Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thế giới ghi nhận hơn 22,5 triệu ca mắc Covid-19, Hàn Quốc xem xét siết chặt lệnh giãn cách

Nguyễn Phương (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Thế giới có hơn 22,55 triệu người nhiễm Covid-19, trong khi đó Hàn Quốc chứng kiến số ca mắc mới ở mức cao nhất kể từ khi dịch bùng phát.

Theo trang mạng worldometer.info, tính đến 8 giờ sáng 20/8 (giờ Việt Nam), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng hơn 22,55 triệu ca mắc Covid-19 trong đó hơn 789.900 ca đã tử vong.
Mỹ vẫn là quốc gia chịu tác động mạnh nhất với hơn 5,69 triệu ca mắc bệnh và hơn 176.200 ca tử vong. Mỗi ngày quốc gia này vẫn ghi nhận hàng chục nghìn ca nhiễm mới và hàng nghìn ca tử vong vì dịch bệnh.
Tiếp theo là Brazil, với hơn 3,46 triệu ca mắc và hơn 111.100 ca tử vong. Ấn Độ, điểm nóng dịch bệnh thứ 3 thế giới, ghi nhận hơn 2,83 triệu ca mắc và hơn 53.900 ca tử vong.
Ca nhiễm mới tại Hàn Quốc cao nhất hơn 5 tháng
Hàn Quốc ghi nhận mức tăng ca mắc Covid-19 hàng ngày cao nhất kể từ đầu tháng 3, với hầu hết người nhiễm ở thủ đô Seoul.
 Hàn Quốc nâng mức cảnh báo khi số ca nhiễm Covid-19 mới tăng đột biến.
Các quan chức y tế Hàn Quốc ngày 19/8 cho biết nước này ghi nhận 297 ca nhiễm mới Covid-19, đánh dấu ngày thứ 6 liên tiếp số ca nhiễm mới ba chữ số và là mức tăng ca nhiễm hàng ngày cao nhất từ đầu tháng 3. Tổng số ca nhiễm ở nước này hiện là 16.058, trong đó 306 ca tử vong.
Hầu hết ca nhiễm mới ở Seoul và khu vực lân cận, làm dấy lên lo ngại về đợt bùng phát dịch ở khu vực đô thị 25 triệu dân.
Chính phủ Hàn Quốc đầu tuần này ra lệnh đóng cửa các hộp đêm, quán karaoke, tiệc buffet và quán cà phê, cấm tất cả các buổi lễ nhà thờ trực tiếp và hạn chế tụ tập quá 50 người trong nhà, 100 người ngoài trời.
Chính phủ Hàn Quốc xem xét siết chặt các quy định về giãn cách xã hội ở mức cao nhất nếu số ca nhiễm tăng lên, gồm đóng cửa trường học, làm việc từ xa và giới hạn tập trung không quá 10 người.
Cụm dịch mới ở Hàn Quốc hiện tập trung tại nhà thờ Tin Lành Sarang Jeil, nằm tại quận Sungbuk, Seoul. Tính đến đêm 17/8, cơ quan y tế Hàn Quốc xác nhận số ca nhiễm liên quan nhà thờ này lên đến 457, gồm 282 người ở thủ đô Seoul. Sarang Jeil hiện được xem như cụm dịch lớn thứ hai tại Hàn Quốc, sau cụm dịch ở giáo phái Tân Thiên Địa tại thành phố Deagu với 5.214 ca nhiễm hồi đầu năm. Số ca nhiễm liên quan nhà thờ được dự đoán tiếp tục tăng cao.
Chính quyền đã cho cách ly hơn 3.000 tín đồ liên quan nhà thờ Sarang Jeil. Tuy nhiên, Thứ trưởng Y tế Hàn Quốc Kim Gang-lip cho hay nhà thờ cung cấp danh sách tín đồ không chính xác, dẫn tới khó khăn khi truy vết và cách ly.
