Hiện nay, trên địa bàn TP. Hà Nội đã triển khai 80 dự án nhà ở tái định cư với trên 20.000 căn hộ. TP đã hoàn thành trên 12.000 căn và sử dụng cho tái định cư gần 11.000 căn. Điều đáng nói là chất lượng nhà tái định cư xuống cấp nhanh chóng, hạ tầng kỹ thuật liên tục trục trặc, hỏng hóc không chỉ ảnh hưởng đến đời sống sinh hoạt mà còn đe dọa đến tính mạng của người dân. Trong khi đó, chủ đầu tư, đơn vị quản lý, vận hành tòa nhà… lại thờ ơ, thiếu trách nhiệm trước sự bức xúc của người dân.
Thường xuyên gặp sự cố
Nhận được phản ánh, phóng viên đã đến một số khu nhà tái định cư N2E, N2D, N2C, N2F, N3A, N5A... khu Trung Hòa - Nhân Chính tìm hiểu tâm tư của các cư dân sống ở đây. Tiếp xúc với các cư dân đang sinh sống tại nhà tái định cư N2E, chúng tôi mới thấu hiểu nỗi khổ mà các hộ dân nơi đây đang chịu đựng. Anh Quách Phú Thanh (36 tuổi, phòng 515, Khu nhà tái định cư N2E) không khỏi bức xúc: Người dân nơi đây bị cư xử quá bất công. Tại khu nhà dành cho dân tái định cư này, cư dân không khác gì bị "đem con
bỏ chợ". Cả khối nhà có 4 chiếc thang máy lên xuống thì đều hoạt động "tắc bụp". Đặc biệt, thời gian gần đây, hỏng hóc diễn ra thường xuyên hơn, cái thì đang hoạt động bỗng rơi tự do 2 - 3 tầng khiến bà con đi thang máy không ít lần thót tim; thậm chí người dân còn phải tự ghi ngay cửa thang máy: "Cảnh báo nguy hiểm! Thang máy thường xuyên rơi tự do". Mấy tháng trước, tòa nhà chúng tôi họp, mỗi hộ tự nguyện góp 200.000 đồng để sửa, bảo dưỡng thì mới được như thế này.
Cùng chung nỗi bức xúc, ông Đặng Văn Cẩn - người dân ở tòa nhà B10A, Khu đô thị Nam Trung Yên cho biết, tình trạng hoạt động, vận hành của thang máy tại tòa nhà hay hỏng, có lúc thang máy có dấu hiệu tụt tầng (đang ở tầng cao đột ngột tụt xuống một tầng bất kỳ nào đó). Ngoài ra, vấn đề kẹt thang máy cũng thường xuyên xảy ra, kể cả khi có điện hay đột ngột mất điện. Bản thân ông Cẩn cũng từng bị kẹt thang máy vào hồi năm ngoái. "Lúc ấy, tôi đang từ tầng 7 lên tầng 14 thì mất điện, bỗng tối om, tôi buộc phải bấm chuông báo hiệu, một lúc sau bảo vệ mới đem đồ nghề đến để cứu tôi ra" - ông Cẩn sợ hãi nhớ lại.
Thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư?
Được biết, Khu đô thị Nam Trung Yên gồm 18 tòa nhà. Khu nhà B3 và B11 được sử dụng từ năm 2006 xem như là lâu đời nhất. Tòa nhà mới được sử dụng gần đây nhất là B10A thì cũng từ năm 2012, nhưng
hầu hết các tòa nhà này đều xuống cấp nghiêm trọng, đặc biệt là hệ thống thang máy.
Sự xuống cấp nhanh chóng của các khu tái định cư là một thực tế đã và đang xảy ra, khiến cuộc sống của các hộ dân tái định cư vốn đã chật vật nay lại thêm phần khó khăn. Trong khi đó, ý kiến, nguyện vọng của người dân lại chưa được các cơ quan chức năng quan tâm đúng mức, thiếu trách nhiệm của chủ đầu tư. Thêm vào đó, việc xây dựng thiếu đồng bộ, cơ sở hạ tầng và các dịch vụ khác đều không được quan tâm đã ảnh hưởng lớn đến chất lượng sống của các cư dân. Thậm chí có nhiều hộ đã phải bỏ nhà tái định cư để tìm nơi an cư mới.
Có thể nói, chính sách hỗ trợ nhà tái định cư đã giúp nhiều hộ dân có chỗ ở, ổn định cuộc sống sau thu hồi đất. Tuy nhiên, nhiều người dân lại tỏ ra thờ ơ với nhà tái định cư, thậm chí nhiều người còn ngần ngại, không thiết tha nhận nhà, phần nhiều do sự xuống cấp của cơ sở hạ tầng, trong đó có sự hỏng hóc của hệ thống thang máy.
Người dân Khu nhà tái định cư N2E phải tự góp tiền bảo dưỡng thang máy.
|
Ngày 30/6, tại nhà N5A, Khu tái định cư Trung Hòa - Nhân Chính do Công ty TNHH MTV Quản lý và Phát triển nhà Hà Nội vận hành đã xảy ra một vụ tai nạn thang máy thương tâm khiến một nhân viên bảo vệ thiệt mạng. |
Trước việc nhiều thang máy tại các chung cư khu đô thị xuống cấp gây mất an toàn, UBND TP Hà Nội đã có công văn yêu cầu Sở Xây dựng, UBND các quận, huyện, thị xã kiểm tra, rà soát tình trạng an toàn của thang máy nhà chung cư; tình hình quản lý sử dụng kinh phí bảo trì nhà chung cư trên địa bàn. |