Người Thái bao giờ cũng vậy, có thể thất bát ở SEA Games nhưng khi bước ra đấu trường lớn ASIAD, nền thể thao này luôn được đánh giá cao. Tại ASIAD 17, đoàn thể thao Thái Lan giành tới 12 HCV và đứng thứ 6 trong bảng tổng sắp. Khiêm tốn hơn một chút, 2 đoàn thể thao Malaysia, Singapore cũng có đến 5 HCV, Indonesia có 4 tấm HCV. Ngạc nhiên hơn, đoàn Myanmar có được 2 HCV và xếp trên đoàn TTVN vốn có lực lượng hùng hậu và sự đầu tư lớn hơn. Trong nhiều năm qua, TTVN luôn lọt vào top 3 trong bảng tổng sắp SEA Games, cho thấy sự ổn định về thành tích và vị thế ngày càng tăng của TTVN. Thế nhưng, những đoàn thể thao vốn lâu nay không có cửa xếp trên đoàn TTVN tại SEA Games là Malaysia, Singapore và Myanmar lại tỏ ra hội nhập nhanh hơn ở đấu trường lớn. Hay nói cách khác, họ có nhiều nội dung có thể cạnh tranh được ở tầm châu lục chứ không quá vất vả trong việc tìm vàng như TTVN. Là cường quốc thể thao ở Đông Nam Á, nhưng khi bước ra đấu trường ASIAD, TTVN lại thua cả những đối thủ vốn xếp dưới mình. Đây là điều đáng để suy ngẫm về định hướng đầu tư và chiều sâu về lực lượng. Nói cách khác, chúng ta đang đầu tư quá dàn trải, không xác định được mũi nhọn để tạo ra sự đột phá ở sân chơi lớn. Có một thời, TTVN đã cho thấy sự nhạy bén trong việc định hướng đầu tư khi phát triển chiều rộng, nhắm vào những môn thể thao có thể nhanh chóng có HCV SEA Games. Nhưng nay, khi mà đã có được thứ hạng ở đấu trường khu vực thì một đòi hết sức chính đáng là cần phải thay đổi chiến lược đầu tư. Hay nói cách khác, đã đến lúc, TTVN cần phải bỏ qua những mục tiêu ngắn hạn để nhắm đến những mục tiêu dài hạn, chỉ như thế mới có được vị thế ở đấu trường ASIAD, hay cao hơn là Olympic.