Mới đây, TS Vũ Đình Ánh, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Thị trường giá cả, đã đưa ra dự đoán về biến động lãi suất từ nay đến cuối năm. Căn cứ vào diễn biến chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trong quá khứ có thể thấy, nếu tính theo cuối kỳ thì CPI năm 2012 đang có xu hướng lặp lại năm 2009. Cụ thể, nếu tính theo cuối kỳ, CPI năm 2009 từ đỉnh cao 28,3% vào tháng 8/2008 đã xuống đáy thấp nhất là 2% vào tháng 8/2009 trước khi phục hồi lên mức 6,52% vào cuối năm.
Ảnh mang tính chất minh họa (Internet)
TS Vũ Đình Ánh đặt giả thiết thứ nhất là CPI năm 2012 sẽ xuống đáy vào khoảng tháng 8 -9/2012 với khoảng 4% so với cùng kỳ, rồi phục hồi lên khoảng 7-8% vào cuối năm. Như vậy, lộ trình giảm lãi suất huy động (và trần lãi suất huy động nếu còn) có thể xuống đáy vào khoảng 6% vào cuối quý III/2012 trước khi lên nhẹ khoảng 7-8% vào quý IV/2012.
Do lãi suất huy động hạ nên lãi suất bình quân cũng về mức 10-11% vào cuối quý III/2012 trước khi lên lại mức 12-13% trong quý cuối cùng của năm 2012.
Nếu tính theo CPI bình quân như thông lệ quốc tế thì đỉnh CPI năm 2008 là hơn 23% vào tháng 11/2008 rồi xuống đáy 6,9% đúng vào tháng 12/2009. Do đó, nếu quy luật 2008-2009 lặp lại thì CPI đã lên đỉnh vào tháng 11/2011 và sẽ xuống khoảng 8% vào cuối năm 2012.
Tuy nhiên, cần lưu ý một số biến số vĩ mô của giai đoạn 2008-2009 rất khác nhau so với giai đoan 2011-2012.
"Chẳng hạn như mặc dù tốc độ tăng trưởng kinh tế có thể không quá khác biệt song tốc độ tăng tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng (sức mua trong nước) và tổng kim ngạch xuất khẩu lại diễn biến trái chiều đi đôi với hiện tượng hàng loạt doanh nghiệp giải thể dừng hoạt động trong năm 2012 và thu ngân sách nhà nước trong nửa đầu năm 2012 đạt thấp hơn so với cùng kỳ năm trước do sự đóng băng không chỉ của thị trường tài sản mà còn của cả thị trường tài chính và thị trường hàng hóa dịch vụ. Những yếu tố này rất có thể khiến cho diễn biến CPI 2012 không hoàn toàn lặp lại quy luật 2009...", TS Ánh nói.
Theo TS. Ánh, tín hiệu nới lỏng tín dụng đã phát đi, và đã cho kết quả tức thì đáng kinh ngạc, đó là chỉ trong vòng 1 tuần đầu của tháng 7/2012, tốc độ tăng tín dụng cho vay so với cuối năm 2011 đã tăng vọt từ 0,76% cuối tháng 6/2012 lên 1,76% tính đến 6/7/2012. Nghĩa là tương đương hơn 1,2 tỷ USD bơm ra dưới hình thức tín dụng chỉ trong 1 tuần.
Nếu với tốc độ này thì chỉ đến giữa tháng 9/2012 là mục tiêu tăng tín dụng cả năm khoảng 10% sẽ hoàn thành và nhiệm vụ quý IV/2012 sẽ là: Hoặc tiếp tục tăng tổng tín dụng nhưng với tốc độ chậm hơn để đạt mục tiêu tăng 15-17% như kế hoạch ban đầu đề ra.
Hoặc tốc độ tăng tín dụng “khủng” 1%/tuần sẽ được điều chỉnh giảm ngay trong tháng 7 và áp lực lạm phát quay đầu tăng trở lại do, tín dụng tăng quá nhanh và dồn dập; do tính chất mùa vụ tăng giá cuối năm; do kích cầu đầu tư công quá mức nên sang quý IV/2012 tín dụng sẽ tăng chậm lại hẳn so với quý II/2012.
Trong hai kịch bản tăng tín dụng được đưa ra, TS Ánh vẫn khẳng định, kịch bản có xác suất rất cao là sẽ có xu hướng giảm trong quý III/2012, và tăng nhẹ vào quý IV/2012.
Ngoài ra, lộ trình điều chỉnh lãi suất huy động và cho vay còn chịu tác động của nhiều yếu tố khác như chuyển dịch cơ cấu tín dụng, thực trạng hoạt động của các tổ chức tín dụng, biện pháp xử lý nợ xấu và cơ cấu lại hệ thống ngân hàng thương mại, cơ cấu lại thị trường tài chính và doanh nghiệp Nhà nước, nới lỏng đầu tư công và qui mô cũng như cơ cấu nợ công...