Kinhtedothi - Thể thao Hà Nội không thiếu nhân tài và không thiếu những môn thế mạnh có thể tranh đua ở những kỳ Đại hội Châu lục như ASIAD. Song tấm HCV ASIAD vẫn là một giấc mơ của những người làm thể thao Hà Nội. Quyết tâm đổi màu huy chương tại sân chơi châu lục của thể thao Hà Nội đã thể hiện rất rõ trước thềm ASIAD lần thứ 17 diễn ra trong tháng 9 này tại Incheon (Hàn Quốc).
Ánh vàng, gần mà xa
Trong một lần trao đổi về câu chuyện thể thao Hà Nội luôn là "điểm tựa" cho thể thao Việt Nam ở các đấu trường khu vực, Phó Giám đốc sở VHTT&DL Hà Nội Nguyễn Đình Lân nói: "Hà Nội bây giờ còn có một thế mạnh là… bóng đá. Đội Hà Nội T&T mùa nào cũng là ứng viên của chức vô địch. Nói thế, không phải là chúng tôi "dồn sức" cho bóng đá mà những thế mạnh khác vẫn duy trì". Thế rồi ông Lân đếm, ở SEA Games thì khỏi nói, bao giờ Hà Nội cũng là địa phương đóng góp nhiều HCV nhất, SEA Games 26 năm 2011 đoạt 37,6% số HCV, SEA Games 27 trên đất Myanmar đoạt 22 HCV (nhiều HCV nhất so với các địa phương), 23 HCB, 29 HCĐ hoàn thành chỉ tiêu đóng góp hơn 30% số HCV cho đoàn thể thao Việt Nam. Thế rồi ở Olympic thì sao? Hà Nội góp 6/18 VĐV dự Olympic London 2012 và ở ASIAD 2010 tại Quảng Châu, Hà Nội gặt hái 8 HCB trên tổng số 17 HCB mà đoàn thể thao Việt Nam có được.Trên thực tế ở đấu trường ASIAD, những nhà quản lý thể thao Hà Nội không muốn "kể công" chứ trường hợp Lê Bích Phương - HCV duy nhất của Việt Nam tại ASIAD 16 trên đất Trung Quốc chính là một cô gái Hà Nội "xịn". Bích Phương luyện karate từ nhỏ ở nhiều CLB tại Hà Nội cho đến khi được Trung tâm TDTT Quân đội phát hiện và tiếp nhận. Phương đoạt HCV ASIAD trong màu áo Quân đội nhưng như chính cô thừa nhận "cái gốc" vẫn là từ phong trào và thế mạnh của karate Hà Nội.
Hai niềm hy vọng của thể thao Hà Nội: Hoàng Ngân (ảnh trái) và Nguyễn Thị Lụa.
|