Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới cảnh giác cao độ và tiếp tục hỗ trợ các nước vùng dịch Ebola

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thông tin về một bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên xuất viện là tín hiệu khả quan mới nhất trong cuộc chiến chống dịch bệnh Ebola.

Tuy nhiên, các nước trên thế giới vẫn thắt chặt những biện pháp ngăn chặn dịch bệnh tấn công, đồng thời tăng cường hỗ trợ các nước đang là tâm điểm của dịch bệnh.

Bộ Y tế Nigeria cuối tuần qua cho biết, đã có bệnh nhân nhiễm Ebola đầu tiên được xuất viện sau khi bình phục hoàn toàn. 5 bệnh nhân khác nhiễm virus chết người này cũng gần như bình phục.

Nigeria có 12 ca nhiễm Ebola, trong đó 4 người đã tử vong. Để ngăn chặn dịch bệnh lây lan, giới chức y tế Nigeria đang theo dõi chặt 189 người ở Lagos và 6 người ở bang phía Đông Nam Enugu. Đây đều là những người từng tiếp xúc gián tiếp với bệnh nhân nhiễm Ebola.

Theo thông báo mới nhất của Tổ chức Y tế thế giới, tại 4 nước Tây Phi đã có 2.127 ca nhiễm Ebola và đến nay có 1.145 người đã tử vong.

 
Các bác sỹ Nigeria thiết lập khu cách ly bệnh nhân nhiễm Ebola (Ảnh AP)
Các bác sỹ Nigeria thiết lập khu cách ly bệnh nhân nhiễm Ebola (Ảnh AP)
Tại Liberia, nước bùng phát dịch Ebola đầu tiên trong khu vực cũng xác nhận số ca tử vong cao nhất vì dịch bệnh là 786 người. Tại Guinea là 519 người và Sierra Leone là 348.

Phát biểu cuối tuần qua, Tổng thống Sierra Leone Ernest Bai Koroma kêu gọi Tổ chức Y tế thế giới hành động hơn nữa, cũng như kêu gọi những hỗ trợ quốc tế giúp Sierra Leone và các nước khác đang là tâm điểm bùng phát dịch Ebola.

Tổng thống Koroma nói: “Đây là lời kêu gọi khẩn cấp với cộng đồng quốc tế, vì chúng tôi cần những trung tâm điều trị, chúng tôi cần những y bác sĩ chuyên ngành, vì đây là điều mà chúng tôi đang thiếu. Tôi đã kêu gọi Tổ chức Y tế Thế giới tăng cường các biện pháp đối phó dịch Ebola, không những vậy, tôi cũng đã thảo luận với Tổng Thư ký Liên Hợp Quốc và nhấn mạnh rằng chúng tôi cần những hỗ trợ và những biện pháp đối phó lớn hơn nữa. Đây là đợt bùng phát dịch bệnh bất thường, do đó chúng ta cũng cần phải có những biện pháp đối phó khẩn cấp và đặc biệt”.

Để đối phó với nguy cơ phát tán virus chết người, Chính phủ Kenya cũng quyết định tạm thời đóng cửa biên giới đối với du khách đến từ Sierra Leone, Guinea và Liberia.

Lệnh cấm sẽ có hiệu lực từ nửa đêm 19/8, nhưng không áp dụng đối với các nhân viên y tế hỗ trợ kiềm chế dịch bệnh Ebola cũng như công dân Kenya trở về từ ba nước này.

Urganda cũng đặt cảnh báo cao độ trước dịch bệnh Ebola, sau khi Tổ chức Y tế Thế giới cảnh báo nước láng giềng Kenya có nguy cơ cao bùng phát dịch bệnh.

Các nhân viên y tế Urganda đã dán áp-phích và phân phát tài liệu cảnh báo dịch bệnh cho người dân. Nhà chức trách Urganda cũng bắt đầu triển khai các máy quét thân nhiệt và tăng cường các biện pháp giám sát y tế với những hành khách tới Urganda qua sân bay quốc tế Entebbe.

Ông Anthony Mbonyi quan chức Bộ Y tế Urganda nói: “Chúng tôi cảnh báo người dân hàng tuần về dịch Ebola. Chúng tôi thường xuyên cập nhật thông tin về dịch bệnh tại các nước Tây Phi. Bộ Y tế khuyến cáo người dân nếu có các triệu chứng như sốt bất thường…thì phải tới các trung tâm y tế để kiểm tra”.

Trong khi đó, một số nước ở châu Âu và Trung Đông cũng đã triển khai các biện pháp phòng ngừa. Tại Tây Ban Nha, cơ quan y tế tại thành phố Valencia, đã triển khai các biện pháp đối phó khẩn cấp sau khi xuất hiện một trường hợp nghi nhiễm Ebola tại thành phố này.

Bệnh nhân là một người đàn ông 30 tuổi, quốc tịch Nigeria, đã nhập viện ngày 16/8 với những triệu chứng giống với những người nhiễm virus Ebola. Trước đó, giáo sĩ 75 tuổi người Tây Ban Nha, nhiễm Ebola tại Liberia, là công dân châu Âu đầu tiên tử vong vì virút chết người này.

Trước cảnh báo của Tổ chức Y tế Thế giới, Tây Ban Nha trong tuần qua đã triển khai các biện pháp đặc biệt nhằm ngăn chặn sự lây lan virus Ebola tới Tây Ban Nha và châu Âu thông qua 4 chuyến bay trực tiếp mỗi tuần từ thành phố Lagos của Nigeria tới Madrid.

UAE đã xác nhận một phụ nữ Nigeria, 35 tuổi, đi từ Nigeria tới Ấn Độ để điều trị ung thư, đã tử vong khi quá cảnh tại nước này sau khi có những triệu chứng giống với bị nhiễm Ebola.

Cơ quan y tế Abu Dhabi ngày 17/8 khẳng định, các nhân viên y tế sân bay đã triển khai những đầy đủ các biện pháp phòng ngừa theo quy định của Tổ chức Y tế Thế giới, nhằm ngăn chặn khả năng phát tán virus.

Tuyên bố của Bộ Y tế UAE cũng cho biết, trước lo ngại của cộng đồng quốc tế về nguy cơ bùng phát dịch Ebola, nước này đã tăng cường các biện pháp hỗ trợ những quốc gia vùng dịch ở Tây Phi.

Cuối tuần qua, Trung Quốc thông báo các chuyên gia nước này đã tới thủ đô Conakry của Guinea, để giúp nước này đối phó và kiểm soát dịch Ebola. Các chuyên gia Trung Quốc sẽ hỗ trợ và giúp đào tạo các nhân viên y tế Guinea thực hiện các biện pháp tự bảo vệ, thực hiện khử trùng và những biện pháp an toàn sinh học.