Chị Lê Thị Nga (24 tuổi), nhân viên tại một công ty truyền thông tại Hà Nội đang háo hức vì sắp được về quê đón Tết. Từ đầu tháng Chạp, chị đã sốt sắng tìm hiểu vé xe, mua sắm đồ đạc. Tuy nhiên, do tình hình dịch bệnh ngày càng phức tạp, cộng thêm những quy định mới về cách ly tại địa phương, chị Nga phân vân giữa việc nên về quê hay ở tại Hà Nội.
“Mình ở xã Thạch Kim, huyện Lộc Hà, tỉnh Hà Tĩnh. Khi nhận được thông tin tại khu vực mình sống sẽ phải đi cách ly nếu trở về từ vùng có nguy cơ cao. Không những thế, 28 Âm lịch mình mới được nghỉ Tết, mà địa phương vận động người dân về ăn Tết trước ngày 25. Điều này khiến mình phải suy nghĩ lại về việc có nên xin nghỉ sớm hơn để về quê hay không”, chị Nga chia sẻ.
Như một số người làm ăn xa quê, gia đình anh Lê Minh Hoà, quê ở Quảng Ngãi cũng đang băn khoăn về những dự định đón Tết. Vợ chồng anh có 2 người con, đứa lớn đã tiêm được 1 mũi vaccine phòng Covid-19, đứa nhỏ chưa đến tuổi được tiêm vaccine. Nắm được thông tin người dân chưa tiêm đủ 2 mũi vaccine sẽ bị cách ly từ 7 – 14 ngày, anh Hòa cũng đau đầu nghĩ chuyện về quê đón Tết.
“Buồn lắm, năm nào hai vợ chồng với con cái cũng cố gắng về quê đón Tết với ông bà, nhưng năm nay dịch bệnh khó lường, hai đứa nhỏ cũng chưa tiêm đủ mũi, cộng thêm với việc phải cách ly 7 – 14 ngày khiến cho việc đón Tết không được thoải mái”, anh Hoà ngậm ngùi.
Tương tự, thành phố Thanh Hoá vừa ra thông báo vận động người dân sinh sống, học tập, công tác xa tạm thời không về quê dịp Tết nếu không thực sự cần thiết. Dù đây không phải lệnh cấm nhưng nó cũng khiến Nguyễn Ngọc Linh (25 tuổi), một nhân viên văn phòng tại Hà Nội cũng cân nhắc lại việc về nhà đón Tết. Linh cho biết: “Đến nay, TP Thanh Hóa cũng ghi nhận nhiều trường hợp dương tính với Covid-19, việc trở về quê khiến mình đắn đo, bởi nếu diễn biến dịch phức tạp hơn, việc không thể quay trở lại Hà Nội làm việc là điều rất dễ xảy ra”.
Là nhân viên kinh doanh tại Hà Nội, anh Nguyễn Văn Tuấn (26 tuổi) nghe tin dịp Tết này, TP Cần Thơ sẽ nới lỏng một số biện pháp cách ly. Theo đó, người dân trở về quê chỉ cần thực hiện việc test nhanh, tuân thủ biện pháp 5K và tiêm vaccine đầy đủ.
Tuy nhiên, với đặc thù công việc phải đi lại thường xuyên, tiếp xúc nhiều người nên mặc dù không có yêu cầu về quy định cách ly khi về quê, anh vẫn muốn ở lại Hà Nội để đảm bảo sự an toàn cho gia đình. “Tết thì cũng muốn về chứ, nhưng mà sức khoẻ vẫn là quan trọng nhất, việc chọn ở lại Hà Nội với mình là điều cần thiết lúc này” – Anh Tuấn chia sẻ.
Ông Nay Phi La - Giám đốc Sở Y tế tỉnh Đắk Lắk cho biết, việc công dân từ các địa phương trở về tỉnh ăn Tết không cần phải có giấy xét nghiệm Covid-19, chỉ cần tuân thủ biện pháp 5K và tiêm vaccine đầy đủ. Tuy nhiên, những người từ vùng đỏ về cần thực hiện khai báo y tế và test nhanh Covid-19 để đảm bảo an toàn.
Chỉ còn chưa đầy một tháng nữa là đến Tết Nguyên đán Nhâm Dần, bất cứ ai xa quê đều mong trở về nhà để đón một cái Tết trọn vẹn. Tuy nhiên, tình hình dịch bệnh phức tạp đã buộc một số tỉnh, thành phải thay đổi yêu cầu đối với người dân khi trở về địa phương. Chính điều này cũng khiến không ít người dân xa quê phải đắn đo đứng giữa lựa chọn về quê hay ở lại. Dù cho lựa chọn đón Tết có khác nhau thì mỗi người dân cũng cần nâng cao ý thức tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch của Bộ Y tế để ngày Tết thực sự là ngày vui của mỗi gia đình.