Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thạch Thất phát triển năng động, toàn diện

Ngọc Ánh
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Năm 2016, mặc dù gặp nhiều khó khăn, thách thức, song với sự chỉ đạo sát sao, quyết liệt của đội ngũ lãnh đạo cùng sự đoàn kết, đồng thuận của cán bộ, Nhân dân trên địa bàn, diện mạo Thạch Thất đã khởi sắc toàn diện. Kinh tế - xã hội tiếp tục phát triển, ổn định. Đời sống người dân ngày càng được nâng cao.

Bứt phá trong phát triển kinh tế

"Năm 2016 là năm Thạch Thất thu ngân sách đạt mức cao nhất trong 5 năm trở lại đây với trên 250 tỷ đồng, bằng 126% dự toán HĐND huyện giao" – Bí thư Huyện ủy Thạch Thất Nguyễn Doãn Hoàn phấn khởi cho hay. Thông tin này đã phần nào minh chứng cho những thành tựu kinh tế nổi bật mà Thạch Thất đã đạt được trong năm qua. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất ước đạt trên 14.300 tỷ đồng. Tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân đạt 14,5%. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch theo hướng tích cực: Tăng tỷ trọng giá trị công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng và thương mại, dịch vụ, giảm tỷ trọng nông lâm thủy sản.

Trên cơ sở khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế cùng với việc lấy công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp là ngành mũi nhọn, ngay từ đầu năm, Thạch Thất đã tập trung thực hiện hiệu quả 2 Đề án: "Phát triển công nghiệp – tiểu thủ công nghiệp và làng nghề giai đoạn 2016 – 2020" và Đề án "Bảo tồn, phát triển làng nghề truyền thống giai đoạn 2014 – 2020". Năm 2016, tổng giá trị sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng ước đạt trên 9.800 tỷ đồng. Để có được kết quả trên, huyện đã quan tâm tháo gỡ khó khăn cho các DN, hỗ trợ các DN, cơ sở sản xuất tiếp cận nguồn vốn vay mở rộng quy mô sản xuất, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đổi mới thiết bị... nhằm nâng cao giá trị sản phẩm hàng hóa, tăng sức cạnh tranh trên thị trường. Hiện tại, huyện đã đề xuất TP chấp thuận chủ trương đầu tư 2 cụm công nghiệp Hương Ngải và Thạch Xá. Lập hồ sơ xây dựng nhãn hiệu tập thể đối với 3 sản phẩm: Chè kho Đại Đồng, mộc làm nhà cổ truyền Hương Ngải, cơ kim khí Phùng Xá.
 Mô hình trồng hoa ứng dụng công nghệ cao tại xã Đại Đồng, huyện Thạch Thất.
Nhằm đẩy mạnh chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo mô hình chuỗi từ sản xuất đến tiêu thụ, huyện đã tuyển chọn và đưa các giống lúa, rau màu có năng suất, chất lượng cao vào sản xuất. Đồng thời, tiếp tục nhân rộng nhiều mô hình kinh tế hiệu quả như: Trồng hoa ly 10ha tại xã Đại Đồng, trồng thanh long ruột đỏ 25ha tại các xã Kim Quan, Bình Yên, Lại Thượng, trồng rau an toàn 120ha ở các xã Hương Ngải, Canh Nậu, Dị Nậu. Qua đó, tạo việc làm cho hàng trăm lao động với mức thu nhập trung bình từ 4 – 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, chăn nuôi tiếp tục phát triển mạnh và ổn định. Đến nay, toàn huyện đã xây dựng được 179 trang trại chăn nuôi cho hiệu quả kinh tế cao. Đáng chú ý, huyện chuyển đổi được 116 mô hình có giá trị sản xuất đạt từ 350 - 400 triệu đồng/ha/năm. Năm 2016, tổng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản ước đạt trên 1.500 tỷ đồng.

Ngoài ra, huyện còn phát triển phong phú, đa dạng các hoạt động thương mại - dịch vụ - du lịch. Đặc biệt là các hoạt động du lịch sinh thái, du lịch làng nghề đã thu hút trên 100.000 lượt khách đến tham quan, nghỉ dưỡng, trong đó có trên 5.000 lượt du khách quốc tế. Nhiều DN trên địa bàn còn mở rộng hợp tác với các DN nước ngoài để xuất khẩu sản phẩm làng nghề. Năm 2016, tổng giá trị thương mại - dịch vụ - du lịch đạt 3.000 tỷ đồng.

