Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thầy thuốc Thái Nguyên xung phong vào tâm dịch TP Hồ Chí Minh cứu bệnh nhân nặng

Hà Văn Đạo
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Là những thầy thuốc trẻ, người là bác sĩ tại chính Bệnh viện (BV) đa khoa Gò Vấp TP Hồ Chí Minh, người lại từ BV Trung ương Thái Nguyên xung phong vào tâm dịch, cùng làm việc trong phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng với một khát vọng chung là nguyện dốc hết tâm sức vì người bệnh. Sát cánh bên nhau, động viên nhau, nỗ lực vì người bệnh.

Mong bệnh nhân không ai phải thở máy

Suốt nhiều ngày tất bật trong khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, bác sĩ Phạm Minh Trí của BV đa khoa Gò Vấp đã bắt nhịp được với các quy định, thói quen mới.
 Bên trong phòng điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng tại BV đa khoa Gò Vấp

Đẫm mồ hôi sau gần 8 tiếng mặc đồ bảo hộ, bác sĩ Trí chia sẻ: Có hôm xong ca làm việc, cởi bảo hộ ra là toàn thân ê ẩm, đôi tay nhăn nheo, cứ xoa vào nhau mãi mới có thể bấm phím điện thoại. Trước đây điều trị bệnh nhân bình thường thì cả ngày hay cả đêm thỉnh thoảng có thể dùng, nhưng từ khi điều trị cho bệnh nhân Covid-19 thì tuyệt đối không dùng điện thoại trong giờ làm việc.

Khi những ngón tay có thể bấm vào số điện thoại, việc đầu tiên là bác sĩ Trí gọi video cho người nhà để có thể “giáp mặt” hỏi han nhau. Người thân, gia đình bác sĩ Trí luôn động viên anh hãy bình tĩnh, an tâm điều trị cho bệnh nhân, mọi việc nhà đã có hậu phương lo. Lời chào tạm biệt mỗi khi kết thúc các cuộc gọi luôn là lời cổ vũ: “Trí ơi, hãy mạnh mẽ để cứu bệnh nhân”.

Nỗi lo, trăn trở luôn trỗi dậy với bác sĩ Trí là số bệnh nhân nặng tăng lên. Anh bảo, có những đêm hết ca trực, cứ ao ước người nào sức khỏe cũng tốt lên, vượt qua nguy kịch, không có ai phải thở máy hay các biện pháp can thiệp khác. Với các thầy thuốc, thêm mỗi bệnh nhân vượt qua “lưỡi hái tử thần” là thêm niềm hạnh phúc bừng lên trong tâm trí.

Có những nghĩ suy bật ra như đã luôn thường trực trong lòng những bác sĩ ở khu điều trị bệnh nhân nặng BV đa khoa Gò Vấp. Bác sĩ Trí bộc bạch: “Có bệnh nhân nhớ nhà đến quay quắt. Có người không vệ sinh được. Có người già thì không cầm tự cầm nước uống, không đi tiểu được. Tất cả điều này chúng tôi phải làm hết. Bởi vậy, phải tiết kiệm từng phút. Có hôm trong người nóng nực, sắp hết ca trực rất mệt nhưng thấy cái vẫy tay yếu ớt từ người bệnh lại “sốc” tinh thần lên, vui vẻ đến giúp họ…không ai nề hà việc gì hết. Có đêm khuya, hết ca trực, về nằm vừa nhớ nhà vừa nhớ bệnh nhân. Biết là ở viện thì luôn có đủ nhân viên y tế túc trực nhưng trong lòng cứ dâng lên câu hỏi không biết bây giờ bệnh nhân hồi chiều ra sao, liệu đã khỏe hơn lên chưa? Chúng tôi xem họ như người nhà của mình vậy”.

