Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thách thức an ninh mạng trong thời đại chuyển đổi số

Hồng Uyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Sáng 11/4, hội thảo quốc tế “Truyền thông mới trong kỷ nguyên chuyển đổi số” đã diễn ra tại Hà Nội, nhằm góp phần nâng cao tầm hiểu biết về thời đại chuyển đổi số, cũng như chia sẻ những giải pháp về tăng cường bảo mật, an toàn thông tin trong bối cảnh internet phát triển mạnh mẽ như hiện nay.

Các diễn giả tham gia hội thảo
Các chuyên gia phát biểu tại hội thảo đều có chung nhận định, hiện nay nhờ các phương tiện truyền thông mới, con người có thể tiếp cận kho tri thức rộng lớn trên internet, nguồn thông tin không bị giới hạn trong một quốc gia mà được phổ biến trên toàn thế giới. Từ đó dẫn đến các cá nhân trong xã hội đều có mong muốn được thể hiện cái tôi của mình, được tự do trong suy nghĩ và hành động. Chính quá trình này đã thay đổi cơ bản hình thức tiếp cận thông tin của người dân hiện nay. Mỗi cá nhân đều có sự tự do lựa chọn theo sở thích của mình, họ có thể từ chối tiếp cận thông tin một chiều, áp đặt của các phương tiện truyền thông cũ.
Hơn thế nữa, mọi người còn tự thể hiện "cái tôi", sự sáng tạo thông qua tự viết blog, chia sẻ dòng trạng thái trên Facebook hay dùng YouTube để đăng các hình ảnh riêng tư, những ý tưởng độc đáo. Dần dần, những cộng đồng mạng được hình thành và nó có sức mạnh không kém gì những cộng đồng khác trong xã hội.
Trong khi đó Việt Nam là một trong những quốc gia nhạy bén với sự thay đổi của truyền thông trong kỷ nguyên chuyển đổi số. Từ năm 2000 đến 2020, dự báo số lượng thiết bị được kết nối internet ở nước ta sẽ tăng từ 1 tỷ lên 50 tỷ thiết bị. Việc kết nối này như một cơ sở để chia sẻ dữ liệu, tuy nhiên số lượng dữ liệu được sử dụng càng nhiều thì thách thức an ninh với những nhà quản lý gặp phải cũng tăng lên. Việc mỗi người chia sẻ dữ liệu với một không gian đa chiều như Facebook khiến nguy cơ bị đánh cắp thông tin cá nhân tăng cao.
Theo các chuyên gia, thách thức an ninh mạng hiện nay có thể kể đến là không thể phân biệt được thông tin thật, giả vì rất khó để kiểm chứng nguồn gốc của thông tin đó.
Một thống kê về lừa đảo trên mạng của Microsoft cho thấy, trong năm 2018, việc tống tiền trên mạng diễn ra mạnh mẽ thông qua lợi dụng email, làm giả trang web, trộm cắp dữ liệu. Bên cạnh đó là việc gia tăng những đường link độc hại không được xác thực (Ransome wave) có thể ảnh hưởng đến thiết bị của người dùng.
Ghi nhận thực tế, các cuộc tấn công mạng tuy có giảm nhưng độ phức tạp và ảnh hưởng tăng. Tội phạm mạng có thể sử dụng các mã độc liên quan đến trí tuệ nhân tạo AI để tấn công người sử dụng tài khoản Facebook cá nhân. Tiếp đó là các cuộc tấn công vào các hệ thống thương mại điện tử tài chính, hạ tầng thiết bị AOT, hệ thống cổng thông tin của các cơ quan nhà nước. Đặc biệt, chúng giả mạo các cơ quan, tổ chức để bôi xấu nhà nước, tung thông tin thù địch...
TS Trần Quang Diệu - Trung tâm Ứng dụng Công nghệ thông tin, Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh cho biết: Có 2 khó khăn trong triển khai thực hiện pháp luật về an ninh mạng hiện nay. Thứ nhất là hạ tầng công nghệ, kỹ thuật thông tin ở nước ta còn hạn chế. Thứ hai là hệ thống pháp lý chưa đồng bộ, cần triển khai hệ thống văn bản dưới luật chi tiết, chặt chẽ ở tất cả các cấp quản lý, không để tội phạm có cơ hội lách luật.
Bên cạnh đó, một số giải pháp đã được đưa ra tại hội thảo nhằm đảm bảo chủ quyền không gian mạng như: Bổ sung những chính sách về cơ sở pháp lý, đào tạo nhân lực; tuyên truyền an ninh mạng; xây dựng mô hình quản lý mạng chặt chẽ; học hỏi kinh nghiệm quản lý không gian mạng từ các quốc gia phát triển trên thế giới...