Lãnh đạo phe biểu tình phản đối chính phủ Suthep Thaugsuban đã tuyên bố về một kế hoạch biểu tình đại chúng để chiếm đóng và đóng cửa Bangkok bắt đầu từ 9 giờ sáng 13/1/2014. Hoạt động đóng cửa Bangkok có thể kéo dài tới 20 ngày. Ông Suthep cũng đề cập tới khả năng người biểu tình bắt giữ Thủ tướng và các Bộ trưởng. Kế hoạch này đã đẩy tình hình đấu tranh chính trị lên mức nguy hiểm mới. Việc bắt giữ các cá nhân lãnh đạo là một bước leo thang bạo lực rõ ràng. Ngoài ra, sẽ có 20 điểm chặn sẽ được thiết lập trong nội đô, nhưng xe cứu thương sẽ được phép đi trên một làn đường đến bệnh viện. Xe cảnh sát và xe chính phủ sẽ không được phép đi qua. Ông Suthep còn đe dọa sẽ cắt điện và nước tới nhà riêng của các bộ trưởng lâm thời và tất cả các văn phòng cơ quan chính phủ. Sau khi chiếm đóng Bangkok thành công, các kênh truyền hình hoặc phải phát hình trực tiếp hoặc là hiện màn hình đen nếu không làm điều đó.
Đám đông biểu tình phản đối Chính phủ (Ảnh: EPA)
|
Những lời kêu gọi này cho thấy kế hoạch được phe biểu tình tính toán kỹ. Trong bối cảnh Luật An ninh khẩn cấp ISA áp dụng tại Bangkok và vùng lân cận đã chấm dứt hôm 31/12/2013, ông Paradorn Pattanatabut - Tổng Thư ký Ủy ban An ninh Quốc gia tuyên bố An ninh Nội địa đã trở nên cần thiết với tình hình hiện nay. Trong một động thái để đối phó với những sóng gió sắp nổi, ngày 2/1, nữ Thủ tướng tạm quyền Yingluck Shinawatra đã tham dự cuộc họp của Trung tâm chỉ huy bảo vệ trị an Thái Lan. Theo đó, nếu trong ngày 5/1, tại Bangkok bắt đầu có các cuộc biểu tình tuần hành như tuyên bố của ông Suthep, Trung tâm này sẽ đề nghị Chính phủ áp dụng Lệnh tình trạng khẩn cấp để huy động cả lực lượng quân đội tham gia; đồng thời giúp nhà chức trách có thể tiến hành các biện pháp kiên quyết hơn nhằm bảo vệ hiệu quả an ninh - trật tự ở Thủ đô Bangkok. Theo luật định, Thủ tướng tạm quyền Thái Lan có thể tuyên bố áp dụng ngay Lệnh tình trạng khẩn cấp có thời hạn trong vòng 3 ngày. Tuy nhiên, việc gia hạn áp dụng Lệnh tình trạng khẩn cấp này sẽ phải được Nội các thông qua.