Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thảo luận về kinh tế làm "nóng" nghị trường

Chia sẻ Zalo

KTĐT - Phiên thảo luận về kinh tế - xã hội sáng 30/10 thu hút sự quan tâm từ các đại biểu. Mở đầu phần thảo luận, đại biểu Cao Sĩ Kiêm (Thái Bình) đi sâu vào tìm hiểu những nguyên nhân của kết quả cũng như những tồn tại trong nền kinh tế.

 
Theo đó, bên cạnh những mặt được là quyết tâm kiềm chế lạm phát tái cơ cấu kinh tế, điều hành linh hoạt... đại biểu Cao Sỹ Kiêm cho rằng hoạt động điều hành của Chính phủ vẫn còn nhiều yếu kém.

Đại biểu đoàn Thái Bình cho rằng, bất cập trong thời gian qua còn nằm ở việc cơ quan quản lý chưa thực sự kiểm soát được tình hình, số liệu thống kê thiếu tin cậy, dẫn đến một số chính sách nửa vời. "Hệ quả là làm mất ý chí phấn đấu, gây nghi ngờ chính sách trong một bộ phận doanh nghiệp, người dân cũng như nhà đầu tư nước ngoài", ông nói.
 
 
Thảo luận về kinh tế làm "nóng" nghị trường - Ảnh 1
 
Toàn cảnh phiên thảo luận của Quốc hội sáng 30/10

Theo đại biểu Cao Sĩ Kiêm nhiệm vụ đặt ra cho 2013 là rất khó khăn, nặng nề, trong khi các giải pháp được đưa ra là "chưa đủ". Đại biểu cho rằng trong thời gian còn lại của năm 2012, cần làm rõ 3 vấn đề là đánh giá lại thật xác đáng tình hình, công bố giải pháp cụ thể cho các vấn đề như tồn kho, nợ xấu... cũng như cần một chương trình cụ thể để theo dõi việc sửa sai của Chính phủ.

Đánh giá mục tiêu tăng GDP 5,5%, giữ lạm phát khoảng 8% đề ra là khả thi, đại biểu Trần Du Lịch (TP HCM) cho rằng cơ quan điều hành cần tập trung vào 3 nhóm giải pháp lớn là tiền tệ, tài khóa và đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế. Về tiền tệ, đại biểu đoàn TP HCM cho rằng "vòng kim cô" nợ xấu đang có dấu hiệu ngày một siết chặt, làm chết không biết bao nhiêu doanh nghiệp. Đây là nút thắt quan trọng, cần sớm được giải quyết.
 
Chia sẻ quan điểm này, đại biểu Huỳnh Ngọc Đáng (Bình Dương) cho rằng không nên hiểu việc xử lý nợ xấu hiện nay đơn thuần là mua bán nợ. Đại biểu ủng hộ chủ trương của Chính phủ không dùng ngân sách để xử lý nợ, nhưng đề nghị Ngân hàng Nhà nước, với vai trò quản lý của mình, cần "năng động" để hoàn thành tốt nhiệm vụ nêu trên. "Có thể sử dụng các quỹ dự phòng của ngân hàng, hoặc chào bán nợ cho các tổ chức tài chính quốc tế", đại biểu này gợi ý.
 
Thảo luận về kinh tế làm "nóng" nghị trường - Ảnh 2

Đại biểu Trần Du Lịch (đoàn TP.HCM)

Song song với quá trình này, các đại biểu cũng cho rằng cần đẩy mạnh hơn nữa quá trình xử lý các ngân hàng yếu kém, kiên quyết cho dừng hoạt động các tổ chức tín dụng yếu kém, có nguy cơ mất thanh khoản. Đồng thời, các nhà băng "khỏe" cũng cần mạnh dạn hơn nữa trong việc cho vay tiêu dùng, đặc biệt quan tâm tới việc làm ấm thị trường bất động sản, vốn đang có tồn kho khoảng 100.000 căn hộ...

Bên cạnh đó, đại diện đoàn TP HCM cũng như các đại biểu khác cũng dành nhiều thời gian đề nghị cơ quan quản lý cần có giải pháp về thị trường để tháo gỡ vấn nạn tồn kho cho doanh nghiệp. Cùng với đó, cần tính đến và làm mạnh hơn nữa các giải pháp lâu dài, đặc biệt là tái cơ cấu nền kinh tế.

"Tôi đề nghị phải xây dựng bằng được một lộ trình tái cơ cấu trong vòng 3 năm (2012 - 2015), chứ không thể ăn đong từng năm một như hiện nay. Ngoài ra, cần thành lập Ủy ban quốc gia về tái cơ cấu kinh tế, do Thủ tướng đứng đầu. Tôi không tin một bộ, một ngành riêng lẻ có thể lo từ việc tái cơ cấu ngân hàng đến cứu doanh nghiệp...", đại biểu Trần Du Lịch thẳng thắn.
 
Thảo luận về kinh tế làm "nóng" nghị trường - Ảnh 3
 
Đại biểu Nguyễn Thị Bé (đoàn Kiên Giang).