Có những sự thôi thúc kỳ diệu

Tầm vóc nhỏ bé, nhưng từ khi được tăng cường từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên vào TP Hồ Chí Minh (Đoàn chi viện 79 người của BV Trung ương Thái Nguyên gồm 21 bác sĩ và 58 điều dưỡng), bác sĩ dân tộc Tày Bàn Văn Cường đã xông xáo vào khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng ở BV đa khoa Gò Vấp. Vừa tất bật giúp bệnh nhân trở mình, đo nhiệt kế, kiểm tra các chỉ số sinh tồn xong, bác sĩ Cường thổ lộ quyết tâm của mình: “Khi nào hết dịch mới về. Việc nhà đã có người thân”.
 Bác sĩ Bàn Văn Cường nỗ lực cứu bệnh nhân Covid-19

Sức khỏe thân thể như được nâng lên bởi sự thôi thúc từ tinh thần, bác sĩ Cường cũng phải ngỡ ngàng với chính mình. Anh kể: “Hồi mới bước vào ngành y, thân hình tôi nhỏ thó thế nhưng có những bệnh nhân nặng gấp đôi mình tôi vẫn trợ giúp họ trong những tình huống khó khăn, khẩn cấp khi họ không tự đi đứng được. Có hôm rã rời chân tay nhưng thấy người bệnh tiến triển hơn là trong lòng lại thấy chộn rộn niềm vui”.

Tại khu điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng, cứ mỗi ngày ít nhất 3 lần bác sĩ Cường phải đi kiểm tra các chỉ số sinh tồn cho người bệnh. Mấy bữa đầu chưa quen với quần áo bảo hộ kín mít, nên sau vài tiếng đồng hồ là thấm mệt. Khi ấy anh lại nghĩ đến những lời nhắn nhủ, lời cảm ơn cất lên từ giọng nói thều thào của người bệnh nhân để xua tan đi mệt mỏi.

Cố gắng “3 không” trong ca làm việc

Trẻ trung, gác mọi chuyện riêng, bác sĩ Trần Thị Tú Linh từ Bệnh viện Trung ương Thái Nguyên cũng xung phong đến BV đa khoa Gò Vấp để điều trị cho bệnh nhân Covid-19 nặng. Thoăn thoắt làm việc như chạy đua với thời gian, bác sĩ Tú Linh bảo: “Mình cứ bảo hộ tốt thì không sợ gì cả. Ngoài điều trị đúng phác đồ của ngành y tế thì an ủi thêm người bệnh”.
 Các bác sĩ trao đổi về tình trạng của bệnh nhân mắc Covid-19 diễn biến nặng

Chưa lập gia đình, bác sĩ Linh quả quyết rằng sẽ dành hết tâm huyết và sức trẻ để điều trị cho bệnh nhân. “Khó khăn thì nhiều, nhưng cái khó khăn thấy ngay trước mắt đó là triền miên mang đồ bảo hộ trong suốt ca làm việc 8 tiếng. Trong những trường hợp thật sự cần thiết thì vẫn có thể thay ra nhưng bất tiện và mất thời gian, trong khi nhân lực đang hạn chế. Vậy là suốt 8 tiếng cố gắng “3 không” là không ăn, không uống, không vệ sinh…Được rèn luyện trong môi trường y khoa nên các khó khăn này dần sẽ thành quen” – bác sĩ Linh chia sẻ.

Cũng như bác sĩ Tú Linh, nhiều bác sĩ khác đang điều trị bệnh nhân Covid-19 nặng chia sẻ: Bệnh nhân không có người thân bên cạnh, mình phải coi họ như người thân, người là mệnh lệnh cấp bách từ trái tim. Nhìn bệnh nhân nặng thương lắm, nên ai cũng nỗ lực, quên hết mệt mỏi.

Biết rằng cuộc chiến sẽ còn dài, số bệnh nhân nặng sẽ còn tăng, nhưng ai nấy đều quyết tâm chiến đấu đến cùng. Họ không ngại khó, sợ khổ, chỉ mong góp chút sức mình để miền Nam sớm chiến thắng đại dịch.