Tại buổi ký kết, Phó Viện trưởng Viện Kiểm sát Nhân dân quận Tây Hồ Nghiêm Khả Nghĩa cho biết, trong thời gian qua, liên ngành tư pháp quận Tây Hồ đã phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện các quy định của bộ luật tố tụng hình sự, bộ luật tố tụng dân sự.
Liên ngành đã tổ chức nhiều phiên họp để giải quyết các vụ án khó, phức tạp. Thực hiện tốt các chỉ tiêu, kế hoạch công tác của từng ngành, góp phần giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội tạo môi trường thuận lợi để phát triển KT - XH trên địa bàn quận.
Tuy nhiên, trong quá trình giải quyết các vụ án hình sự, quá trình giải quyết tin báo, tố giác và kiến nghị khởi tố và điều tra, truy tố xét xử còn vi phạm, thiếu xót về chấp hành thời hạn, chuyển tài liệu giữa các cơ quan theo khoản 5 điều 88 Bộ luật tố tụng hình sự. Việc trao đổi, cập nhật thông tin, kết quả điều tra vụ án, xác minh tin báo tố giác tội phạm còn thiếu nề nếp.
Công tác phối hợp khám nghiệm hiện trường, xử lý các vụ án, vụ việc tai nạn giao thông giữa Cơ quan CSĐT – Công an quận với Đội 2, Phòng CSGT, Công an thành phố Hà Nội còn bất cập, chồng chéo do việc phân cấp thẩm quyền giải quyết các tuyến đường, tuyến phố giữa Công an thành phố và Công an quận.
Ngoài ra, việc giải quyết các vụ việc, vụ án dân sự, lao động, kinh tế, kinh doanh thương mại vẫn còn tồn tại một số bất cập trong việc chấp hành về thời hạn chuyển giao hồ sơ, tài liệu, các quyết định tố tụng, lịch phiên họp, phiên tòa… Nguyên nhân của những tồn tại trên là thiếu các quy chế đồng bộ, đẩy đủ và thiếu sự nhận thức về những tồn tại bất cập, thiếu xót trong công tác phối hợp giữa các cơ quan tố tụng trong thực thi nhiệm vụ.
Phát biểu chỉ đạo tại lễ ký kết, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng đánh giá cao công tác phối hợp giữa các cơ quan liên ngành tư pháp của quận trong thực hiện các quy định của pháp luật được triển khai chặt chẽ, nhiều vụ việc khó, phức tạp như việc di dời các phương tiện thủy nội địa neo đậu tại khu vực đầm Bảy ra khỏi Hồ Tây được các cơ quan liên ngành tư pháp quận tháo gỡ, giải quyết, từ đó góp phần giữ vững an ninh trật tự an toàn xã hội, tạo môi trường thuận lợi cho việc phát triển KT - XH quận.
Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng khẳng định, việc ban hành Quy chế phối hợp liên ngành không những nhằm tăng cường công tác phối hợp thể hiện trách nhiệm của liên ngành với Nhân dân, tạo tiếng nói chung để thực hiện tốt các quy định của Nhà nước trong việc tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, điều tra, truy tố xét xử và thi hành án đảm bảo chặt chẽ, kịp thời, công minh, không làm oan người vô tội, không bỏ lọt tội phạm góp phần hiệu quả vào công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm; phục vụ tốt nhiệm vụ chính trị của địa phương, nâng cao chỉ số hạnh phúc của người dân trên địa bàn.
Để chương trình phối hợp đem lại hiệu quả, Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng đề nghị thủ trưởng các cơ quan tố tụng của quận quán triệt, triển khai thực hiện nội dung quy chế phối hợp tới toàn thể cán bộ, chiến sỹ ở đơn vị mình một cách thiết thực, hiệu quả, thực chất; hàng năm tổ chức đánh giá kết quả công tác phối hợp, chỉ ra những tồn tại, hạn chế để đề ra những nhiệm vụ, giải pháp trong thời gian tới.
“Trên cơ sở Quy chế phối hợp đã ký, các cơ quan, đơn vị thuộc quận phải xây dựng kế hoạch, lộ trình, bước đi cụ thể, chi tiết; phân công nhiệm vụ cụ thể cho từng tập thể, cá nhân để tập trung chỉ đạo, tổ chức thực hiện quy chế một cách bài bản, chặt chẽ, hiệu quả tạo điều kiện cho việc đảm bảo an ninh trật tự, phát triển KT - XH của quận” – Bí thư Quận ủy Tây Hồ Lê Thị Thu Hằng nhấn mạnh.