Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất Nguyễn Mạnh Hồng cho biết, căn cứ theo quy định phân vùng trong tình hình thực tế của địa phương, cơ sở sản xuất, kinh doanh được hoạt động trở lại bao gồm: Nhà máy, cơ sở sản xuất, công trình giao thông, xây dựng, hộ kinh doanh mặt hàng thiết yếu. Cửa hàng dịch vụ ăn uống chỉ được phép mang về (có vách ngăn giữa người bán và người mua; người bán phải đeo kính chắn giọt bắn), yêu cầu khai báo y tế và sử dụng mã QR-Code.
Huyện Thạch Thất phân vùng để phòng, chống dịch và cho phép sản xuất, kinh doanh được hoạt động trở lại. |
Hệ thống siêu thị, cửa hàng kinh doanh, chợ phiên, chợ dân sinh trên địa bàn tổ chức sắp xếp, chỉ bán mặt hàng thiết yếu, đảm bảo cung cấp đầy đủ nhu yếu phẩm hàng ngày cho Nhân dân trên địa bàn; Công trình xây dựng chỉ được triển khai thi công sau khi phương án, kế hoạch thi công đảm bảo yêu cầu phòng chống dịch được UBND huyện xác nhận.
Công trình nhà ở riêng lẻ, số lượng lao động không quá 10 người; Công trình xây dựng theo tuyến liên thông giữa các vùng trong, ngoài địa bàn huyện phải có biện pháp tổ chức thực hiện trên nguyên tắc “3 tại chỗ” hoặc “một cung đường hai điểm đến”... Việc di chuyển người, vật tư, vật liệu xây dựng phục vụ thi công, sinh hoạt trên công trường phải tuân thủ biện pháp kiểm tra, kiểm soát y tế chặt chẽ theo quy định của T.Ư và TP.
“Cửa hàng của tôi chỉ bán mang về. Để phòng chống dịch Covid-19, khách hàng chỉ đứng mua hàng chứ không vào bên trong cửa hàng. Trong quá trình bán hàng phải đeo khẩu trang, đứng xa để đảm bảo khoảng cách” - ông Vũ Mạnh Cường chủ một quán hàng ăn khu vực Đồng Cam, thị trấn Liên Quan chia sẻ.
Ghi nhận thực tế của phóng viên Kinh tế & Đô thị, bên cạnh những quán hàng kinh doanh đồ ăn, các cơ sở sản xuất cũng đã được hoạt động trở lại theo quy định phân vùng mới của TP Hà Nội và huyện Thạch Thất. Ông Chu Văn Cường – Chủ cơ sở sản xuất gỗ tại thôn Yên Lạc 3, xã Cần Kiệm cho biết, hơn 40 ngày TP Hà Nội thực hiện giãn cách theo Chỉ thị 16/CT-TTg, cơ sở sản xuất của gia đình ông buộc phải đóng cửa, hơn 20 công nhân mất thu nhập vì không có việc làm.
Những lô hàng trong mùa dịch được đóng gói chuyển đi bán, mang lại nhiều hi vọng cho người dân trong mùa dịch. |
“Chúng tôi rất vui mừng khi được TP và huyện cho phép hoạt động sản xuất trở lại ở những khu vực vùng xanh. Vì nếu không linh động như vậy thì cuộc sống của người dân chúng tôi gặp rất nhiều khó khăn, không sản xuất sẽ mất thu nhập, trong khi vẫn phải chi trả những chi phí sinh hoạt, vốn vay sản xuất... Nhưng để đảm bảo phòng, chống dịch chúng tôi cam kết thực hiện đúng theo quy định khi sản xuất” – ông Chu Văn Cường nói.
Căn cứ theo tình hình thực tế, UBND huyện Thạch Thất đã ban hành Phương án số 10/PA-UBND, quyết định mức độ giãn cách cụ thể theo phân vùng trên địa bàn, tổ chức sản xuất, sinh hoạt, truy vết, xét nghiệm, điều trị... phù hợp với đặc điểm từng vừng, mục tiêu nhằm giảm áp lực dân sinh, sản xuất.