Đa số các đại biểu tán thành với sự cần thiết ban hành Luật bảo vệ và kiểm dịch thực vật vì sau 10 năm thực thi Pháp lệnh bảo vệ và kiểm dịch thực vật đã bộc lộ nhiều hạn chế. Việc ban hành Luật nhằm thể hiện rõ quan điểm đổi mới của Đảng và Nhà nước trong công tác bảo vệ, kiểm dịch thực vật, phục vụ cho việc xây dựng nền nông nghiệp phát triển toàn diện theo hướng hiện đại, bền vững...
Tuy nhiên, các đại biểu cũng cho rằng dự án luật còn nhiều điều khoản quy định chung chung, cơ quan soạn thảo cần nghiên cứu, rà soát, cụ thể hóa, bảo đảm tính thống nhất và khả thi của Luật.
Quan điểm khác nhau về thẩm quyền công bố dịch tại các tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương
Về thẩm quyền công bố dịch, các đại biểu Phạm Xuân Thăng (Hải Dương), Trần Xuân Hùng (Hà Nam), Nguyễn Sỹ Cương (Ninh Thuận) tán thành với quy định: "Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh có thẩm quyền công bố dịch, công bố hết dịch trên địa bàn xã, huyện hoặc toàn tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố dịch khi có dịch từ hai tỉnh trở lên và khi phát hiện có sinh vật hại lạ, sinh vật gây hại nguy hiểm..." như dự án luật.
Theo đại biểu Phạm Xuân Thăng, quy định này sẽ nâng cao vai trò, trách nhiệm của Ủy ban Nhân dân tỉnh/thành phố trực thuộc Trung ương để phòng, chống dịch một cách kịp thời, có hiệu quả, đồng thời bảo đảm được chỉ đạo thống nhất, kịp thời... Tuy nhiên, đại biểu Thăng đề nghị xem xét thêm thẩm quyền của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và Chủ tịch nước trong việc công bố dịch trên phạm vi cả nước.
Trái với quan điểm này, đại biểu Nguyễn Thanh Phương (Cần Thơ) lại cho rằng việc công bố dịch, công bố hết dịch trên địa bàn tỉnh/thành phố không nên giao cho Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh mà nên để Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn công bố. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ công bố dịch ở cấp huyện và các địa phương thuộc tỉnh, thành phố của mình.
Về nguyên tắc công tác bảo vệ, kiểm dịch thực vật hoạt động trên hệ thống từ Trung ương đến cơ sở. Khi có dịch bùng phát thì luôn phối hợp, báo cáo với cấp cao hơn, có các cơ quan chuyên môn để phân tích, đánh giá tình hình.
Việc công bố dịch bệnh luôn đi kèm phân tích, đánh giá chuyên môn không chỉ cho địa phương bị dịch hại mà còn cho các vùng hay các địa phương có nguy cơ lây lan nhằm chuẩn bị phòng, chống kịp thời, có hiệu quả. Đại biểu Huỳnh Minh Hoàng (Bạc Liêu) cũng cho rằng để cơ quan chuyên môn công bố dịch, công bố hết dịch sẽ hợp lý hơn.
Bà Đoàn Thị Thùy Trang, đại biểu Quốc hội Thành phố Hồ Chí Minh phát biểu ý kiến. (Ảnh: Lâm Khánh/TTXVN)
Băn khoăn về việc bố trí cán bộ phụ trách bảo vệ thực vật cấp xã
Đa số các đại biểu đồng tình với quy định về hệ thống cơ quan bảo vệ và kiểm dịch thực vật được tổ chức từ trung ương đến địa phương như dự án Luật. Tuy nhiên, còn nhiều ý kiến khác nhau xung quanh quy định về việc bố trí cán bộ phụ trách bảo vệ thực vật ở cấp xã.