Cũng trong phiên thảo luận buổi sáng, Phát biểu của Phó Chủ nhiệm UB Văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên và nhi đồng Quốc hội Lê Như Tiến xung quanh vấn nạn tham nhũng và lãng phí đã gây sự chú ý của Quốc hội.  Theo đó, hai tệ nạn này được đại diện đoàn Quảng Trị so sánh là anh em sinh đôi, hai kẻ đồng hành đồng lõa cùng hội cùng thuyền. Tham nhũng là ma thuật biến tài sản công thành tài sản tư, biến đất công thành đất tư, tiền công thành tiền tư, nhà công vụ thành nhà tư vụ, gây thất thoát lãng phí cả trăm nghìn tỷ đồng ngân sách nhà nước.

Chưa tính các tập đoàn, tổng công ty khác, riêng Vinashin đã thất thoát 107 nghìn tỷ đồng, trên 40 nghìn tỷ nợ nước ngoài, hơn 60 nghìn tỷ nợ trong nước. Trong khi đầu tư một phòng học theo chương  trình kiên cố hóa chỉ là  500 triệu. Suất đầu tư 1 nhà văn hóa là 1 tỷ đồng. Nếu không thất thoát như vậy sẽ xây thêm 214 nghìn phòng học, 107 nghìn nhà văn hóa 53 nghìn trạm xá xã. Trong khi cả nước có 11 nghìn xã phường thì mỗi xã phường có thêm 20 phòng học, 10 nhà văn hóa và 5 trạm xá và chúng ta không phải lùi hạn tăng lương vì không bố trí được nguồn.

Theo báo cáo của Thanh tra Chính phủ, vừa qua, đã thanh tra trên 62 nghìn vụ, chuyển cơ quan điều tra 464 vụ, chiếm 0,6% tổng số thanh tra.

Thảo luận về kinh tế làm "nóng" nghị trường - Ảnh 4

Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (đoàn Lạng Sơn). Ảnh: VGP

 
Giải phóng hàng tồn kho
 
Giải đáp những băn khoăn của các đại biểu Quốc hội về hàng tồn kho, Bộ trưởng Bộ Công Thương Vũ Huy Hoàng (đoàn Lạng Sơn) cho biết tỷ lệ hàng tồn kho đang giảm dần và tỷ lệ tồn kho của một số mặt hàng sẽ trở lại bình thường vào cuối năm nay.

Theo ông Vũ Huy Hoàng, giữa năm 2012, chỉ số tồn kho của cả nước ở ngành chế biến- chế tạo là 34,9% là mức cao so với thông lệ. Sau đó, ta đã phấn đấu quyết liệt giảm tỷ lệ này và đến ngày 1/10 thì còn 20,3%- thấp hơn cùng kỳ năm 2011 và 2010 (trên 21%).

“Tồn kho tương đối cao có than, sắt thép, phân bón và trong chừng mực nào đó thì có xi măng”, ông Vũ Huy Hoàng nói.

Theo quy định thì mặt hàng than phải có dự trữ sản xuất (tồn kho) khoảng 15%, nhưng hiện nay tồn kho là 19%- cao hơn 4%. Để giảm tồn kho, ngành than đã cố gắng giải phóng khoảng hơn 1 triệu tấn than. Hiện ngành đang xin giảm thuế và điều hành theo giá thị trường, giảm giá cho một số hộ tiêu thụ than. Từ nay đến cuối năm tồn kho than sẽ trở về bình thường.

Với tồn kho mặt hàng phân bón, khi đến vụ đông xuân sẽ nhu cầu tăng lên. Tồn kho thép hiện cao hơn so với cùng kỳ do “cung vượt cầu”. Bộ Công Thương đã làm việc với Hiệp hội Thép để tìm giải pháp, còn Bộ Tài chính đang phối hợp với Bộ Công Thương điều chỉnh thuế nhập khẩu thép cao hơn nhưng phù hợp với cam kết quốc tế để giảm thép nhập khẩu trong khi thép trong nước vẫn còn tồn đọng.

Đối với việc thép được nhập khẩu vào Việt Nam theo một số đại biểu là có chất lượng kém, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng cho biết, vừa rồi có một số sản phẩm thép do doanh nghiệp Việt Nam nhập khẩu, trong đó có một phần thép chế tạo (giá rẻ)- nhưng trên thực tế là thép xây dựng để bán ở trong nước. Đó là gian lận thương mại và Bộ Công Thương sẽ xử lý nghiêm việc này, Bộ trưởng nói. Cũng theo Bộ trưởng, chúng ta không được áp dụng biện pháp hạn chế nhập nếu sản phẩm đó đáp ứng được yêu cầu.

Vấn đề của các doanh nghiệp hiện nay không chỉ giải quyết tồn kho mà còn làm sao để duy trì sản xuất hợp lý để chuẩn bị cho chu kỳ sản xuất tới năm 2013, Bộ trưởng Vũ Huy Hoàng nói.