“Thà ít mà tốt”

Quốc Phong
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Chúng ta cũng đã biết, hồi cuối năm 2018, Ban Bí thư T.Ư Đảng đã họp, cho ý kiến về việc chuẩn bị ban hành Chỉ thị về nâng cao chất lượng kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc, đưa những người không còn đủ tư cách đảng viên ra khỏi Đảng. Và vừa qua, trong không khí cả nước vào Xuân mới với khí thế mới, kế thừa những mặt tích cực đội phá của công tác xây dựng Đảng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng đã ký ban hành Chỉ thị số 28-CT/TƯ của Ban Bí thư về nội dung nêu trên.

Ảnh: Nhật Bắc.
Có thể nhận xét rằng, đây sẽ là dấu mốc của một vấn đề quan trọng, được rất nhiều người quan tâm: Sàng lọc và kết nạp Đảng đều cần sự cẩn trọng, “thà ít mà tốt”!

Tôi được biết, trong bài phát biểu của mình hồi cuối năm tại cuộc họp về nội dung nêu trên, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng có nhấn mạnh việc sẽ tập trung vào khâu kết nạp Đảng, giáo dục, rèn luyện, sàng lọc, xử lý cán bộ đảng viên, chống cho được tình trạng suy thoái hiện nay, khắc phục tình trạng “đông nhưng không mạnh”, còn hiện tượng “hữu danh vô thực”...

Cách đây đã gần một thế kỷ, trong bài viết “Thà ít mà tốt” đăng tải trên tờ Pravda (Sự thật) ngày 4/3/1923 của Liên Xô cũ,V.I Lenin nói rằng nếu như “Đảng viên hữu danh vô thực” thì dù có cho không cũng không cần.

Thực tế của Đảng ta trong 89 năm qua đã có một ví dụ sinh động về câu chuyện này. Đó là thời kỳ nước ta chuẩn bị Tổng khởi nghĩa giành chính quyền hồi Cách mạng Tháng Tám năm 1945, khi thù trong giặc ngoài đe dọa tứ bề. Lực lượng đảng viên vốn đã mỏng lại bị khủng bố, truy sát vô cùng tàn khốc và hy sinh rất nhiều lực lượng cốt cán. Thế nhưng, chỉ vỏn vẹn với 5 nghìn đảng viên, Đảng ta đã lãnh đạo toàn dân làm một cuộc cách mạng long trời lở đất, giành chính quyền từ tay chế độ phong kiến được thực dân Pháp hà hơi tiếp sức và Phát xít Nhật tràn sang uy hiếp. Tại sao lại có thể thực hiện thành công điều kỳ diệu đó? Thật đơn giản, đảng viên của chúng ta ngày đó dù không thật có trình độ nhưng lòng yêu nước, thương dân thì vô bờ bến nên 5.000 đảng viên ấy họ chính là 5.000 bó đuốc rực sáng. Họ sẵn sàng hy sinh những gì thuộc về cá nhân để cho dân tộc được hạnh phúc trường tồn... Còn hôm nay, chúng ta có gần 5 triệu đảng viên nhưng thực tế lại chưa thật mạnh như kỳ vọng. Vì thế, đã đến lúc cần được sàng lọc nghiêm túc.

Chỉ thị 28 nói trên của Ban Bí thư có nêu rõ, từ khi thành lập Đảng đến nay, nhất là những năm gần đây, số lượng đảng viên kết nạp mới tăng nhanh, trình độ học vấn của đảng viên mới kết nạp ngày càng cao. Cùng với việc rà soát, sàng lọc, đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng đã góp phần nâng cao chất lượng đảng viên, năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh, củng cố lòng tin của Nhân dân.

Tuy nhiên, công tác kết nạp đảng viên và rà soát, sàng lọc đảng viên thời gian qua chưa đáp ứng yêu cầu, có biểu hiện chạy theo số lượng, chưa coi trọng đúng mức chất lượng. Việc kết nạp người chưa đủ tiêu chuẩn, điều kiện, người có động cơ không đúng đắn vào Đảng còn diễn ra nhiều nơi...

Công tác quản lý, giáo dục, rèn luyện, đánh giá chất lượng đảng viên còn hình thức. Công tác rà soát, sàng lọc đảng viên chưa kịp thời, không quyết liệt, còn lúng túng, thiếu thống nhất giữa các tổ chức đảng.

Còn một bộ phận đảng viên thiếu gương mẫu, thiếu bản lĩnh, bị cám dỗ bởi lợi ích cá nhân, suy thoái, "tự diễn biến", "tự chuyến hóa"; có việc làm, phát ngôn sai nguyên tắc, trái với Cương lĩnh, đường lối, Điều lệ Đảng. Một số đảng viên có biểu hiện dao động, hoài nghi về mục tiêu, lý tưởng và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội.

"Những khuyết điểm yếu kém đó đã ảnh hưởng không nhỏ đến vai trò lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và đảng viên; làm giảm sút niềm tin của Nhân dân đối với Đảng", bản Chỉ thị số 28- CT /TƯ của Ban Bí thư đã nêu rõ.

Chỉ thị 28 của Ban Bí thư cũng nhấn mạnh, những khuyết điểm, yếu kém này có nguyên nhân cơ bản không ít cấp ủy, tổ chức đảng, cán bộ, đảng viên chưa nhận thức đầy đủ, sâu sắc tầm quan trọng của việc nâng cao năng lực lãnh đạo, sức chiến đấu của tổ chức đảng và chất lượng đảng viên...

Vì vậy, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng tập trung thực hiện 7 nhiệm vụ trọng tâm trong đó có một nhiệm vụ được coi là hàng đầu, đó là việc phải kiên quyết đưa những đảng viên không còn đủ tư cách ra khỏi Đảng. Đây chính là một bước kiên quyết để thanh lọc đảng viên sao có chất lượng hơn.

Đó là tư tưởng chủ đạo mà cả thế kỷ trước, từ nước Nga xa xôi, nơi khai sinh ra chế độ mới do giai cấp vô sản lãnh đạo đã sớm nhận ra một sự thật. Vâng, một sự thật đúng như lãnh tụ V.I Lenin viết: “Thà ít mà tốt !”