Sụt giảm cả điểm số và thanh khoảnSau giai đoạn tăng điểm ổn định từ giữa tháng 7 đến hết quý 3, thị trường chứng khoán bắt đầu xu hướng điều chỉnh sâu từ đầu tháng 10. Đóng cửa phiên cuối tháng 10, VN Index giảm 11,19%, rơi về ngưỡng 914,76 điểm. Đáng chú ý, phiên 11/10 là phiên giảm điểm mạnh nhât của chỉ số kể từ đầu năm 2018, với mức điều chỉnh mất 4,84%.
Phân tích của chuyên gia Công ty Cổ phần đầu tư Chứng khoán Sài Gòn (SSI) cho biết: Nguyên nhân khiến cho chỉ số VN-Index sụt giảm là những tác động từ thị trường thế giới, xuất phát chủ yếu từ Mỹ và Trung Quốc. Kỳ vọng lạm phát khiến lợi tức trái phiếu Mỹ tăng và kéo chỉ số S&P 500 giảm 7,26% trong tháng 10. Chiến tranh thương mại Mỹ - Trung cũng khiến chỉ số chứng khoán Shanghai Composite của Trung Quốc mất 6,6%.
|
Diễn biến thị trường chứng khoán từ đầu năm 2018. |
Thanh khoản của thị trường cơ sở duy trì ở mức thấp khi diễn biến của các chỉ số không thuận lợi. Giá trị giao dịch bình quân trên sàn HOSE đạt 5.300 tỷ đồng. Nếu loại trừ giao dịch thỏa thuận đột biến tại MSN và VIC (phiên 2/10 và 5/10) thì thanh khoản bình quân chỉ đạt 4.500 tỷ đồng, giảm 3.5% so với tháng trước. Trên cả 2 sàn niêm yết HOSE và HNX, tổng giá trị giao dịch đạt mức 5.200 tỷ đồng mỗi phiên, giảm hơn 4,2%.
Ngược lại, thị trường phái sinh quý 3 lại thu hút tốt dòng tiền. Khối lượng giao dịch bình quân trong tháng 10 đạt 110,938 hợp đồng/phiên, tăng tới 35,3% so với tháng trước và tăng 14% so với trung bình quý 3. Giá trị giao dịch cũng tăng tương ứng 29,6% và 12,3% lên ngưỡng 10.200 tỷ đồng/phiên. Như vậy, trong tháng 10, thanh khoản của thị trường phái sinh cao gần gấp đôi so với thị trường cơ sở.
Những phiên cuối tháng 10, khi VN-Index hồi phục trở lại, thanh khoản trên thị trường phái sinh cũng sụt giảm. Giá trị giao dịch hợp đồng tương lai giảm từ 14 đến 16 nghìn tỷ đồng/phiên về mức 10 nghìn tỷ đồng vào ngày 31/10.
Cổ phiếu mất giá vô lý?Kết thúc quý 2, các DN niêm yết công bố lợi nhuận sau thuế tăng cao đã tạo động lực cho nhà đầu tư bắt đáy cổ phiếu. Giá cổ phiếu của nhiều công ty trong nhóm VN30 đi lên cùng với mức tăng trưởng của lợi nhuận sau thuế của DN trong quý 3.
Tuy nhiên bước sang tháng đầu quý 4, nhiều doanh nghiệp trong nhóm VN30 vẫn công bố kết quả kinh doanh tích cực nhưng giá cổ phiếu lại quay đầu giảm.
Rõ nét nhất là, Công ty cổ phần Hàng không VietJet có mã VJC, Công ty mẹ của Tập đoàn Vingroup (VIC), Tổng Công ty Khí Việt Nam (GAS), Ngân hàng thương mại CP Quân đội (MBB), Công ty CP Vàng bạc đá quý Phú Nhuận (PNJ) đều thông báo lợi nhuận sau thuế tăng từ 40% trở lên. Tuy nhiên, các mã cổ phiếu VJC, VIC, GAS, MBB, PNJ niêm yết trên sàn vẫn giảm sâu từ 5% đến 14%.
Nhóm cổ phiếu VN30 bị giảm lợi nhuận, thì việc giảm giá trong tháng 10 là điều không tránh khỏi. Trong đó, lợi nhuận trước thuế quý 3 của một số đơn vị như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Việt Nam Thịnh Vượng (VPB) giảm hơn 26% lợi nhuận sau thuế. Tập đoàn Masan (MSN) cũng giảm 3,2% lợi nhuận sau thuế và Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (PLX) mất 0,4% lợi nhuận sau thuế so với quý trước. Tuy nhiên, các mã chứng khoán niêm yết trên sàn là VPB, MSN, PLX đã giảm mạnh giá lần lượt là 21,2%, 10% và 3,63% trong tháng 10 so với tháng trước.
Theo phân tích của SSI, đến hết ngày 2/11, có 617/748 doanh nghiệp công bố kết quả kinh doanh quý 3 với tăng trưởng lợi nhuận sau thuế đạt gần 24%, giảm 27% so với quý 2 và giảm 32% so với quý 1.
Như vậy, cùng với xu hướng giảm của thị trường chứng khoán quốc tế do chiến tranh thương mại thì thị trường trong nước cũng có những yếu tố nội tại của doanh nghiệp. Khi thị trường xuống dốc đã kéo cả những cổ phiếu của DN công bố lợi nhuận tích cực.
Thị trường chứng khoán mất điểm, nhà đầu tư nước ngoài đã bán ròng hơn 2.630 tỷ đồng trên sàn HOSE trong tháng 10. Trên sàn HNX nhà đầu tư ngoại cũng bán ròng 30 tỷ đồng. Tháng 9 trước đó nhà đầu tư ngoại đã mua ròng. Tháng 10, mã MSN có giao dịch thoả thuận đột biến với giá trị trên 11.380 tỷ đồng.