Thực phẩm “3 không”
Khắp các tuyến phố ở Hà Nội có đến hàng chục ngàn điểm bán thức ăn đường phố. Nhiều con đường còn có hẳn một khu tự phát bán thức ăn lề đường thu hút rất đông thực khách, thậm chí đã trở thành “thương hiệu” gắn với tên phố như: Hoa quả dầm Tô Tịch, nem chua rán Hàng Bông, ốc luộc Đinh Lễ… Xét về mặt văn hóa, đó có thể coi như một nét đẹp, tạo được dấu ấn trong lòng du khách về Thủ đô. Vậy nhưng, bên cạnh những hàng quán sạch sẽ, có uy tín, đảm bảo an toàn thì không ít địa điểm bán hàng theo hình thức “3 không”: Không hạn sử dụng, không rõ nguồn gốc, không đảm bảo chất lượng vệ sinh ATTP.
Thực tế cho thấy, các điểm bán thức ăn đường phố đa phần đều tạm bợ. Một gánh hàng, vài ba cái bát đôi đũa, dăm chiếc ghế nhựa là đủ để mở một cửa hàng nhỏ bán thức ăn bên lề đường. Chủ hàng nào sạch sẽ thì bát đũa khách dùng xong gom lại về nhà rửa, còn không nhúng qua xô nước đem theo rồi dùng khăn lau qua loa. Với những hàng bán đồ ăn nhanh như xúc xích, nem chua rán, chá cá chiên hay ngô luộc, khoai nướng... lại chỉ cần một chiếc xe chuyên dụng, đỗ lại ở bất kỳ đâu cũng có thể thiết lập một điểm bán hàng. Dọc đường Láng từ xẩm tối đến khoảng 10 giờ đêm, các điểm bán đồ chiên rán tự phát mọc đầy rẫy bên vỉa hè. Xe cộ đi lại ầm ầm nhưng những sản phẩm của cửa hàng chỉ được che đậy bằng những tấm nilong mỏng. Tương tự ở đường Giải Phóng, các xe bán ngô luộc, khoai nướng cũng xếp hàng dài mà không được che đậy đảm bảo.
Chỉ nhìn qua cũng đủ để thấy những hàng quán này tồn tại nguy cơ mất ATTP. Tìm hiểu sâu hơn về nguồn gốc xuất xứ và cách chế biến các món ăn này mới thấy hết được mức độ nguy hại của nó. Trong vai một người cần tìm mối nguyên liệu để mở cửa hàng bánh tráng trộn, chúng tôi được “mách mối” từ một người có thâm niên trong việc mở các cửa hàng ăn vặt. Theo đó, bánh tráng hay còn gọi bánh đa khô bình thường có giá từ 20.000 - 30.000 đồng gói/100g, nhưng theo đầu mối được chỉ dẫn, mức giá chỉ còn từ 10.000 - 15.000 đồng. Cũng theo người này, đa phần người bán bánh tráng trộn hay nộm bò khô, thực chất thịt bò khô đều dùng thịt lợn sề được tẩm ướp và cho vào lò sấy. Tính toán lại, với giá bán hiện tại của một suất bánh tráng trộn 15.000 đồng thì người bán hàng tìm mua nguyên liệu từ nguồn gốc trôi nổi, không nhãn mác, xuất xứ không rõ ràng là hiển nhiên.
Không chỉ món bánh tráng trộn mà còn rất nhiều thức ăn đường phố khác cũng có thể được áp tiêu chuẩn “3 không” - nhóm thức ăn luôn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây bệnh vì không đảm bảo ATTP. Tác nhân chính gây ô nhiễm thức ăn đường phố thường là vi sinh vật gây bệnh, hóa chất độc hại từ nguyên liệu, phụ gia thực phẩm; nguồn nước để chế biến không đảm bảo vệ sinh. Thống kê của Bộ Y tế cho thấy, hiện nay, có tới 70 - 80% thực phẩm đường phố nhiễm khuẩn, trong đó có E.coli, loại vi khuẩn gây tiêu chảy, bệnh đường ruột và khuẩn gây tả. Điều này lý giải vì sao tình trạng ngộ độc thức ăn ngày một nhiều hơn, bệnh liên quan đến đường tiêu hóa tăng đột biến, đặc biệt là trọng bệnh ung thư.
Vẫn khó kiểm soát
Với trình độ dân trí hiện nay, chắc chắn ai cũng nhận thức được mức độ nguy hại của việc sử dụng thực phẩm không đảm bảo. Song, chỉ vì tiện lợi, giá thành rẻ nên thức ăn đường phố không đảm bảo ATTP vẫn có chỗ đứng trên thị trường. Tại một quán miến lươn khá nổi tiếng trên đường Phủ Doãn, theo quan sát của phóng viên, mặc dù là quán ngồi vỉa hè nhưng khách vẫn nườm nượp, thậm chí còn phải đứng để chờ người trước ăn xong mới có ghế để ngồi. Bán hàng là một người phụ nữ trung tuổi, miệng mời khách, tay không bốc miến, thức ăn, và cũng luôn tay nhặt tiền trả lại khách. Thử hỏi, như vậy sẽ có bao nhiêu vi khuẩn theo tay người phụ nữ này vào các bát miến. Hay như trường hợp của chị Hoàng Ngọc Ánh (Minh Khai, Hà Nội), thấy món bánh tráng trộn mới và lạ nên chị đã từng mua về cho cả gia đình ăn thử, nào ngờ ăn xong cả nhà thay nhau “ôm nhà vệ sinh”.
