Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thăng hạng thương hiệu Việt

Thảo Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Giá trị thương hiệu quốc gia (THQG) của Việt Nam năm 2019 tăng thêm 12 tỷ USD so với năm 2018, đạt 247 tỷ USD và xếp hạng thứ 42 - Brand Finance, tổ chức tư vấn hàng đầu về định giá THQG có trụ sở tại Vương quốc Anh đánh giá. Phấn đấu đến năm 2030, tăng 20%/năm về giá trị, hơn 1.000 sản phẩm đạt tiêu chuẩn THQG, Việt Nam hướng đến mục tiêu đất nước có uy tín về hàng hóa, dịch vụ chất lượng cao.

Habeco là một trong 50 thương hiệu hàng đầu có sản phẩm đạt thương hiệu Quốc gia. Ảnh: Huy Hùng
Để chiếm lĩnh thị trường quốc tế
Mức tăng 12 tỷ USD tương đương 5,4%, so với con số 235 tỷ USD năm 2018, Việt Nam đã vươn lên vị trí 42 trong top các thương hiệu mạnh nhất thế giới, tăng 1 bậc so với năm 2018. Tính chung trong 3 năm qua, giá trị THQG tăng thêm 8 bậc. THQG Việt Nam liên tục được cải thiện là nhờ những nỗ lực của Chính phủ về cải cách môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao thành tích xuất nhập khẩu, hỗ trợ thương hiệu sản phẩm và DN, và những dự báo tích cực về tăng trưởng GDP.
Xây dựng thương hiệu là vấn đề quan trọng. Thương hiệu vừa là tín hiệu, dấu hiệu, để người tiêu dùng nhận biết về DN, sản phẩm, dịch vụ… vừa là công cụ để phòng chống hàng hóa giả mạo nhãn hiệu, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ. Xây dựng thương hiệu không phải chỉ làm nhãn mác mà còn dựa vào sự thấu hiểu khách hàng, đặc biệt phải tạo ra dấu ấn riêng bằng chất lượng, đó mới là tạo ra giá trị đích thực.
TS Võ Trí Thành
Nếu như đầu những năm 2000, thương hiệu của các DN Việt Nam chưa được xuất hiện trong bảng xếp hạng của các tổ chức quốc tế thì đến năm 2019, theo bảng xếp hạng của Forbes Việt Nam, tổng giá trị của 50 thương hiệu hàng đầu đạt trên 9,3 tỷ USD, trong đó 50% DN có sản phẩm đạt THQG, như Viettel, Thaco, Hòa Phát, Vinamilk, Habeco, Vietcombank, Vietnam Airlines, Cadivi, Viglacera, Saigontourist…
Thực tế cho thấy, hầu hết các DN có sản phẩm đạt THQG đều duy trì tốc độ tăng trưởng cao cả về lợi nhuận và doanh thu. Khảo sát của Cục Xúc tiến thương mại (Bộ Công Thương) cho thấy, đã có những DN đạt mức tăng trưởng tới gần 70% nhờ đạt THQG. 
Xây dựng từ sản phẩm đến con người
Thủ tướng Chính phủ đã phê duyệt Chương trình THQG Việt Nam từ năm 2020 đến 2030 với mục tiêu có trên 1.000 sản phẩm đạt THQG Việt Nam; Mỗi năm tăng 10% số lượng DN được vào danh sách DN có giá trị thương hiệu cao nhất của các tổ chức xếp hạng uy tín trên thế giới; 90% số lượng DN trên cả nước có nhận thức về vai trò của thương hiệu trong sản xuất, kinh doanh, đầu tư; 100% sản phẩm đạt THQG Việt Nam được quảng bá trong nước và tại các thị trường xuất khẩu trọng điểm. Tuy nhiên, để làm được điều này, hành trình đến đích không đơn giản. Theo TS Võ Trí Thành, từ vụ việc của Khaisilk cho đến Asanzo… những vụ việc bị phát hiện vừa qua như kinh doanh hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, là những trường hợp “cảnh tỉnh” về khả năng phát triển thương hiệu và chất lượng hàng Việt.
Cuộc điều tra của FutureBrand cho thấy rằng yếu tố tạo nên một THQG mạnh phải hội tụ từ ba yếu tố chính là đòn bẩy công nghệ, đổi mới sáng tạo và phát triển bền vững. Năm 2019, Viettel được BrandFinance định giá thương hiệu tăng thêm hơn 1,5 tỷ USD (tăng 20%) so với 2018, đạt 4,316 tỷ USD. Theo chia sẻ của đại diện Viettel, một trong những thành công tạo nên thương hiệu mạnh là nhờ doanh thu tăng trưởng tốt, khách hàng tăng trưởng tốt, và quan trọng là góc nhìn của người tiêu dùng. “Nếu DN không chịu chuyển mình để tận dụng những tiến bộ xã hội thì họ cũng sẽ tụt hậu rất nhanh”- đại diện Viettel chia sẻ.
Hay như Vinamilk có giá trị thương hiệu đạt hơn 2,2 tỷ USD. Vinamilk ngày càng được thế giới biết đến và ghi nhận với những bước tiến lớn về sản phẩm dinh dưỡng tiên tiến và cao cấp, Vinamilk đang nỗ lực để hội nhập sâu vào sân chơi khu vực và toàn cầu.
Phó trưởng ban Kinh tế T.Ư Nguyễn Hữu Nghĩa nhấn mạnh: Việc xây dựng THQG đòi hỏi sự chung tay lâu dài và bền bỉ của cả Nhà nước, DN và người dân. Cần cơ chế phối hợp giữa các bộ, ngành, các địa phương, các tổ chức chính trị xã hội và quan trọng nhất là ý thức từ DN.
Những việc cần tập trung làm, thứ nhất: Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý liên quan đến xây dựng và phát triển thương hiệu, tiến tới xây dựng Luật Thương hiệu. Thứ hai, tổ chức sắp xếp lại bộ máy quản lý Nhà nước đối với thương hiệu, hình thành và phát triển thị trường thương hiệu. Thứ ba, xây dựng thể chế bảo vệ các quyền hợp pháp đối với thương hiệu và xử lý tranh chấp về thương hiệu trên cơ sở luật pháp Việt Nam và thông lệ quốc tế. Thứ tư, tạo điều kiện thuận lợi nhất và có lợi nhất cho DN đăng ký, quảng bá thương hiệu, quản lý, bảo vệ, phát triển thương hiệu cho DN.
TS Vũ Đình Ánh