Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thành phố quyết đáp nhiều nội dung quan trọng để phát triển bền vững

Anh Quý
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Ngày 12/8, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung chủ trì phiên họp tập thể UBND TP Hà Nội tháng 8 để giải quyết những nội dung thuộc thẩm quyền của UBND TP.

100% cụm công nghiệp phải xử lý nước thải

Phiên họp xem xét cho ý kiến vào Đề án “Đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các cụm công nghiệp (CCN) đã đi vào hoạt động trên địa bàn TP, nhưng chưa có hệ thống xử lý nước thải”.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp tập thể UBND TP tháng 8.
Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung phát biểu tại phiên họp tập thể UBND TP tháng 8.
Theo báo cáo của Sở Công Thương, TP có 43 CCN đi vào hoạt động ổn định, trong đó có 9 cụm đã đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tập trung, nhưng chỉ có 4 cụm xử lý nước thải tốt; 13 cụm không có nước thải, hoặc nước thải quá ít nên chưa phải đầu tư hệ thống xử lý nước thải. 15 CCN đã được đầu tư theo “Dự án đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải tại các CCN trên địa bàn TP giai đoạn 2014-2015”. Đến nay, việc triển khai chậm so với lộ trình, do nhiều nguyên nhân, như thiếu quỹ đất, việc bổ sung quy hoạch phải xin ý kiến nhiều ngành liên quan, kéo dài thời gian; khó khăn về thu hồi đất, đền bù GPMB… Đặc biệt, một số dự án do UBND các quận, huyện làm chủ đầu tư, chậm triển khai, khó khăn do  ngân sách thiếu vốn đối ứng… Sở Công Thương đề xuất giải pháp, trong số 43 CCN, có 24 cụm đã và đang đầu tư trạm xử lý nước thải tập trung; còn lại 19 CCN chưa đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải cần xã hội hóa (XHH).

Về nội dung này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung cho rằng, giải pháp thực hiện đang làm không phù hợp, đồng thời chỉ đạo, tinh thần của TP là nước thải tại 100% CCN đều phải được xử lý. Về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực xử lý nước thải tập trung, TP sẽ giao cho Sở Xây dựng; Về đầu tư, quản lý, vận hành thực hiện XHH, giao cho DN, trong đó đầu tư xây dựng mới hệ thống xử lý nước thải tại 19 CCN còn lại.

Chủ tịch UBND TP cũng giao Sở Xây dựng, Sở Tài chính xây dựng đề án tính đơn giá, tiến tới áp dụng thu phí nước thải, cả DN, cơ sở kinh doanh và người dân (nước thải sinh hoạt), nhằm bảo đảm cần đối chi phí, giảm chi ngân sách, phấn đấu năm 2017 thực hiện việc này. Giao Phó Chủ tịch TP phụ trách khối thành lập đoàn kiểm tra, tiến hành tổng kiểm tra, rà soát  toàn bộ các khu CN về thực tiễn sản xuất, xả thải, quỹ đất... từ đó lên phương án xây dựng khu xử lý nước thải tập trung trên địa bàn TP.

Quyết liệt thu thuế các loại hình kinh doanh

Phiên họp đã cho ý kiến vào Quy hoạch hệ thống cửa hàng bán lẻ sản phẩm rượu và thuốc lá trên địa bàn TP, giai đoạn 2020, xét đến 2025. Theo báo cáo của Sở Công Thương, Hà Nội hiện có khoảng hơn 9.000 cơ sở tư nhân bán lẻ sản phẩm rượu, trong đó có 936 cơ sở được cấp giấy phép (bằng 13,16%); hơn 86% chưa cấp phép. Về thuốc lá, toàn TP hiện có 12.269 tư nhân kinh doanh sản phẩm thuốc lá, trong đó có 848 tư nhân được cấp phép kinh doanh... Mục tiêu của hai Quy hoạch đến năm 2020, bảo đảm 100% tư nhân kinh doanh bán lẻ rượu và thuốc lá, phải có giấy phép kinh doanh.

Sau khi nghe các ý kiến phát biểu về nội dung trên, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, việc lập quy hoạch 2 lĩnh vực kinh doanh rượu và thuốc lá là cần thiết để chuẩn bị thực hiện Nghị định mới của Chính phủ về kinh doanh rượu của Chính phủ và Nghị định mới về kinh doanh thuốc lá. Chủ tịch UBND TP yêu cầu, Sở Công Thương, cần tiếp tục bám sát Bộ Công Thương để thông tin kịp thời khi Chính phủ ban hành Nghị định mới, bám sát vào các nội dung, sửa đổi, bổ sung, hoàn chỉnh quy hoạch, đúng theo quy định. “TP chủ trương, việc quản lý kinh doanh rượu, thuốc lá cũng như các loại hình kinh doanh khác, bằng hệ thống mạng để quản lý, nhằm thu thuế và phí theo quy định. Chính phủ cũng có chủ trương việc này, làm tốt sẽ thu hàng nghìn tỷ đồng cho ngân sách”, Chủ tịch UBND TP nhấn mạnh.

Có thành tích đột xuất, phải khen thưởng ngay

Cũng tại phiên họp, tập thể UBND TP cho ý kiến vào dự thảo sửa đổi Quyết định số 25/2008/QĐ-UBND ngày 14/5/2008 về khen thưởng đột xuất của UBND TP.

Theo quy định hiện hành, mức khen thưởng thành tích đột xuất đối với tập thể từ 5 - 10 triệu đồng; cá nhân từ 1 - 2 triệu đồng (căn cứ theo Nghị định 42/2010/NĐ-CP ngày 15/4/2010 và Nghị định số 65/2014/NĐ-CP ngày 1/7/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luât Thi đua - Khen thưởng năm 2013).

Theo dự thảo, mức khen thưởng đột xuất, sẽ cao hơn 2 lần trở lên theo quy định của Nghị định số 42 năm 2010 của Chính phủ. Khái niệm, thành tích đột xuất là thành tích lập được trong hoàn cảnh không được báo trước, diễn ra ngoài dự kiến kế hoạch công việc bình thường mà tập thể, cá nhân đảm nhận...

Về nội dung này, Chủ tịch UBND TP Nguyễn Đức Chung nhấn mạnh, đối với tập thể, cá nhân lập thành tích đột xuất, như hành động dũng cảm cứu người bị nạn, phá trọng án… cần được khen thưởng ngay mới có ý nghĩa… Do vậy, công tác khen thưởng đột xuất phải đổi mới, theo hướng, thường xuyên nắm bắt thông tin từ kênh báo chí, mạng xã hội, phát hiện sớm để tham mưu cho TP khen thưởng kịp thời, đặc biệt là hạn chế tối đa thủ tục xem xét việc khen thưởng này. Cùng với đó, những tập thể, cá nhân được khen thưởng cần được đăng tải trên hệ thống báo chí TP, để những hành động, nghĩa cử cao đẹp lan tỏa trong xã hội…