Thẩm định nghệ thuật: Thiếu những chuẩn mực

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Hết scandal bên thời trang lại đến những ì xèo, tranh cãi bên giới ca hát, điện ảnh, sân khấu, nhiếp ảnh… Chung qui cũng bởi, làng giải trí Việt đang thiếu những chuẩn mực cụ thể để đánh giá và thẩm định nghệ thuật.

 

“Thảm họa” nổi loạn

Phải nói rằng, cụm từ “thảm họa” nghệ thuật không chỉ thích hợp cho những nhạc phẩm kiểu “Da nâu” của Phi Thanh Vân, “Vọng cổ teen” của Vĩnh Thuyên Kim, hay “Nói dối” của Phương My… mà còn thích hợp với nhiều lĩnh vực khác. Kiểu trang phục hở hang trên sân khấu cũng có thể gọi là thảm họa, kiểu copy ý tưởng nghệ thuật hay kiểu minh họa không liên quan gì đến nội dung tác phẩm, kiểu lấy danh nghĩa nghệ thuật đương đại để trình diễn những ý tưởng quái kì… cũng có thể gọi là thảm họa. Dù không sính hai từ "thảm họa" nhưng rõ ràng là thảm họa đang có nguy cơ nổi loạn trong làng giải trí với những kiểu cách nghệ thuật phi nghệ thuật. Những cuộc chạy đua đánh bóng tên tuổi, bất chấp thuần phong mĩ tục, đã đưa các thành viên của làng giải trí vào... thảm họa. Nhưng, lạ là những thảm họa ấy lại thu hút sự chú ý đặc biệt của công chúng. Thống kê ở trang truy cập MV, ca khúc phổ biến nhất YouTube cho thấy ca khúc "Da nâu" của Phi Thanh Vân có tới 717.597 lượt truy cập. Vậy mà, những nhạc phẩm chính thống như "Giọt nắng bên thềm" của diva Thanh Lam chỉ có 572 lượt người truy cập. Sức hấp dẫn này bắt nguồn từ sự tò mò, nhưng rõ ràng là nhờ đó "thảm họa" nghệ thuật đang rộng rãi đất sống.

Đâu là chuẩn mực?

Người ta đem câu chuyện nghệ thuật phi nghệ thuật của thời hiện đại này ra bàn luận, phân tích, mổ xẻ không ít lần.  Và, xin nói thẳng ra là thiếu hẳn những chuẩn mực nhất định trong việc đánh giá, thẩm định, kiểm duyệt nghệ thuật. Qui chế về biểu diễn nghệ thuật không đưa ra được barie cụ thể thế nào là trang phục hợp thuần phong mĩ tục, thế nào là hở hang và thế nào là không hở hang.

Thị trường giải trí Việt hiện giờ đủ các loại hình nghệ thuật, nhưng những định hướng, những chuẩn mực để thẩm định nó trước khi đến với công chúng, lại không… theo kịp thời đại. Nhìn vào các cuộc chơi nghệ thuật là thấy. Nghệ sĩ nhiếp ảnh Thái Phiên long đong bao nhiêu năm đến tận giờ vẫn chưa thực hiện được ước mơ triển lãm ảnh nuy nghệ thuật ở đất nước mình, vì lí do "không hợp thuần phong mĩ tục", dù những bức ảnh đó đã ra mắt người dân xứ bạn. Trong khi đó, những bức ảnh phản cảm của nghệ sĩ, người mẫu, cứ tung hê trên các trang web không một hình thức kiểm duyệt hay xử phạt nào. Hay bộ phim "Bi, đừng sợ" của Phan Đăng Di được đánh giá cao khi chiếu ở nước ngoài, nhưng về Việt Nam lại gặp muôn vàn trắc trở mới ra được rạp.

Rõ ràng là chuẩn mực giữa nghệ thuật và phi nghệ thuật chưa được xác định. Điều ấy lí giải vì sao nghệ sĩ chân chính cứ nản lòng, muốn “lùi vào hậu trường” và vì sao thảm họa cứ lan như dịch bệnh. Nghị định mới về hoạt động biểu diễn nghệ thuật đang chuẩn bị bước chân vào làng giải trí Việt, nhưng người ta vẫn không khỏi băn khoăn về sức mạnh của nó khi mà những chuẩn mực để thẩm định nghệ thuật vẫn cứ mơ hồ và không thực tế.

 

Tin đọc nhiều

Kinh tế đô thị cuối tuần