Theo Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn, Chủ tịch Hội đồng Đội TP Hà Nội Trần Anh Tuấn: Đây là hoạt động có ý nghĩa chính trị Thành đoàn Hà Nội giao cho báo Tuổi trẻ Thủ đô thực hiện. Thông qua đó, mong muốn các cử tri lần đầu tham gia bầu cử nắm vững và thực hiện đúng những nội dung chủ yếu của Luật Bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp. Đặc biệt là các quy định về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, HĐND, lựa chọn và bầu ra những người có đủ tiêu chuẩn tham gia vào Quốc hội khóa XIV và HĐND các cấp, nhiệm kỳ 2016 – 2021.
Nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sỹ Dũng thông tin đến các bạn trẻ.
|
Tại buổi đối thoại, 4 đại biểu khách mời đã nhận được rất nhiều câu hỏi của cử tri trẻ lần đầu đi bỏ phiếu. Trả lời trước câu hỏi của một số bạn trẻ về những điểm mới trong bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp, Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội Phùng Văn Thiệp cho biết: Thời gian bầu cử kéo dài từ 7 giờ – 19 giờ. Luật mới quy định việc bầu cử không quá 22 giờ. Việc phân bổ cơ cấu số lượng, thành phần, sau 3 vòng hiệp thương cũng chọn được đủ đại biểu theo quy định của luật. Đối với đại biểu HĐND số dư ít nhất 2 đại biểu, số dư theo quy định của từng nơi. Đối với các cử tri đăng kí thường trú như sinh viên, công nhân… được quyền bầu cử ở nơi thường trú hoặc tạm trú. Thời gian tạm trú tròn 12 tháng trở lên cũng được bầu cử. Các cử tri thực hiện nguyên tắc trực tiếp và bỏ phiếu kín, tự mình đi bỏ phiếu, và phải thực hiện nghiêm túc.
Theo Phó Giám đốc Sở Nội vụ Hà Nội, tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội và HĐND tại điều 7 được ban hành trong Luật Tổ chức chính quyền địa phương và Luật Quốc hội nhưng đều nêu tiêu chuẩn như nhau. Đại biểu Quốc hội, HĐND các cấp phải trung thành với tổ quốc, Nhân dân, phấn đấu vì công bằng dân chủ, chí công vô tư, có bản lĩnh, kiên quyết đấu tranh chống tham những; Phải có chính kiến, quan điểm, an ninh quốc phòng…
Trước câu hỏi vận động bầu cử là gì của bạn Nguyễn Thùy Linh, quận Đống Đa, Hà Nội, nguyên Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng cho biết: Vận động bầu cử là hoạt động của các ứng cử viên, vận động để cử tri bỏ phiếu. Tiếp xúc cử tri, trình bày chương trình hành động đối với cử tri. Xuất hiện trên truyền hình, báo chí để tiếp xúc với cử tri, vận động bầu cử, trả lời phỏng vấn để cử tri có những thông tin về ứng cử viên. Viết bài đăng báo, sử dụng các kênh thông tin mạng xã hội…
Các bạn trẻ đặt câu hỏi về vấn đề bầu cử đại biểu Quốc hội và HĐND các cấp tới đại biểu.j
|
Trả lời câu hỏi của bạn Nguyễn Văn An, quận Đống Đa về thực trạng không ít giới trẻ hiện nay thờ ơ đối với các vấn đề chính trị - xã hội của đất nước, trong đó có hoạt động Quốc hội, nhà thơ, nhà báo Trần Đăng Khoa khẳng định: Giây phút khi cầm lá phiếu chứng tỏ các bạn đã trưởng thành và thực hiện các quyền công dân. Những câu hỏi hay được gửi đến diễn đàn đối thoại hôm nay chứng tỏ các bạn trẻ ngày nay không hề “quay lưng” với những vấn đề thời sự, chính trị của đất nước. “Tôi khẳng định các bạn trẻ rất quan tâm đến Quốc hội. Nếu không quan tâm đến Quốc hội thì các bạn chẳng bao giờ đến buổi đối thoại này. Quyết định của các bạn trẻ quyết định tới vị trí cũng như chất lượng của ĐB Quốc hội”, ông Trần Đăng Khoa chia sẻ.
