Theo số liệu được Ngân hàng T.Ư Hàn Quốc công bố hôm 12/11, tính đến quý III năm nay, cán cân dịch vụ của ngành giải trí và văn hoá liên quan đến truyền thông, âm nhạc, phim truyền hình, phim điện ảnh và game của Hàn Quốc đã thặng dư khoảng 37,3 triệu USD.
Ca sỹ Psy trong ca khúc Gangnam Style.
Trước đây, giống như nhiều quốc gia châu Á khác, cán cân dịch vụ về văn hóa của Hàn Quốc thường xuyên bị thâm hụt vì hầu như không có sản phẩm đặc sắc nào. Tuy nhiên, nhờ ảnh hưởng của làn sóng văn hóa Hàn Quốc do xuất khẩu các bộ phim truyền hình sang, từ năm 2008, dòng nhạc thần tượng (K-pop) đã thu được những thành công vang dội tại châu Á. Hiện, K-pop đang thực hiện cuộc chinh phục gian nan hơn và dài hơi hơn tại các thị trường giải trí có tính cạnh tranh khốc liệt như châu Mỹ, châu Âu. Để thu hút giới trẻ tại các châu lục xa xôi, những nhà sản xuất Hàn Quốc đã sử dụng phương pháp vừa kinh tế vừa hiệu quả là dựa chủ yếu vào Internet, mạng xã hội. Các clip ca nhạc, các bài phỏng vấn và thậm chí hình ảnh về cuộc sống riêng tư của thành viên những nhóm nhạc được xây dựng vô cùng chuyên nghiệp đã được cập nhật một cách có chủ đích lên YouTube và Facebook.
Thành công vượt bậc về doanh thu lẫn tầm ảnh hưởng của ca khúc Gangnam Style (ca sĩ Psy trình bày) là minh chứng rõ ràng nhất cho thành công trong xuất khẩu văn hóa của Hàn Quốc. Hơn 3 tháng sau khi được đăng tải trên các trang âm nhạc trực tuyến, Gangnam Style đã có gần 5 triệu lượt người yêu thích và đứng đầu các bảng xếp hạng ca khúc ở 28 nước, thậm chí Tổng thư ký Liên Hợp Quốc Ban Ki-moon, Tổng thống Mỹ Barack Obama cũng biết tới nhảy điệu vui nhộn này. Theo các chuyên gia, việc Gangnam Style tạo nên cơn sốt trên thị trường âm nhạc thế giới đã giúp cán cân dịch vụ văn hoá của Hàn Quốc từ chỗ thâm hụt đã thặng dư 16,7 triệu USD trong quý III năm 2012, đồng thời góp phần đưa lượng du khách tới Hàn Quốc vượt mốc 10 triệu người.