Pháp tiếp tục lập kỷ lục về số ca nhiễm SARS-CoV-2 
Trong những ngày vừa qua, Pháp liên tiếp ghi nhận hàng nghìn trường hợp nhiễm virus SARS-CoV-2 mỗi ngày. Ngày 19/8, nước này lại lập kỷ lục mới khi có số ca nhiễm vi trong ngày cao nhất từ hơn 3 tháng qua, sau khi gỡ bỏ lệnh phong tỏa. 
Tình hình y tế tại Pháp liên quan tới dịch Covid-19 tiếp tục xấu đi trong những ngày qua. Trong thông cáo mới nhất ngày 19/8, Tổng cục Y tế - Bộ Y tế Pháp cho biết, nước này ghi nhận mới 3 nghìn 776 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 thông qua xét nghiệm chỉ sau 24 giờ. Đây là con số cao nhất kể từ khi dịch bệnh có dấu hiệu bùng phát trở lại tại Pháp. Riêng trong tuần vừa qua, Pháp ghi nhận thêm tổng cộng 16.747 ca nhiễm virus thông qua xét nghiệm.
Cũng theo Tổng cục Y tế, trong vòng 24 giờ, nước này ghi nhận mới 21 ổ dịch, đưa tổng số ổ dịch Covid-19 được phát hiện trên toàn quốc lên 1.062, tính từ ngày 9/5 tới nay. Trong số 1.062 ổ dịch này, vẫn còn gần 400 ổ dịch đang được giám sát chặt chẽ.
Kể từ đầu tháng 3 tới nay, gần 30.500 người đã tử vong liên quan tới dịch Covid-19 tại Pháp. Số lượng người nhiễm virus phải nhập viện và các ca bệnh nặng trong những ngày qua liên tục tăng. Đây là những dấu hiệu cho thấy dịch Covid-19 đã thực sự tái bùng phát.
Theo thống kê của Bộ Y tế Pháp, số ca phải nhập viện, cũng như các ca bệnh nặng tập trung chủ yếu tại 4 vùng phía Đông Bắc nước Pháp là Ile-de-France, Hauts-de-France, Grand Est và Auvergne-Rhone-Alpes, khi 4 vùng này chiếm tới 70% số ca bệnh nặng trong hệ thống bệnh viện.
Giáo hoàng Francis kêu gọi chống 'chủ nghĩa dân tộc vaccine'
Các quốc gia giàu có không nên tích trữ vaccine phòng ngừa bệnh Covid-19 và chỉ nên hỗ trợ các công ty cam kết bảo vệ môi trường, trợ giúp những người khó khăn nhất và vì "lợi ích chung". 
Giáo hoàng Francis đã đưa ra lời kêu gọi trên ngày 19/8  khi đề cập tới vấn đề nghiên cứu phát triển vaccine phòng chống Covid-19 cũng như quyền tiếp cận các loại vaccine này khi chúng được cấp phép lưu hành sau này.
 Giáo hoàng Francis kêu gọi chống chủ nghĩa dân tộc vaccine.
Giáo hoàng Francis nhấn mạnh: "Sẽ thật đáng buồn nếu những nước giàu có được ưu tiên vaccine ngừa Covid-19. Sẽ thật đáng buồn nếu vaccine trở thành tài sản của quốc gia này hay quốc gia kia, nếu nó không được phổ cập tới tất cả mọi người".
Giáo hoàng Francis cũng cho rằng sẽ là một vụ "bê bối" nếu các chính phủ chi tiền cứu trợ liên quan đến đại dịch cho một số ngành nhất định. Theo ông, tiêu chí để các công ty được nhận tiền cứu trợ là họ phải đóng góp cho công tác hỗ trợ những người dễ bị tổn thương và bên lề xã hội, giúp đỡ những người khó khăn nhất vì lợi ích chung và quan tâm đến bảo vệ môi trường. 
Hiện trên thế giới có hơn 150 loại vaccine phòng Covid-19 đang được phát triển, trong đó khoảng 20 loại đang được thử nghiệm trên người và một số ít đang được thử nghiệm giai đoạn cuối.