Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới có 27 triệu người nghiện ma túy nặng

Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo một báo cáo của Liên Hợp Quốc, khoảng 27 triệu người trên thế giới đang nghiện ma túy nặng.

Ngày 13/3, tại thành phố Vienne, Áo, Ủy ban phòng chống ma túy và tội phạm của Liên Hợp Quốc (UNODC) đã tổ chức khóa họp lần thứ 57 để thảo luận việc thực hiện Tuyên bố chính trị và Kế hoạch hành động nhằm tăng cường sự hợp tác quốc tế trong cuộc đấu tranh phòng, chống ma túy.

Khóa họp lần này có sự tham gia của 1.500 đại biểu, đại diện các quốc gia thành viên LHQ, các tổ chức phi chính phủ đến từ nhiều quốc gia, vùng lãnh thổ và các khu vực trên thế giới.

 
Phó Tổng Thư ký thứ nhất LHQ, ông Jan Eliasson, phát biểu tại khóa họp - Ảnh: Tân hoa xã
Phó Tổng Thư ký thứ nhất LHQ, ông Jan Eliasson, phát biểu tại khóa họp - Ảnh: Tân hoa xã
Phát biểu khai mạc khóa họp, ông Jan Eliasson, Phó Tổng Thư ký thứ nhất LHQ khẳng định, ma túy đang trực tiếp hoặc gián tiếp tác động đến tất cả mọi người. Hàng triệu người, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em đã trở thành nạn nhân với cuộc sống hoàn toàn không bình thường, mất khả năng lao động hoặc phải ngồi tù. Ma túy tiếp tục phá hoại xã hội, làm băng hoại đạo đức con người, sinh ra nhiều loại tội phạm khác nhau và gây ra dịch bệnh, đặc biệt là bệnh suy giảm khả năng miễn dịch HIV/AIDS...

Theo ông, buôn bán ma túy đã làm suy yếu hệ thống bảo vệ pháp luật, phá hoại quá trình phát triển kinh tế, xã hội; gây mất an ninh, ổn định tại của không ít quốc gia và vùng lãnh thổ. Ông cho biết, trung bình mỗi năm, hoạt động buôn bán ma túy đã mang lại nguồn thu khoảng 320 tỷ USD cho các băng nhóm ma túy.   

Để triển khai mạnh mẽ và có hiệu quả hơn chiến lược phòng chống ma túy, trong năm 2016, Đại hội đồng LHQ sẽ tổ chức một phiên họp đặc biệt nhằm phối hợp hành động giữa các nước thành viên trong cuộc chiến với tệ nạn này.

Theo một báo cáo của LHQ, khoảng 27 triệu người trên thế giới đang nghiện ma túy nặng. Heroine, cần sa, cocain và nhiều chất gây nghiện khác tiếp tục là nguyên nhân khiến khoảng 200.000 người chết/năm, làm tan vỡ nhiều gia đình, gây ra tình trạng mất an ninh xã hội.

Theo UNODC, cần sa là loại được dùng rộng rãi nhất với 224 triệu người ở độ tuổi 15-64 sử dụng trên khắp thế giới và châu Âu là thị trường tiêu thụ cần sa lớn nhất. Đây là số liệu có hồ sơ kiểm soát, tuy nhiên trên thực tế số người nghiện lớn hơn rất nhiều. Báo La Croix (Pháp) đưa tin, có khoảng 10 triệu người sử dụng heroine, 20 triệu người dùng cocaine, trên dưới 200 triệu người sử dụng cần sa, chưa kể nhiều triệu người dùng các chất ma túy tổng hợp. Tình trạng người nghiện đang được "trẻ hóa", tốc độ lây nhiễm HIV/AIDS lan nhanh đang là thách thức lớn cho công tác phòng chống ma túy.

Thực tế cho thấy, cho dù các chính phủ trên toàn cầu đã rất nỗ lực thì việc phòng chống ma túy của thế giới hiện nay vẫn tiếp tục là một cuộc chiến lâu dài, bởi dưới tác động của toàn cầu hóa, các tập đoàn buôn bán ma túy đa quốc gia cũng trở nên ngày càng lớn mạnh hơn, sự chống đối ngày một quyết liệt hơn. Do vậy phải có sự hợp tác trên quy mô rộng lớn hơn giữa các quốc gia và khu vực trong cuộc chiến cam go này.