4 tháng giá xăng tăng 7 lần
Từ 12 giờ trưa 22/4, giá bán lẻ xăng RON 92 được Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) điều chỉnh lên mức 24.900 đồng/lít. Giá xăng RON 95 cũng được điều chỉnh lên 25.400 đồng/lít, tăng 210 đồng so với giá cũ; Giá dầu diesel 0,05S cũng được điều chỉnh tăng 170 đồng lên 22.680 đồng/lít và dầu hỏa tăng 130 đồng lên 22.480 đồng/lít. Giá dầu mazút giảm 70 đồng xuống 18.590 đồng/kg.
Mức điều chỉnh này căn cứ vào văn bản cho phép của Bộ Tài chính khi Bộ này tính toán các mặt hàng xăng dầu đang lỗ từ 130 đồng đến hơn 200 đồng/lít; riêng dầu mazút lãi hơn 60 đồng/kg.
Đây là lần điều chỉnh giá xăng, dầu thứ 2 trong tháng 4. Từ đầu năm tới nay, giá xăng dầu đã thay đổi tới
7 lần, trong đó chỉ có giá dầu có tăng, có giảm, còn giá xăng liên tục tăng với 3 lần cùng mức điều chỉnh trung bình gần 200 đồng/lít. Lần gần đây nhất, ngày 11/4, khi DN đã có lãi nhưng Bộ Tài chính chỉ yêu cầu giảm giá dầu từ 90 - 130 đồng/lít, còn xăng giữ nguyên giá và giảm mức trích Quỹ Bình ổn.
Tiến sĩ Lê Đăng Doanh - nguyên Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý kinh tế T.Ư tỏ ý lo ngại về mật độ tăng dày của mặt hàng xăng sẽ khiến giá cả các mặt hàng, chi phí của DN tăng lên. "Giá xăng tăng trong bối cảnh các cơ quan quản lý bàn tính chuyện kích cầu. Nhiều DN, siêu thị cho biết, hoạt động bán hàng thời điểm này khá chậm, hệ thống bán lẻ phải đau đầu tính toán phương án kinh doanh để thu hút người tiêu dùng. Nếu giá xăng liên tục tăng sẽ làm ảnh hưởng không nhỏ đến sức mua cũng như nền kinh tế mới đang trong quá trình phục hồi nhưng còn khá mong manh. Vậy nên rất cần cơ quan kiểm toán phải vào cuộc minh bạch giá xăng, dầu" - ông Doanh nhấn mạnh.
Đồng quan điểm này, chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long cũng đặt vấn đề, liệu tần suất tăng giá như thời gian qua có hợp lý? Hiện, xăng, dầu là hàng hóa có quyền số chiếm tỷ trọng 8,87% trong rổ tình chỉ số giá tiêu dùng (CPI). Với mức tăng vài trăm đồng của những lần vừa qua, tác động vòng đầu lên CPI có thể không lớn, nhưng tác động đến vòng 2 vào các mặt hàng và ngành khác sẽ diễn ra trong thời gian sau đó. Bằng chứng là số liệu của Cục Thống kê Hà Nội cho thấy, sau khi chỉ số giá tháng 3 của Hà Nội giảm 0,15% so với tháng trước thì CPI tháng 4 trên địa bàn TP lại tăng trở lại.
Doanh nghiệp đứng ngồi không yên
Giá xăng tăng, các DN chịu ảnh hưởng của các đợt tăng giá liên tục vừa qua tỏ rõ bất bình. Ông Đỗ Quốc Bình - Chủ tịch Hiệp hội Taxi Hà Nội chia sẻ, ngành vận tải gặp khó khăn rất lớn sau những lần điều chỉnh dày đặc này. Trước đó, các hãng chưa dám tăng cước vì sợ mất khách, nhưng nếu giá xăng tăng liên tiếp, Hiệp hội sẽ phải tính toán lại. Cùng chung nỗi lo này, ông Trần Lâm - Giám đốc Công ty Nội thất Sông Hồng lo lắng, chi phí nhiên liệu tăng đã đành, các chi phí khác như lương nhân công, tiền thuê nhà xưởng, nguyên vật liệu… cũng nhích theo tiếp tục là gánh nặng cho DN. Thời buổi khó khăn không thể tăng giá bán sản phẩm, công ty buộc phải tìm cách co kéo, tiết giảm mọi chi phí để đảm bảo hoạt động.
Trong khi đó, ông Hoàng Quang Ngọc - Giám đốc Công ty Vận tải Hoàng Hà cho rằng: Tăng giá xăng dầu, thiệt nhất là người tiêu dùng. Ông Ngọc phân tích, xăng dầu ảnh hưởng trực tiếp đến chi phí đầu vào, đơn giá vận chuyển, mà đã là DN thì làm ăn phải tính đến lợi nhuận. Điều này bắt buộc DN phải tính toán bằng cách nào đó, thời điểm nào đó để chuyển mức tăng giá nguyên, nhiên liệu đầu vào vào giá thành sản phẩm.
Người tiêu dùng mua xăng trên phố Láng Hạ. Ảnh: Trần Duy
|
Cùng với việc điều chỉnh giá, Bộ Tài chính cũng yêu cầu doanh nghiệp (DN) ngừng sử dụng Quỹ Bình ổn giá đối với mặt hàng xăng RON 92 từ 50 đồng/lít về 0 đồng/lít, đồng thời, tiếp tục không sử dụng Quỹ Bình ổn giá với các mặt hàng còn lại.
Dù mỗi lần giá xăng tăng không nhiều nhưng sức lan tỏa của mặt hàng này lại rộng và lâu dài. Tất nhiên mức tăng thế nào là do sức mua quyết định nhưng chắc chắn một điều là khi tăng sẽ tác động kép làm tăng giá nhiều mặt hàng khác khiến sức mua hiện đã giảm sẽ lại có nguy cơ tiếp tục giảm mạnh trong thời gian tới. Ông Vũ Vinh Phú - Chủ tịch Hiệp hội Siêu thị Hà Nội |