”.
Trong kỳ họp này, Chính phủ cũng sẽ báo cáo Quốc hội về kết quả đàm phán Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP). Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho biết: Đây là vấn đề mới, Chính phủ báo cáo Quốc hội, để Quốc hội có lộ trình sửa đổi các đạo luật liên quan để tạo môi trường thông thoáng cho các DN.
Trả lời câu hỏi của báo chí về có hay không tình trạng vận động hành lang trong hoạt động của Quốc hội khi có “đại biểu đọc bài của người khác”, tức là có những bài phát biểu do bộ, ngành nào đó nhờ đại biểu đọc có lợi cho ngành mình, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội cho rằng, việc phát biểu như thế nào trước hết là quyền của mỗi đại biểu Quốc hội. Có thể có một vài đại biểu phát biểu ca ngợi ngành này hoặc nói có lợi cho ngành kia, nhưng qua hoạt động của bộ, ngành đó thì cử tri, Nhân dân sẽ có đánh giá tổng thể và đánh giá trên từng công việc. Sự đánh giá đó mới là thước đo chính xác nhất.
Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Hạnh Phúc trả lời báo chí tại cuộc họp báo thông tin về Kỳ họp thứ 10, Quốc hội khóa XIII.
|