Văn hóa - xã hội chuyển biến tích cực

Thực hiện Chương trình số 02 – CTr/TU của Thành ủy về "Phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới (NTM), nâng cao đời sống nông dân", Thạch Thất đã chú trọng việc rà soát từng tiêu chí, xây dựng kế hoạch thực hiện đối với các tiêu chí chưa đạt, cơ bản đạt và tiếp tục có giải pháp đối với các tiêu chí đã đạt. Theo đó, huyện đã huy động các nguồn lực phục vụ xây dựng cơ sở hạ tầng và phát triển kinh tế, xây dựng NTM với số tiền trên 700 tỷ đồng. Sau 6 năm thực hiện, đến nay, huyện có 15 xã đạt chuẩn NTM, 7 xã còn lại đều đạt từ 15 tiêu chí trở lên. Bộ mặt nông thôn ngày một đổi mới, đời sống vật chất và tinh thần của Nhân dân được nâng lên rõ rệt.
 Mô hình nuôi lợn ứng dụng công nghệ cao tại xã Kim Quan, huyện Thạch Thất.
Thực hiện "Năm trật tự và văn minh đô thị 2016", Thạch Thất đã làm tốt công tác quản lý đất đai, trật tự xây dựng, VSMT, đảm bảo ATGT. Bên cạnh đó, phong trào "Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ”, "Xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh" cũng đang được đẩy mạnh cả bề rộng lẫn chiều sâu. Việc thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội và mừng thọ được người dân hưởng ứng tích cực. Nhờ đó, năm qua, toàn huyện có 88% số gia đình đạt danh hiệu Gia đình văn hóa, 75,5% số làng đạt danh hiệu Làng văn hóa.

Xác định nguồn nhân lực có vai trò quan trọng đối với sự phát triển bền vững của huyện, Thạch Thất hết sức coi trọng sự nghiệp giáo dục đào tạo, trọng tâm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Theo đó, huyện đã áp dụng các giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Đồng thời, đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động xã hội hóa giáo dục được hơn 3 tỷ đồng để mua sắm, bổ sung trang thiết bị cho các trường học. Ngoài ra, các chính sách đảm bảo an sinh xã hội, đào tạo nghề, giải quyết việc làm, giảm nghèo cho người dân cũng được Thạch Thất đặc biệt quan tâm. Năm 2016, toàn huyện có trên 4.200 lao động được đào tạo nghề, gần 4.800 lao động được giải quyết việc làm. Công tác chăm sóc sức khỏe người dân được quan tâm. 100% số xã, thị trấn được công nhận đạt chuẩn quốc gia về y tế giai đoạn 2011 – 2020. Quốc phòng, an ninh không ngừng được củng cố, trật tự an toàn xã hội được đảm bảo.

Tuy nhiên, theo ông Trần Đức Nguyên - Chủ tịch UBND huyện Thạch Thất, bên cạnh những kết quả đạt được, Thạch Thất cũng gặp những khó khăn, hạn chế nhất định. Do đó, bước sang năm 2017, huyện sẽ đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng hiện đại, bền vững, phấn đấu đưa giá trị sản xuất tăng trưởng cao hơn năm 2016. Đồng thời, tăng cường công tác quản lý tài chính ngân sách, khai thác các nguồn lực đáp ứng nhiệm vụ chi đầu tư phát triển và xây dựng NTM. Đặc biệt, huyện quyết tâm cao và phấn đấu có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM trong năm tới, tiến tới đạt mục tiêu Thạch Thất được UBND TP công nhận là huyện NTM.

Một số chỉ tiêu kinh tế - xã hội phấn đấu đạt trong năm 2017:

- Tổng giá trị sản xuất đạt 16.500 tỷ đồng, tăng 14,8% so với năm 2016, trong đó, công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp, xây dựng tăng 15,4%; nông lâm thủy sản tăng 4,5%; thương mại - dịch vụ, du lịch tăng 18,2%

- Thu ngân sách Nhà nước đạt 580 tỷ đồng

- Tỷ lệ hộ nghèo giảm xuống còn 2,92%

- Duy trì tỷ lệ 100% dân số nông thôn được dùng nước hợp vệ sinh, 45% dân số được sử dụng nước sạch

- 86% số gia đình và 76% số làng được công nhận là giữ vững danh hiệu văn hóa

- Có thêm 6 xã đạt chuẩn NTM, gồm: Phú Kim, Lại Thượng, Kim Quan, Chàng Sơn, Hữu Bằng, Bình Phú

- Tăng thêm 6 trường công lập đạt chuẩn quốc gia