Tháng 5 thăm Bến Nhà Rồng

Yên Nội
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Tháng 5 về, TP Hồ Chí Minh dường như phố phường tươi mới lạ thường, nắng vàng rực rỡ lan tỏa trong vòm trời xanh thẳm, cho cảm giác thanh bình. Bến Nhà Rồng vẫn sừng sững in bóng xuống sông Sài Gòn. Cũng chính nơi đây, vào năm 1911, người thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên con tàu Amiral Latouche Tréville (Pháp) để bắt đầu hành trình tìm đường cứu nước.

Bến Nhà Rồng một hình ảnh biểu tượng của TP Hồ Chí Minh. Ảnh: Huy Chương
Nơi Bác Hồ ra đi tìm đường cứu nước
Bến Nhà Rồng được xây dựng từ năm 1863, tiền thân là trụ sở của hãng vận tải Messageries Maritimes (từ năm 1864 - 1955). Đây là một trong những công trình đầu tiên thực dân Pháp xây dựng sau khi chiếm được đất này.
Bến Nhà Rồng là công trình mang kiến trúc công sở phương Tây với hành lang bao quanh và những vòm cuốn, nhưng lại có mái mang nét kiến trúc phương Đông. Đặc biệt, trên đỉnh mái có trang trí đôi rồng kiểu lưỡng long chầu nguyệt - một lối trang trí phổ biến trên các kiến trúc truyền thống Việt Nam. Chính vì vậy, kiến trúc ấy được gọi là Nhà Rồng hay Bến Nhà Rồng.
Sau khi người Pháp thất bại ở Đông Dương năm 1954, Bến Nhà Rồng được chính quyền miền Việt Nam Cộng Hòa quản lý, Bến Nhà Rồng được tu sửa lại và trang trí hình rồng trên đỉnh mái được thay đổi hướng ra ngoài.
 Bến Nhà Rồng là công trình mang kiến trúc công sở phương Tây với hành lang bao quanh và những vòm cuốn, nhưng lại có mái mang nét kiến trúc phương Đông. Ảnh: Huy Chương
Cho tới trước năm 1975, Nhà Rồng vẫn được sử dụng như một kiến trúc công trình phục vụ cảng đường thủy của chính quyền Việt Nam Cộng hòa. Sau khi đất nước thống nhất, để ghi nhớ sự kiện ngày 5/6/1911, Bác Hồ đã ra đi từ Bến Nhà Rồng tìm đường cứu nước, kiến trúc này được giữ lại làm di tích lịch sử, là khu lưu niệm về Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Ngày 2/9/1979, trong dịp kỷ niệm 10 năm ngày mất của Người, Nhà Rồng đã mở cửa đón khách tham quan phần trưng bày về “Sự nghiệp tìm đường cứu nước của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1890-1945)”. Ngày 30/10/1995, UBND TP Hồ Chí Minh ra quyết định chính thức chuyển “Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh” thành “Bảo tàng Hồ Chí Minh” chi nhánh TP Hồ Chí Minh.
Bảo tàng có nhiệm vụ sưu tầm, bảo quản, trưng bày, tuyên truyền về cuộc đời sự nghiệp cách mạng của chủ tịch Hồ Chí Minh, đặc biệt là tập trung nhấn mạnh vào sự kiện ra đi tìm đường cứu nước; và thể hiện mối quan hệ tình cảm của Bác Hồ với đồng bào, nhân dân miền Nam.
Hiện Bảo tàng Hồ Chí Minh chi nhánh TP Hồ Chí Minh có hơn 11.000 tư liệu, hiện vật và 3300 đầu sách chuyên đề về Chủ tịch Hồ Chí Minh được trưng bày theo các chủ đề và chuyên đề gắn với sự nghiệp của Bác.
 Bến Nhà Rồng nhìn từ Thủ Thiêm. Ảnh: Huy Chương
Nơi lưu giữ những tình cảm của Bác Hồ với đồng bào miền Nam
Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh ngày nay là một địa chỉ văn hóa tổ chức nhiều hoạt động văn hóa - chính trị có ý nghĩa, gắn liền với cuộc sống. Nơi đây thường diễn ra các hoạt động hội thảo, tọa đàm, nói chuyện, triển lãm, chiếu phim… liên quan đến đến Bác Hồ và các hoạt động văn hóa - xã hội khác của TP Hồ Chí Minh.
Điều khác biệt với những bảo tàng, khu lưu niệm Bác Hồ ở nhiều nơi trên đất nước cũng như trên thế giới, không gian trưng bày xúc động và đặc biệt nhất tại đây là chuyên đề “Tình cảm của Bác Hồ với miền Nam và tình cảm của Nhân dân miền Nam với Bác Hồ”.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn dành cho đồng bào miền Nam những tình cảm thiêng liêng cao quý nhất. Trong cuộc đấu tranh đầy hy sinh gian khổ, đồng bào miền Nam chiến đấu kiên cường, Người luôn theo sát từng bước đi của cách mạng miền Nam.

