Công ty TNHH Nhượng quyền Thương mại Thăng Long (Thăng Long Group) có dấu hiệu bán hàng đa cấp (BHĐC) lừa đảo, khiến hàng loạt nạn nhân “sập bẫy”.
Chưa nhận hàng vẫn không cho trả lại
Báo Kinh tế & Đô thị tiếp nhận đơn của chị Nguyễn Phương L. (trú tại quận Hai Bà Trưng) phản ánh về việc Thăng Long Group (địa chỉ trụ sở chính tại khu đô thị mới Trung Hòa - Nhân Chính, quận Cầu Giấy) BHĐC lừa đảo. Theo phản ánh, bố chị L. là ông Nguyễn Mạnh S. (trú tại Từ Sơn, tỉnh Bắc Ninh), là nạn nhân của đường dây BHĐC để lừa đảo chiếm đoạt tài sản của Thăng Long Group, khi tham gia mua hàng tại Văn phòng đại diện của Công ty tại địa chỉ số 6, phố Bắc Hà, đường Nguyễn Trãi, phường Ninh Xá, TP Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh.
Theo Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương), các nhà phân phối và người tham gia BHĐC có quyền yêu cầu DN mua lại hàng hóa trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày nhận hàng. DN có nghĩa vụ hoàn lại không thấp hơn 90% khoản tiền mà nhà phân phối/người tham gia BHĐC đã trả để nhận được hàng hóa đó. Tuy nhiên, trường hợp ông S. chưa nhận hàng mà Thăng Long Group từ chối không cho trả lại hàng là sai với quy định của Nghị định 42/2014/NĐ-CP ngày 14/5/2015 của Chính phủ về quản lý hoạt động BHĐC.
Mới đây, Bộ Công Thương đã quyết định thành lập đoàn kiểm tra các hoạt động liên quan đến việc chấp hành pháp luật về BHĐC đối với Thăng Long Group. Đoàn kiểm tra do ông Phan Đức Quế - Trưởng phòng Điều tra và xử lý các hành vi cạnh tranh không lành mạnh (Cục Quản lý cạnh tranh) làm trưởng đoàn. Tham gia đoàn có đại diện của Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (Bộ Công an), Cục Quản lý thị trường… Quyết định thành lập đoàn kiểm tra cũng nêu rõ thẩm quyền và nhiệm vụ của đoàn là kiểm tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về BHĐC; phát hiện, lập biên bản và kiến nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý các trường hợp vi phạm của DN. Và đặc biệt, kết hợp tuyên truyền phổ biến pháp luật về BHĐC.
Ngoài ra, theo Chỉ thị số 02/CT-BCT của Bộ Công Thương về việc tăng cường công tác kiểm tra, giám sát, xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động BHĐC, sở công thương các tỉnh, TP chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành của địa phương tiếp tục tham mưu cho UBND tỉnh, TP tăng cường công tác quản lý, kiểm tra, giám sát hoạt động BHĐC trên địa bàn; chủ động thực hiện hoạt động giám sát, kiểm tra nhằm phát hiện và xử lý kịp thời sai phạm và 3 tháng một lần phải báo cáo kết quả về Bộ.
Hợp đồng của ông S. với Công ty Thăng Long Group.
Theo đơn phản ánh, do có mối quan hệ quen biết, ông S. được ông Nguyễn Văn M. (quê ở Yên Phong, Bắc Ninh) rủ rê, giới thiệu gặp bà N. (quê ở Việt Đoàn, Bắc Ninh) và một số người khác đều là tuyến trên của ông M. trong mô hình BHĐC của Thăng Long Group. Những người này đã thuyết phục ông S. tham gia hệ thống bằng cách mua các mã sản phẩm trị giá 46 triệu đồng vì Công ty đang có chương trình khuyến mại giờ vàng; không những được nhận sản phẩm mà còn nhận được nhiều chương trình khuyến mại khác, kể cả không làm gì, sau 1 - 2 năm “thoát ra” cũng được nhận số tiền rất lớn và coi như hình thức tiết kiệm cho tuổi già. Bị thuyết phục nhiều và cả nể, ông S. đã nộp 500.000 đồng để giữ chỗ trở thành thành viên của hệ thống. Sau đó, bà N. và ông M. liên tục gọi điện hối thúc ông S. nộp số tiền 46 triệu đồng để được trở thành nhà phân phối chính thức. Đồng thời, bà N. đã cho ông S. vay 50 triệu đồng thông qua giấy viết tay; trong đó, bà N trực tiếp đưa tiền cho bà Ánh (kế toán của Công ty) và đưa thêm cho ông S. 4 triệu đồng. Mặc dù có phiếu lấy hàng, tuy nhiên, khi ông S. hỏi việc lấy máy lọc nước như trong giấy tờ của Công ty cung cấp đã bị từ chối và nhân viên Công ty cho biết không có máy lọc nước. Cảm thấy không bình thường, ông S. tìm hiểu kỹ hợp đồng, quyết định không tham gia BHĐC, đồng thời gửi đơn xin chấm dứt hợp đồng nhưng bị từ chối nhận đơn. Sau đó, Thăng Long Group trả lời bằng thông báo đề nghị ông S. đến lấy hàng tại Hà Nội và không giải quyết việc chấm dứt hợp đồng hay mua lại hàng hóa vì đã hết hạn giải quyết. Hiện, ông S. vẫn chưa nhận sản phẩm, khuyến mại, hoa hồng hay bất kỳ số tiền nào do Công ty trả. Từ một nạn nhân, ông S. lại bị chính đường dây BHĐC tố cáo đã vay tiền mà không trả.
Ngoài ông S., hàng loạt nạn nhân đã tố cáo hành vi BHĐC lừa đảo của Thăng Long Group với báo Kinh tế & Đô thị. Theo đó, hình thức mà công ty này dụ dỗ người tham gia “không làm gì thì sau một thời gian cũng có nhiều tiền” nếu nộp tiền vào Công ty mà không lấy hàng. Nhiều người nhẹ dạ cả tin, giấu gia đình, người thân, vay mượn nộp tiền vào Công ty. “Tôi đang băn khoăn không biết làm gì, nếu sự việc vỡ lở, chồng con biết sẽ rất khổ tâm” – chị Q. (trú tại tỉnh Thái Nguyên) chia sẻ với Kinh tế & Đô thị sau khi nộp 31 triệu đồng vào Thăng Long Group. Đồng thời cho biết, ở quê chị, nhiều người là nạn nhân của công ty này, có người mất hàng trăm triệu đồng.
Lọt vào tầm ngắm thanh, kiểm tra
Ngoài Thăng Long Group, 6 công ty đa cấp khác: Công ty TNHH Thiên Ngọc Minh Uy, Unicity Maketing Việt Nam, Amway Việt Nam, Liên Kết Việt, Liên kết Tri thức, Liên minh tiêu dùng Việt Nam cũng lọt vào tầm ngắm thanh, kiểm tra của Cục Quản lý cạnh tranh trong đợt này. |