Biến động do kỳ vọng tăng giá
Nối tiếp đà giảm từ ngày trước đó, mỗi USD tại các ngân hàng sụt thêm từ 70 - 90 đồng. Tại các NHTM, giá USD bán ra niêm yết xuống dưới 22.700 đồng. Trong ngày, nhiều cửa hàng vàng bạc, ngoại tệ, các hoạt động trao đổi và giao dịch đồng USD tự do không còn nhộn nhịp, thậm chí là yên ắng. Nhân viên giao dịch tại một cửa hàng cho biết, giá USD mua vào ở mức 23.100 đồng và giá bán ra ở mức 22.170 đồng. Mức giá này giảm 130 đồng so với ngày trước đó 7/12 và giảm tới 200 đồng so với mức đỉnh 23.380 đồng trong sáng 6/12.
Sức nóng của tỷ giá trong hơn một tuần qua khiến không ít cá nhân và cả nhà đầu tư phải chịu lỗ. Ông Nguyễn Minh Tú - Phó Thống đốc NHNN cho biết, nguyên nhân chính gây ra những biến động tỷ giá thời gian qua là do giá USD trên thị trường quốc tế tăng, không phải từ những yếu tố nội tại của nền kinh tế. Ông Tú cho rằng, dịp cuối năm, tâm lý kỳ vọng điều chỉnh mạnh tỷ giá do nhu cầu ngoại tệ tăng là có. Tâm lý này cũng "đẩy" tỷ giá, nhất là tỷ giá ngoài thị trường tự do. Mặc dù có sự biến động nhưng tỷ giá vẫn hoàn toàn nằm trong sự kiểm soát của NHNN.Tỷ giá đang yên ắng trở lại. Những thông điệp “trấn an” liên tục được NHNN gửi đến thị trường, tuy nhiên đằng sau đó mối lo ngại về việc USD tăng giá tạo tâm lý đầu cơ và gây áp lực lên VND cũng đang được bàn luận tới. “Thủ tướng Chính phủ và lãnh đạo NHNN đã lên tiếng và USD hạ nhiệt, tuy nhiên từ nay đến hết năm, vẫn cần đề phòng, thị trường có thể chịu thêm cơn dư trấn của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), khả năng lúc đó, các yếu tố đầu cơ nhân cơ hội sẽ lại tạo áp lực đẩy đồng USD thêm một đợt sóng nữa” - một chuyên gia ngân hàng nhận xét.
Bên cạnh USD, giá vàng cũng có những ngày biến động dù giao dịch không tăng. So với giá vàng thế giới quy đổi, giá vàng SJC bán lẻ hiện đang cao hơn khoảng 3,5 triệu đồng/lượng, từ mức chênh 3,8 - 3,9 triệu đồng/lượng vào ngày trước đó. Giá USD tự do “giảm nhiệt” được xem là lý do khiến giá vàng trong nước giảm theo. |
Có nên lo lắng về “sự kiện Mỹ”?Mấy ngày gần đây, đồng USD trên thị trường thế giới đã giảm giá trở lại so với các đồng tiền chủ chốt khác, sau khi tăng liên tục sau cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Tuy nhiên, mức giảm không đáng kể khi kỳ vọng FED nâng lãi suất trong tuần tiếp theo vẫn rất cao. Giả sử FED tăng lãi suất sẽ tác động tới Việt Nam thế nào? Trong báo cáo mới nhất, Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia nhận định, biến động tỷ giá trong thời gian qua chỉ là tạm thời, việc điều hành tỷ giá thời gian tới cần lưu ý đến nhiều yếu tố không thuận lợi liên quan đến lạm phát và thị trường ngoại hối toàn cầu.Một số chuyên gia lo ngại, cùng với xu hướng bảo hộ, khi FED tăng lãi suất, đồng USD sẽ mạnh lên so với hầu hết các ngoại tệ khác, trong đó có VND. Đồng thời với quan điểm phản đối Hiệp định TPP của tân Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ khiến dệt may, da giày, logistics và cả thu hút FDI… sẽ mất đi yếu tố mang tính đòn bẩy. Điều này sẽ ảnh hưởng lớn đến cán cân thanh toán, cũng như xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Mỹ. Có ý kiến cho rằng đây sẽ là cơ hội cho hàng Trung Quốc tràn vào Việt Nam nhiều hơn. Trong khi đó, hiện nay, phần lớn giao dịch xuất nhập khẩu giữa Việt Nam và Trung Quốc vẫn được thanh toán bằng USD. Điều này sẽ bị tác động bởi đồng Nhân dân tệ tiếp tục giãn rộng mức phá giá so với USD. Vì thế, tỷ giá USD/VND trong ngắn hạn sẽ tiếp tục chịu nhiều áp lực. “Tuy nhiên, nhu cầu nội địa đã hồi phục, cán cân thanh toán tổng thể vẫn thặng dư, cộng với mức độ lạm phát thấp… sẽ cho phép các chính sách tỷ giá trở nên linh động hơn trong khả năng kiểm soát nhu cầu USD” - ông Bùi Quốc Dũng - Trợ lý Trưởng ban Kinh tế T.Ư nhận định và phân tích thêm: Bên cạnh nguồn vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) giải ngân mạnh mẽ, dòng kiều hối dự kiến khoảng 9 tỷ USD, đợt bán đấu giá cổ phần Vinamilk tới đây thị trường sẽ có nguồn thu ngoại tệ lớn,… nên có thể nhận định tỷ giá sẽ tiếp tục ổn định trong nửa đầu năm 2017. Thực tế nhu cầu mua bán không quá căng. Quan sát dù có thời điểm giá USD các NHTM bán ra tăng, nhưng trên thị trường liên ngân hàng vẫn giao dịch ở vùng thấp hơn nhiều. Có nghĩa, các nhu cầu ngoại tệ trên thị trường chính thức vẫn tự thông suốt và tự điều tiết được với giá thấp hơn, thay vì thiếu cung hoặc giá cao mà phải xin mua của NHNN. Đại diện NHNN cũng cho biết, mặc dù chào bán USD với giá sâu dưới trần, nhưng hiện NHNN vẫn chưa phải can thiệp một cách trực tiếp vào cung - cầu USD trên thị trường.Thời điểm này khá nhiều DN nhập khẩu – đối tượng sẽ chịu tác động trực tiếp nếu tỷ giá ngoại tệ tăng cũng đã chủ động phòng ngừa rủi ro tỷ giá. Tổng giám đốc một DN nhập khẩu hạt nhựa cho biết, nếu mức biến động tỷ giá dưới 2%, DN của ông vẫn có thể tạm ổn định được, vì đã được tính toán trong trích lập dự phòng biến động tỷ giá từ đầu năm theo yêu cầu từ phía ngân hàng cấp tín dụng cho công ty ông là BIDV.
"Mặc dù có nhiều dự báo đưa ra rằng, năm 2016 tỷ giá có thể tăng thêm 5%, nhưng thực tế cho thấy, đến thời điểm này tỷ giá mới chỉ tăng 2%. Với diễn biến thị trường trong năm nay, mức điều chỉnh trên dưới 2% là chấp nhận được. Điều quan trọng ở đây là vẫn phải gắn với niềm tin của thị trường, ổn định tâm lý khi mà tỷ giá từ nay đến cuối năm vẫn còn nhiều áp lực. Tuy vậy, do cung cầu khá ổn định, tôi cho rằng, cơ bản tỷ giá vẫn sẽ trong tầm kiểm soát." - TS Võ Trí Thành - Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu và Quản lý kinh tế T.Ư - CIEM |