Chiều 30/5, Quốc hội tiếp tục thảo luận về kinh tế xã hội. |
Chiều nay (30/5), Quốc hội tiếp tục thảo luận ở hội trường về: Đánh giá bổ sung kết quả thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước năm 2018; tình hình thực hiện kế hoạch phát triển KT-XH và ngân sách nhà nước những tháng đầu năm 2019; Quyết toán ngân sách nhà nước năm 2017.
Dự kiến chiều nay, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ trả lời thêm về vấn đề giá điện và kiểm soát CPI, Bộ trưởng Nội vụ Lê Vĩnh Tân nói thêm về phương án sáp nhập sở, ngành.
Phó Chủ tịch Quốc hội Phùng Quốc Hiển cho biết, trong phiên thảo luận sáng 30/5, có 27 ĐB phát biểu tham luận, 1 ĐB phát biểu tranh luận, còn 68 ĐB đã đăng ký nhưng chưa pháp biểu.
Thất thu thuế thu nhập cá nhân vì “nền kinh tế ưa dùng tiền mặt”
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ - Uỷ viên Uỷ ban Kinh tế |
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ của Hà Tĩnh đã đưa ra vấn đề về thất thoát thuế thu nhập cá nhân. Nữ ĐB Quốc hội chỉ ra thuế thu nhập cá nhân là một trong các khoản thu không đạt dự toán trong năm 2018. Dù tỷ trọng thuế thu nhập cá nhân đóng góp vào ngân sách nhà nước hơn một thập kỷ qua đã có những tiến triển rõ rệt, tăng từ 2% vào năm 2006 lên đến 6,9%, tương đương 94,366 tỷ đồng vào năm 2018.
ĐB Thơ đặt câu hỏi: “Phải chăng do mức dự toán đề ra quá cao và không khả thi hay do cơ quan hành thu chưa thực hiện tốt nhiệm vụ này?”
Mặc dù đã có nhiều biện pháp để hạn chế thất thoát trong thu thuế thu nhập cá nhân nhưng các cơ quan chức năng vẫn đang phải đối mặt với nhiều thách thức, không kiểm soát hết được mọi nguồn thu nhập của các cá nhân, trong khi nguồn hình thành thu nhập cá nhân quá đa dạng và phức tạp.
ĐB Bùi Thị Quỳnh Thơ cũng chỉ ra một trong những nguyên nhân của hạn chế nêu trên là nền kinh tế nước ta là nguồn kinh tế ưa chuộng tiền mặt, rất nhiều khoản thu nhập cá nhân đều được chi trả bằng tiền mặt, do đó khó có thể tạo ra cơ chế kiểm soát một cách có hiệu quả. Chính vì vậy, đại biểu kiến nghị cần thúc đẩy các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt trong toàn bộ nền kinh tế quốc dân hướng đến quản lý thu nhập cá nhân qua hệ thống ngân hàng, đảm bảo sự công bằng xã hội trong vấn đề đóng thuế.
Đề nghị sớm có giải pháp huy động ngoại tệ, vàng trong dân
ĐB Trần Quang Chiểu - Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách nhận xét về điều hành chính sách tiền tệ của Chính phủ qua 2 giai đoạn.
Theo ĐB, giai đoạn trước đây tăng trưởng tín dụng bằng mọi giá, lập ồ ạt các tổ chức tín dụng trong thời gian ngắn... "Một lượng tiền khổng lồ được bơm vào nhưng kinh tế không hấp thụ được", ông Chiểu nói.
ĐB Trần Quang Chiểu - Thường trực Uỷ ban Tài chính Ngân sách. |
Tuy nhiên, điều hành chính sách tiền tệ hiện nay được ông Chiểu đánh giá "năng động, linh hoạt và tương đối ăn khớp giữa chính sách tiền tệ và tài khoá". Tăng trưởng tín dụng kiềm chế ở mức bình quân 15%, trong khi tăng trưởng kinh tế vẫn hơn đạt 7%. Ngân hàng thương mại chủ động tiết giảm chi phí để giảm lãi vay, bình quân 6-8% một năm.
ĐB Chiểu góp ý, chính sách tiền tệ vẫn cần tập trung giảm tiếp lãi suất vay khi còn dư địa. Ngoài ra, Chính phủ cũng cần sớm có giải pháp huy động ngoại tệ và vàng trong dân. "Hàng năm Việt Nam vẫn phải vay hàng tỷ USD để trả nợ trong khi nguồn vàng, ngoại tệ trong dân còn rất lớn", ĐB nhấn mạnh.
4.500 tỷ đồng đầu tư sân bay Điện Biên Phủ
ĐB Mùa A Vảng (đoàn Điện Biên) cho biết, hiện sân bay Điện Biên Phủ không đủ điều kiện mở tuyến bay đến các tỉnh, thành khác bằng máy bay cỡ lớn; chỉ có một hãng hàng không khai thác tuyến Hà Nội - Điện Biên với máy bay ATR72, hai chuyến mỗi ngày và giá quá cao không có tính cạnh tranh (1,9 triệu đồng cho một giờ bay).
ĐB Mùa A Vảng (đoàn Điện Biên). |
Theo ĐB Vảng: "Tỉnh đã nhiều lần đề nghị Chính phủ nâng cấp sân bay Điện Biên Phủ để đảm bảo nhu cầu đi lại và nhiệm vụ quốc phòng an ninh, nhưng đến nay chưa có cơ chế chính sách cụ thể đầu tư sân bay".
ĐB cũng cho hay, tổng kinh phí đầu tư nâng cấp sân bay khoảng 4.500 tỷ đồng, trong đó đền bù, giải phóng mặt bằng, xây dựng đường cất hạ cánh khoảng 2.500 tỷ đồng; tỉnh bố trí 1.100 tỷ đồng giải phóng mặt bằng, 1.400 tỷ cần hỗ trợ của trung ương, còn lại của nhà đầu tư.
ĐB nhấn mạnh: "Chúng tôi mong muốn được trung ương bố trí vốn, tạo cơ chế thuận lợi để sớm nâng cấp cảng hàng không Điện Biên Phủ”.
Buổi chiều, các ĐB Nguyễn Thị Quyên Thanh (Vĩnh Long); Bùi Thị Quỳnh Thơ (Hà Tĩnh); Vũ Thị Nguyệt (Hưng Yên); Mùa A Vàng (Điện Biên); Hà Thị Lan (Bắc Giang);... đề nghị Chính phủ và cấp có thẩm quyền quan tâm xây dựng kế hoạch gắn bó chặt chẽ giữa giáo dục đào tạo với giải quyết việc làm, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và năng suất lao động; kiểm soát chặt chẽ chất lượng giáo dục đại học; có cơ chế phù hợp để phát triển giáo dục đào tạo vùng đồng bằng sông Cửu Long; có giải pháp chống thất thu thuế thu nhập cá nhân, đảm bảo thu đúng, thu đủ, thu kịp thời, đảm bảo công bằng giữa những người nộp thuế; đánh giá lại chính sách hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; giải pháp triển khai tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp y tế công lập; dành nguồn lực nhiều hơn để đầu tư cho các tỉnh khó khăn, biên giới, nâng cao đời sống nhân dân; giải pháp đẩy mạnh xây dựng chính phủ điện tử;…