Hái thuốc trong ngày Tết Đoan ngọ
Ngày Tết Đoan ngọ hay là Tết Đoan dương, từ 11 giờ trưa đến 13 giờ chiều là khoảng thời gian mặt trời gần trái đất nhất, sinh ra dương khí nhiều; hỏa khí trong người trong ngày này cũng tiết ra nhiều nhất. Như vậy, cả trời và người đều sinh ra dương khí cao nhất.
Vào ngày này, theo y học phương Đông nhiều loại cây lá tiết ra lượng lớn chất để chữa bệnh. Do đó, theo dân gian vào giờ Ngọ của ngày Tết Đoan ngọ, người ta hái các loại lá cây để làm thuốc chữa bệnh, nhất là những loại cây chữa bệnh cảm mạo, ho, sốt, mụn nhọt, đau răng, rôm sảy…
Cụ thể, các loại cây làm thuốc chữa bệnh thông thường có tác dụng trừ phong ích khí là: Ích mẫu, ngải cứu, sả, tử tô, kinh giới, lá tre, bưởi, cam, chanh, quýt, mít, vải, hành, tỏi, gừng, chè, ổi, trầu không, sài đất, bồ công anh, sen, vông, lạc tiên, nhọ nồi…Sau khi hái xong, phơi vào nơi râm mát, tránh ánh nắng trực tiếp để các cây lá khô từ từ, sẽ bảo tồn được chất chữa bệnh.
Vải thiều, mận hậu, cái rượu nếp dâng lên cúng lễ gia tiên buổi sáng và dùng giết sâu bọ. |
Tết Đoan ngọ dùng thực phẩm nào?
Vào dịp Tết Đoan ngọ, cũng là lúc sản xuất nông nghiệp vừa kết thúc vụ sản xuất đầu năm, nông dân bắt đầu vào vụ sản xuất mới. Đây là giai đoạn chuyển mùa, chuyển tiết, dịch bệnh cũng phát sinh mạnh trên cây trồng và vật nuôi. Đây cũng là thời điểm bắt đầu vào mùa mưa bão trong năm. Vào ngày này, dân gian có nhiều tục trừ trùng, phòng bệnh.
Gọi là Tết nên Tết Đoan ngọ đều có sự cúng lễ tổ tiên. Sau vụ mùa sản xuất đầu năm, người dân nấu cơm, xôi, làm rượu, hái những hoa quả đầu mùa để dâng lên ban thờ lễ gia tiên. Các loại trái cây được chọn dâng lên ban thờ vào ngày Tết Đoan ngọ thường là những loại quả mỗi năm chỉ có 1 mùa, có vị chua như: Mận hậu, mận cơm, vải thiều...
Cùng với trái cây, ngày Tết Đoan ngọ theo tục lệ dân gian là cúng vịt, trứng luộc. Những con vịt được nuôi trong vụ lúa xuân dâng lên cúng thổ thần, long mạch và tổ tiên vừa là báo công kết quả sản xuất của vụ trước và để cầu nguyện cho một vụ mới mưa thuận gió hòa, hạn chế dịch bệnh.
Sau khi thắp hương buổi sáng 5/5 xong, trái cây được hạ xuống, thừa lộc trước khi ăn sáng để giết sâu bọ. Thường mỗi thứ trái cây, rượu nếp, trứng luộc được ăn một ít để giết sâu bọ. Giết sâu bọ được hiểu là để bài trừ bệnh tật phát sinh.
Ngoài những ý nghĩa kể trên, những trái cây được ăn trong Tết Đoan ngọ đây cũng là những loại quả bổ dưỡng, có các chất kháng bệnh. Vào thời điểm nắng nóng gay gắt, khiến trong mỗi người chúng ta mất nước và khoáng chất, do đó ăn các loại trái cây có nhiều dưỡng chất và nhiều vitamin nhằm bổ sung năng lượng cho cơ thể, chống lại nắng nóng và bệnh tật.
Theo phong tục cổ truyền, thịt vịt không thể thiếu trong bữa ăn ngày Tết Đoan ngọ. |
Theo y học phương Đông, thịt vịt có tính bình, mát, ngọt, có tác dụng bồi bổ cơ thể cho những người làm việc nhiều trong những ngày nắng nóng, có thể giúp cơ thể hạ nhiệt khi bị nóng sốt, cảm nắng.
Thịt vịt là loại gia cầm chế biến được khá nhiều món, như: Vịt luộc, vịt nướng, nấu canh măng, canh sấu, cháo vịt, vịt hầm thuốc bắc, hầm hạt sen… Những người gầy yếu, mới ốm dậy có thể dùng vịt hầm thuốc bắc, hầm hạt sen để bồi bổ giúp cơ thể nhanh bình phục. Những người bị cảm nắng, sốt nóng có thể nấu cháo thịt vịt cho hành hoa, tía tô ăn nóng vừa bồi bổ cơ thể, vừa giải cảm, giảm sốt.