Nhất trí với báo cáo thẩm tra của Ủy ban Khoa học, Công nghệ và Môi trường của Quốc hội, đại biểu Đoàn Nguyễn Thùy Trang (Thành phố Hồ Chí Minh) cho rằng ở các xã có tỷ trọng sản xuất nông nghiệp lớn phải bố trí một cán bộ chuyên theo dõi về nông nghiệp để hướng dẫn nông dân sử dụng đúng thuốc bảo vệ thực vật, góp phần kiểm soát được an toàn thực phẩm, bảo vệ môi trường. Đại biểu dẫn chứng đã có hơn 38% số xã có cán bộ phụ trách về bảo vệ thực vì vậy vấn đề này cần được củng cố, phát triển.
Cũng tán thành với việc bố trí cán bộ phụ trách về bảo vệ thực vật ở các xã có tỷ trọng sản xuất lớn nhưng đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) kiến nghị những cán bộ chuyên trách này không thuộc biên chế cấp xã mà trực thuộc ngành dọc của ngành bảo vệ và kiểm dịch thực vật. "Có vậy bảo đảm yêu cầu chuyên môn hóa về mặt nâng cao trình độ chuyên môn, vừa bảo đảm yêu cầu chỉ đạo nghiệp vụ xuyên suốt từ trung ương đến cơ sở" - đại biểu Đinh Thị Phương Thanh nhấn mạnh.
Đại biểu Trần Văn Minh (Quảng Ninh) thì lại cho rằng không nên quy định cứng quy định cán bộ cấp xã chuyên trách về bảo vệ thực vật mà tùy theo tình hình địa phương để bố trí công chức kiêm nhiệm một số việc như quy định tại Nghị định 92 của Chính phủ. Bố trí như vậy là phù hợp, không làm phát sinh thêm biên chế, cũng không gây khó khăn khi quy mô công việc của cấp xã không lớn.
Thu gom, xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật nên giao cho nhà sản xuất
Đại biểu Nguyễn Văn Cảnh (Bình Định) cho rằng theo báo cáo của Chính phủ, mỗi năm có hàng trăm nghìn tấn bao bì các loại đã bị thải ra môi trường nên quy định như dự án luật: "chi phí thu gom và tiêu hủy bao bì thuốc sau khi sử dụng được lấy từ ngân sách địa phương" sẽ gây nhiều tốn kém cho ngân sách của địa phương.
Để giảm bớt chi phí thu gom, xử lý thuốc bảo vệ thực vật, đại biểu Nguyễn Văn Cảnh đề nghị cần có chính sách khuyến khích nhà sản xuất sử dụng tái sử dụng bao bì tái chế, tái sử dụng. Với những bao bì không thể tái sản xuất, tái chế thì nhà sản xuất, nhà phân phối cần nộp một khoản phí bảo vệ môi trường cho nhà nước; đồng thời có trách nhiệm bố trí các điểm thu gom bao bì và thanh toán tiền theo giá trị in trên bao bì cho người sử dụng.
Không tán thành với quy định giao cho chính quyền cấp xã tổ chức thu gom và tiêu hủy bao gói thuốc sau khi sử dụng, chi phí được lấy từ ngân sách địa phương, đại biểu Đinh Thị Phương Khanh (Long An) cho rằng lực lượng và kinh phí cấp xã không đủ để làm việc này.
Đại biểu kiến nghị tùy theo điều kiện của địa phương mà cấp xã quy định địa điểm thu gom còn người sử dụng phải có trách nhiệm thu gom, để đúng nơi quy định. Việc xử lý bao gói phải do cơ quan có chuyên môn thực hiện, trong đó có trách nhiệm của nhà sản xuất, nhà phân phối và người sử dụng trong kinh phí xử lý môi trường.
Cùng quan điểm này, đại biểu Hoàng Thị Tố Nga (Nam Định) nhấn mạnh: trách nhiệm xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật phải do nhà sản xuất, nhà nước chỉ hỗ trợ kinh phí trong công tác thông tin tuyên truyền. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo cần quy định rõ trách nhiệm của nhà sản xuất trong Dự án luật.
Ngoài ra, các đại biểu đã dành nhiều thời gian thảo luận về trách nhiệm quản lý nhà nước về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; về kinh phí phòng, chống dịch; về quản lý thuốc bảo vệ thực vật... Các đại biểu cũng đề nghị quy định rõ trách nhiệm người đứng đầu, việc thanh, kiểm tra công tác bảo vệ, kiểm dịch thực vật./.