Không gian tưởng niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh lối sảnh chính. Trên án thờ có tượng Bác Hồ bằng đồng, tay cầm tờ báo Nhân dân. Hai bên án thờ là câu đối: ''Đoàn kết, đoàn kết, đại đoàn kết/ Thành công, thành công, đại thành công''. Ảnh: Huy Chương

Trong những năm đầu sau Cách mạng tháng 8/1945 và kháng chiến chống Pháp, đặc biệt thời kỳ đầu của Nam bộ kháng chiến, Bác Hồ luôn chia sẻ những đau thương mất mát với đồng bào miền Nam anh dũng kiên cường “Thành đồng Tổ quốc”. Và suốt những năm kháng chiến chống Mỹ xâm lược 1955 - 1969, tình cảm của Bác dành cho miền Nam là tình cảm thiêng liêng, cao quý. Ngày đêm Người luôn quan tâm đến sự ngiệp giải phóng miền Nam thống nhất Tổ quốc.
Miền Nam tuy xa cách, nhưng lòng Bác Hồ luôn bên cạnh đồng bào miền Nam. Từng ngày, từng giờ, từng công việc lớn nhỏ, Người luôn hướng về miền Nam và dành sự quan tâm đặc biệt đối với cán bộ, chiến sĩ miền Nam tập kết, học sinh miền Nam đang sinh sống, học tập ở miền Bắc. Đặc biệt hơn nữa là tình cảm của Bác dành cho cán bộ chiến sĩ miền Nam, những người chiến đấu trên tuyến đầu chống Mỹ.
  Không gian trưng bày ''Tình cảm của Bác Hồ với miền Nam và tình cảm của Nhân dân miền Nam với Bác Hồ''. Ảnh: Huy Chương
Đáp lại tình thương yêu, tin tưởng của Bác, đồng bào miền Nam luôn làm theo lời Người, thực hiện đến cùng sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất Tổ quốc. Tình cảm của đồng bào miền Nam còn là sự nhớ thương, mong chờ, trông đợi được đón Bác vào miền Nam cùng vui niềm vui chiến thắng.
Tình cảm máu thịt, sâu sắc của Người với miền Nam và của đồng bào miền Nam với Người như “chất men” xúc tác tạo thành một trong những nhân tố quyết định làm nên chiến thắng trong sự nghiệp đánh Pháp, đuổi Mỹ, dẫn đến đại thắng mùa xuân năm 1975 giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất Tổ quốc, thực hiện trọn vẹn Di chúc thiêng liêng của Người.
Đến thăm Bến Nhà Rồng trong tháng 5 lịch sử, nhân dịp kỷ niệm 130 năm ngày sinh Chủ tịch Hồ Chí Minh, chị Phí Ngọc Trâm, một du khách Nghệ An cho biết: “Đây là lần đầu tiên tôi đến TP Hồ Chí Minh, lại đúng dịp sinh nhật Bác nên tôi đã đến đây tham quan rất bất ngờ và thú vị. Bởi nơi đây đã ghi dấu sự kiện đặc biệt vào ngày 5/6/1911 Bác Hồ đã lên tàu xuất dương đi tìm đường cứu nước, cùng với đó bảo tàng đã lưu giữ rất nhiều hình ảnh và hiện vật theo chủ đề tình cảm của Bác với miền Nam và tình cảm của người dân miền Nam với Bác”.
 Bến Nhà Rồng - Bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) là nơi thường xuyên tổ chức các buổi chuyên đề giáo dục cho thế hệ trẻ. 
Còn em, Phan Ngọc Hoa sinh viên ĐH Luật TP Hồ Chí Minh chia sẻ: “Trường Luật nơi em học gần ngay Bến Nhà Rồng, vì vậy trong thời gian vào các dịp lễ như 30/4, 19/5, 2/9… em ghé qua tham quan bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TP Hồ Chí Minh). Những hình ảnh, hiện vật, mô hình về cuộc đời cách mạng cứu nước của Bác, mỗi lần xem lại, em luôn cảm thấy xúc động mới mẻ... Chúng em luôn luôn phấn đấu, rèn luyện học tập theo tấm gương đạo đức sáng ngời của Người”.
Bến Nhà Rồng là một địa chỉ đỏ, một di tích đặc biệt của TP Hồ Chí Minh, là nơi khởi đầu, gắn liền với con đường giải phóng dân tộc mà Bác đã đi. Hiện nay, bảo tàng Hồ Chí Minh (Chi nhánh TP Hồ Chí Minh) trung bình mỗi năm thu hút khoảng 1 triệu lượt khách tham quan trong và ngoài nước.