Gửi câu hỏi tới đại diện lãnh đạo Thành đoàn, bạn trẻ Nguyễn Văn An (Đống Đa) cũng đặt vấn đề, Thành đoàn Hà Nội có hoạt động gì để nâng cao nhận thức và trách nhiệm của thanh niên với bầu cử ĐB và hoạt động của Quốc hội. Phó Bí thư Thành đoàn Trần Anh Tuấn chia sẻ: Không chỉ Thành đoàn mà cả hệ thống chính trị đang đẩy mạnh việc tuyên truyền Luật bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp tới thanh niên Thủ đô. Điển hình, đi trên khắp các con đường của Hà Nội những ngày này, không khó để nhận thấy băng rôn, khẩu hiệu tuyên truyền, poster nhỏ, internet, các phương tiện thông tin đại chúng về ngày bầu cử Quốc hội và HĐND các cấp. Điều quan trọng là ý thức tiếp nhận của mỗi người trẻ như thế nào. Riêng đối với đoàn thanh niên TP đã tổ chức các hoạt động tuyên truyền về bầu cử Quốc hội thông qua băng rôn, khẩu hiệu, diễn đàn, các bài tuyên truyền trên website, báo Tuổi trẻ Thủ đô…
Sau khi đặt câu hỏi đối với các vị đại biểu, nhiều bạn trẻ Thủ đô đã bày tỏ hiểu biết, ý tưởng sáng tạo và trọng trách của bản thân với sự kiện chính trị trọng đại của đất nước. Trả lời trước câu hỏi của nguyên Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Nguyễn Sĩ Dũng, mong muốn Quốc hội quan tâm giải quyết vấn đề gì của thanh niên hiện nay, bạn trẻ Vi Thị Hoa - sinh viên Học viện Hành chính Quốc gia cho rằng: Giới trẻ mong muốn Quốc hội khóa XIV quan tâm nhiều hơn tới hiệu quả của việc dạy nghề, tạo việc làm; có nhiều quyết sách trong việc tạo nguồn vốn và giúp người trẻ tiếp cận nguồn vốn để khởi nghiệp. Bên cạnh đó, quan tâm mở rộng sân chơi lành mạnh cho thanh niên… góp phần xây dựng thế hệ trẻ Việt Nam có tri thức, khỏe về thể chất, đẹp về tâm hồn.
Nhiều bạn trẻ cũng cho rằng, hội nhập đang là vấn đề rất nóng, ngoài sự nỗ lực của bản thân, gia đình, thanh niên rất cần có sự hỗ trợ của các cơ quan chức năng, tổ chức đoàn thể, xã hội để có thể hội nhập sâu rộng. Do vậy, Quốc hội cần chú trọng tới lĩnh vực này bằng việc tạo những sân chơi bổ ích để giới trẻ được giao lưu, học hỏi bạn bè quốc tế; có nhiều cơ hội học tập, làm việc ở nước ngoài theo các chương trình liên kết để sau này về nước phục vụ Tổ quốc…
Ngoài ra, Phó Bí thư Thường trực Thành đoàn Trần Anh Tuấn cũng đặt câu hỏi cho các bạn thanh niên: Nếu trở thành đại biểu Quốc hội, việc đầu tiên các bạn sẽ làm là gì? Liệu có đưa Quốc hội đến gần với người trẻ hơn hay không? Bạn trẻ Hương Lan - sinh viên Đại học Công đoàn cho biết: 5 năm sau, nếu trở thành đại biểu Quốc hội thì việc làm đầu tiên của mình là sẽ cùng các đại biểu khác bàn thảo để giải quyết các vấn đề bức xúc của hội hiện nay như: thực phẩm bẩn, việc làm cho người trẻ; tổ chức các hội thảo, các buổi tọa đàm, chương trình giao lưu để người trẻ có cơ hội bày tỏ ý kiến…