Ths. Bs Lê Thị Hải - nguyên Giám đốc Trung tâm Khám tư vấn dinh dưỡng (Viện Dinh dưỡng quốc gia) cho rằng, trong vấn đề VSATTP, trước đây những cơ sở sản xuất thực phẩm, thức ăn đường phố không nhiều như bây giờ, nhưng do kinh tế phát triển, thời gian hạn hẹp, cuộc sống bận rộn khiến bữa cơm truyền thống trong gia đình hiếm hoi hơn. Trong khi các quán ăn, hàng quán hiện nay nở rộ phục vụ giao hàng đến tận nơi. Vì vậy, nếu chúng ta không chọn những hàng quán sạch sẽ, bảo đảm thì nguy cơ ngộ độc sẽ rất cao. Chính vì vậy, mọi người nên cân nhắc khi sử dụng những loại thức ăn đường phố bày bán ở vỉa hè, nhất là đồ ăn ngay, ăn nhanh. Bởi những loại thực phẩm đó trong quá trình chế biến không đảm bảo có thể nhiễm vi sinh vật, vi khuẩn gây bệnh, đặc biệt là bệnh tiêu chảy cấp. Bác sĩ Hải cũng nhấn mạnh, nếu thực khách cứ "nhắm mắt" mua, vô tư sử dụng thì sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe và tính mạng. Đây là vấn đề khó có thể ngay lập tức giải quyết được. Người dân cần phải xem lại cách sử dụng thực phẩm của mình như thay đổi hành vi, thói quen sử dụng thực phẩm…
Ông Trần Ngọc Tụ - Chi cục trưởng Chi Cục ATTP Hà Nội cũng cho biết, việc quản lý kinh doanh thức ăn đường phố hiện nay rất khó kiểm soát do hình thức kinh doanh đa dạng, cơ động. Tuy nhiên, đa phần các quán ăn vỉa hè hiện nay, đặc biệt tại các cổng bệnh viện, trường học còn hạn chế về trang thiết bị, dụng cụ chế biến, vệ sinh môi trường. Hơn nữa, người chế biến chưa được tập huấn kiến thức về đảm bảo ATTP. Vì thế, để bảo vệ sức khỏe người tiêu dùng và bài trừ những loại thức ăn đường phố mất ATTP sẽ không chỉ phụ thuộc vào việc kiểm soát chặt của cơ quan chức năng mà còn phụ thuộc vào người tiêu dùng biết nâng cao cảnh giác, nói không với những loại thức ăn kém an toàn này.
Hàng ăn trên vỉa hè liệu có đảm bảo ATTP. Ảnh: Hải Linh
|
Từ năm 2012, UBND TP Hà Nội, Sở Y tế Hà Nội đã triển khai kế hoạch đảm bảo ATTP đối với kinh doanh thức ăn đường phố tới 100% các xã, phường, thị trấn trên địa bàn. Trong đó đặc biệt chú trọng tới việc trang bị kiến thức thực hành về ATTP cho người quản lý, kinh doanh và người tiêu dùng theo 10 tiêu chuẩn vệ sinh đối với thức ăn đường phố mà Bộ Y tế quy định. Cụ thể, thời gian qua, Sở Y tế đã xây dựng mô hình thí điểm thức ăn đường phố tại phường Trung Liệt và tuyến phố Núi Trúc. Các tiêu chí ATTP thức ăn đường phố từng bước được cải thiện, gắn với việc thực hiện đề án “Triển khai mô hình cải thiện ATTP đối với dịch vụ ăn uống tại các phường, xã, thị trấn trên địa bàn Hà Nội giai đoạn 2013 – 2015” và xây dựng tuyến phố văn minh, hưởng ứng “Năm trật tự và văn minh đô thị”. |
10 tiêu chuẩn vệ sinh đối với thức ăn đường phố do Bộ Y tế quy định: 1. Bảo đảm đủ nước sạch. 2. Có dụng cụ riêng gắp thức ăn chín. Không để lẫn thức ăn chín với thức ăn sống. 3. Nơi chế biến thực phẩm phải sạch, cách biệt nguồn ô nhiễm (cống, rãnh, rác thải, công trình vệ sinh, nơi bày bán gia súc, gia cầm…). 4. Người trực tiếp làm dịch vụ chế biến, kinh doanh thức ăn phải được tập huấn kiến thức và khám sức khỏe định kỳ. 5. Nhân viên phải có tạp dề, khẩu trang, mũ khi bán hàng. 6. Sử dụng nguyên liệu chế biến thực phẩm có nguồn gốc tin cậy. Không sử dụng các chất phụ gia, phẩm màu không được phép sử dụng trong chế biến thực phẩm. 7. Thức ăn phải được bày bán trên giá cao trên 60 cm. 8. Thức ăn chín phải được bày bán trong tủ kính. 9. Thức ăn phải được bao gói hợp vệ sinh. 10. Có dụng cụ chứa đựng chất thải tại nơi kinh doanh dịch vụ thức ăn đường phố. |