Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thanh niên xung phong Đoàn 13C Hà Nội – Một chặng đường đáng nhớ

Nguyễn Quang Việt
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi- Hôm nay, ngày 9/11, một ngày rất đặc biệt với các thành viên cựu thanh niên xung phong (TNXP) C9 thuộc Đoàn 13C Hà Nội. Dù không thể gặp mặt nhau trong Ngày truyền thống, nhưng trong lòng mỗi người, những kỷ niệm sôi nổi của một thời góp sức vào xây dựng lên những tuyến đường chiến lược lại trào dâng.

Khi đế quốc Mỹ gây ra sự kiện Bắc Bộ đánh phá miền Bắc, theo tiếng gọi của Đảng, Bác Hồ và T.Ư Đoàn Thanh niên Lao động Việt Nam (tiền thân của T.Ư Đoàn TNCS Hồ Chí Minh ngày nay), Thành đoàn Hà Nội đã vận động thanh niên đi xây dựng con đường chiến lược 13C Yên Bái – Lào Cai (nay là Quốc lộ 70).
Đoàn thanh niên Hà Nội có 7 đại đội theo quận, huyện đã lên đường từ ngày 15/9/1964, khai phá xây dựng con đường chiến lược 13C cùng với thanh niên xung phong của các tỉnh: Hải Phòng, Hà Nam, Hà Bắc, Vĩnh Phúc. C9 là đơn vị tổng hợp cuối cùng của đoàn thanh niên Hà Nội lên đường ngày 9/19/1964, với gần 200 đội viên từ 4 khu vực nội thành: Ba Đình, Hoàn Kiếm, Hai Bà trưng, Đống Đa và các huyện ngoại thành Gia Lâm, Từ Liêm, Thanh Trì. Khi ấy, những thanh niên tuổi đời còn rất trẻ từ 18 đến 25, đa phần là học sinh vừa tốt nghiệp cấp II (lớp 7) và cấp III (lớp 10) đã lên đường mang theo nhiệt huyết của tuổi trẻ Hà Nội.
 Đơn vị C9 giao lưu với cựu TNXP và cán bộ đoàn huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai)
C9 được phân công làm tiếp đoạn đường đến Cóc đi Lư, tiếp quản phần đường của các C Hà Nam (khi đơn vị này vừa chuyển đi Lục Yên). Khi phần đường đã hoàn thành cơ bản về nền đất cũng là lúc giặc leo thang ra đánh phá miền Bắc ngày càng ác liệt. Đơn vị được Bộ Giao thông quyết định chuyển quân về tuyến đường phía Nam để đảm bảo giao thông đường sắt từ Nam Định đến Vinh. Với tinh thần “Đâu cần thanh niên có, việc gì khó có thanh niên”, tuổi trẻ C9 với khí thế sẵn sàng đi bất cứ nơi đầu khi Tổ quốc cần, làm việc không sợ hy sinh, gian khổ, thực hiện khẩu hiệu của ngành đường sắt: “Sống bám cầu bám đường, chết kiên cường dũng cảm”, “địch phá, ta sửa ta đi”.
Trong lao động phục vụ chiến đấu, nhiều đồng chí đã vác trên vai những hòm đạn pháp nặng 50-60kg vận chuyển hàng trăm mét cho đơn vị bộ đội, phòng không bảo vệ cầu đường, lấp hố bom dưới làn mưa đạn với khí thế cách mạng sục sôi. Đơn vị có 3 đồng chí được Nhà nước truy tặng danh hiệu liệt sĩ TNXP khi tuổi đời mới 18 đôi mươi.
Sau khi nước nhà thống nhất, mỗi người được phân công nhiệm vụ khác nhau trên mọi miền đất nước và dù ở đâu, hậu phương hay tiền tuyến, thời chiến hay thời bình, những đội viên TNXP C9 đều phát huy truyền thống vẻ vang của mình, luôn luôn gương mẫu dẫn đầu trong mọi lĩnh vực công tác. Nhiều đồng chí được cơ quan, xí nghiệp bình chọn là chiến sĩ thi đua, đặc biệt đồng chí Phạm Lục Tốn người Gia Lâm, năm 1985 được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động ngành GTVT.
 Cựu TNXP C9-13C Hà Nội tặng quà người dân xã Long Khánh (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai)
Năm 1997, Nhà nước có chế độ chính sách đối với TNXP, đơn vị đã bầu ban liên lạc để liên hệ với các hội viên, đề nghị T.Ư Đoàn trao tặng Kỷ niệm chương TNXP cho 92 đội viên đã hoàn thành nhiệm vụ lao động về phục vụ chiến đấu trong thời công tác ở TNXP.
Từ năm 1997 đến nay, vào mỗi dịp ngày truyền thống 9/11, Thành đoàn Hà Nội và đơn vị lại tổ chức những cuộc họp truyền thống, thăm lại những tuyến đường 13C, cũng là dịp để tri ân những đóng góp quan trọng vào thắng lợi giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước của các cựu TNXP Việt Nam. Trong các dịp này, đơn vị tặng quà tài trợ sách, vở, quần áo, mỳ tôm, bánh kẹo cho học sinh xã, giao lưu với lãnh đạo TNXP và cán bộ đoàn TNCS Hồ Chí Minh huyện Bảo Yên (tỉnh Lào Cai).