Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thêm quốc gia "siết" an ninh mạng, ngừng buông lỏng mạng xã hội

Hương Thảo (Theo Reuters)
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo đề xuất luật an toàn trực tuyến của Anh hôm 8/4, các DN truyền thông mạng xã hội và công ty công nghệ sẽ phải chịu xử phạt nếu không bảo vệ người dùng quốc gia này khỏi nội dung độc hại.

Kể từ sau cái chết của nữ sinh 14 tuổi người Anh Molly Russell - được cho là sau khi xem các tài liệu trực tuyến về trầm cảm và tự sát - vấn đề dễ dàng tiếp cận với các tài liệu gây tổn hại, đặc biệt là giới trẻ, đang là tâm điểm chú ý tại Anh và cũng là mối quan tâm ngày càng tăng trên toàn thế giới.
Ảnh minh họa.
Theo Sách trắng chung vừa được đề xuất bởi Văn phòng Hạ viện và Bộ Kỹ thuật, Văn hóa, Truyền thông và Thể thao Vương Quốc Anh, các công ty internet có thể phải đối mặt với các khoản tiền phạt lớn, trong khi các nhà điều hành cấp cao cũng sẽ phải chịu trách nhiệm cá nhân. Trong trường hợp nghiêm trọng nhất, các DN thậm chí có thể bị cấm hoạt động ở Anh nếu không tích cực đấu tranh để loại bỏ nội dung gây hại khỏi nền tảng của mình.
Phát biểu trong một video phát trực tiếp, Thủ tướng Anh Theresa May cho biết chính phủ nước này đang gia tăng trách nhiệm pháp lý đối với các công ty công nghệ và truyền thông mạng xã hội để giữ an toàn cho người dùng, và rằng "thời đại của các công ty truyền thông xã hội tự chỉnh lý đã kết thúc".
Bộ trưởng Truyền thông Anh Jeremy Wright cho biết luật mới được đề xuất dự kiến áp dụng với bất kỳ nền tảng nào cho phép người dùng chia sẻ, khám phá nội dung hoặc tương tác trực tuyến, bao gồm các trang truyền thông xã hội, diễn đàn thảo luận, dịch vụ nhắn tin hay công cụ tìm kiếm.
Động thái cứng rắn của London được đưa ra trong bối cảnh các chính phủ trên toàn cầu đang phải vật lộn về cách kiểm soát nội dung tốt hơn trên các mạng xã hội, thường bị chỉ trích là nơi khuyến khích bạo lực, truyền bá nội dung không lành mạnh và gây ảnh hưởng hoặc thao túng chính trị - đặc biệt là trong các cuộc bầu cử. Trước đó, Australia cũng là một trong những quốc gia tiên phong trong việc gia tăng áp lực pháp lý với các công ty công nghệ và giám đốc điều hành của nó nếu nội dung bạo lực không bị gỡ bỏ nhanh chóng tại quốc gia này.
"Gã khổng lồ" mạng xã hội Facebook mới đây cũng thể hiện mong muốn hợp tác với chính phủ các nước để đảm bảo những quy định kiểm soát nội dung mới trên môi trường internet. Đây cũng là chủ trương của nhà sáng lập Mark Zuckerberg, khi CEO này cho rằng những quy định - thậm chí mang tính đồng bộ toàn cầu - là cần thiết để tạo nên một cách tiếp cận tiêu chuẩn trên mọi nền tảng.