Lấy người đọc làm trung tâm
Như nhiều ý kiến nhận định, thực tế đã chứng minh, những quốc gia tiến bộ đều đầu tư thỏa đáng cho nhu cầu đọc sách của mọi thành phần trong xã hội, thông qua hệ thống thư viện được vun đắp thường xuyên và công phu. Luật Thư viện lần này được xây dựng nhằm thay thế cho Pháp lệnh Thư viện, đã mở rộng phạm vi điều chỉnh đối với thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng, thư viện cộng đồng và thư viện của tổ chức, cá nhân nước ngoài có phục vụ người Việt Nam. Trong đó, có các quy định này tác động đến việc phục vụ học tập suốt đời và phát triển văn hóa đọc trong cộng đồng, tạo điều kiện để người dân trở thành chủ thể trong hoạt động thư viện, được quyền thành lập, hoạt động và sử dụng thư viện.
Theo lãnh đạo Bộ VHTT&DL, Luật sẽ tạo hành lang pháp lý thúc đẩy sự nghiệp thư viện và văn hóa đọc ở Việt Nam phát triển, khẳng định vai trò của thư viện trong phát triển văn hóa, khoa học, giáo dục của đất nước, góp phần nâng cao dân trí, xây dựng xã hội học tập. Trong Luật đã thiết lập cơ chế pháp lý bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân trong nước và nước ngoài hoạt động thư viện. Đồng thời nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước về thư viện; khuyến khích xã hội hóa hoạt động thư viện; kiện toàn, củng cố, chuẩn hóa thư viện công lập, khuyến khích phát triển thư viện ngoài công lập. Cùng với đó, hiện đại hóa hoạt động thư viện, trong đó chú trọng ứng dụng công nghệ thông tin, phát triển thư viện số và đẩy mạnh liên thông thư viện.
Ngoài ra, Luật cũng tạo tiền đề để kiến thiết Ngày đọc sách hàng năm. Theo đại biểu Quốc hội Dương Trung Quốc, Ngày đọc sách lâu nay đã được công nhận, đó là một tập quán quốc tế. Bên cạnh ngày đọc sách thế giới, chúng ta cũng có ngày đọc sách riêng của mình. Nhưng khi chúng ta đưa vào Luật Thư viện, sẽ tăng thêm tính pháp lý và yêu cầu bắt buộc phía Nhà nước phải quan tâm, đầu tư, tạo môi trường để công chúng có thể thụ hưởng sách. Nếu được thực hiện một cách hiệu quả, Ngày đọc sách không chỉ có ý nghĩa văn hóa mà còn kích hoạt thị trường sách trên diện rộng.
Tăng tính chủ động
Luật Thư viện xác định chính sách của Nhà nước trong đầu tư cho một số hoạt động thư viện như hiện đại hóa, xây dựng thư viện số, liên thông thư viện và hợp tác quốc tế để bảo đảm việc tiếp cận thông tin ở mọi dạng thức trong xu thế phát triển khoa học, công nghệ và thư viện số. Cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực thư viện, phát triển văn hóa đọc; duy trì và phát triển thư viện cộng đồng, thư viện tư nhân có phục vụ cộng đồng…
Nhân tố đột phá trong Luật là xã hội hóa, hiện đại hóa hoạt động thư viện, sẽ tạo điều kiện thuận lợi nhất cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cùng tham gia xây dựng, cùng tự nguyện đóng góp tiền bạc, công sức, nhân lực, vật lực để phát triển thư viện. Trong thời đại cách mạng công nghiệp 4.0, các thông tin, tri thức trong hệ thống thư viện phải được chuyển tải nhanh chóng tới bạn đọc qua mạng internet. Khi các thư viện ở nước ta đẩy nhanh việc số hóa tài liệu, xây dựng thư viện điện tử, thư viện đa phương tiện, liên thông thư viện, truy cập mở… sẽ đáp ứng tốt nhu cầu độc giả thời đại mới.
Trên cơ sở xác định các loại thư viện, Luật đã xây dựng các nguyên tắc hoạt động thư viện, trong đó lấy người sử dụng làm trung tâm là một trong những nội dung cơ bản. Đồng thời, luật hóa quy trình hoạt động chuyên môn nghiệp vụ mà các thư viện cần triển khai thực hiện, bổ sung một số các hoạt động nhằm thúc đẩy việc ứng dụng công nghệ thông tin, liên thông thư viện, tăng cường liên kết, chia sẻ, phát triển văn hóa đọc và hợp tác quốc tế về thư viện. Từ đó, tạo ra sự thống nhất, chuẩn hóa trong hoạt động thư viện, tạo hành lang pháp lý để các thư viện đổi mới hoạt động, đáp ứng nhu cầu tiếp cận thông tin, hưởng thụ các giá trị văn hóa và học tập suốt đời của người dân.
Nhiều ý kiến nhận định, để Luật thực sự phổ biến, không thể không có sự chung tay của nhiều giới, nhiều ngành. Đồng thời, phát triển văn hóa đọc không thể phó thác hết cho những người làm công tác thư viện, mà cần cả cộng đồng góp sức.