Thậm chí có người nói rằng, làm việc với cầu thủ ngoại có hệ số an toàn cao hơn so với cầu thủ bản địa.
Dyachenko khi còn khoác áo CLB Than Quảng Ninh năm 2016. |
Một trong những yếu tố khiến cầu thủ ngoại chuyên nghiệp hơn so với các đồng đội Việt Nam chính là sự chuyên nghiệp trong mối quan hệ với đội bóng. Các cầu thủ được bảo vệ quyền lợi bởi những nhà môi giới chuyên nghiệp. Nói cách khác, các ngoại binh chấp nhận tuân thủ luật chơi về chuyển nhượng dù họ sẽ mất một cơ số tiền cho những đại diện của mình. Đổi lại, toàn bộ quá trình thương thảo hợp đồng và bảo vệ quyền lợi sau này sẽ do các chuyên gia đầy mình kinh nghiệm thực hiện.
Nói vậy chứ không phải cầu thủ ngoại nào cũng chuyên nghiệp. Một khi đã thấu hiểu cuộc chơi, có mối quan hệ thì các cầu thủ ngoại ma mãnh không ngại ngần “đá” người đại diện của mình để hưởng toàn bộ số tiền kiếm được. Bản thân các đội bóng cũng có xu hướng muốn làm việc riêng với cầu thủ ngoại hơn, bởi khi ấy, họ sẽ giảm được chi phí về tài chính.Cách đây ít hôm, đại diện của cầu thủ Diachenko và các đối tác của ông này đã té ngửa người khi món hàng của mình tạo phản, trực tiếp ký hợp đồng với đội TP Hồ Chí Minh. Số là tranh thủ lúc người đại diện ra bên ngoài, Diachenko đã ký hợp đồng với đội TP Hồ Chí Minh mà không quan tâm đến quyền lợi của đối tác. Mất công tìm đội bóng, đưa cầu thủ từ Mỹ sang Việt Nam nhưng cuối cùng chẳng kiếm được đồng nào, đó là bi kịch mà người đại diện của Diachenko gặp phải.Nhiều nhà môi giới khác cũng đã dính quả đắng khi sang Việt Nam. Phần vì cầu thủ của họ quái hơn, phần vì họ quá lỏng lẻo về hợp đồng. Nhưng đáng ngại nhất là các đội bóng Việt Nam luôn muốn xé rào, đi ngược nguyên tắc chuyên nghiệp. Và thế là những chuẩn mực của sự chuyên nghiệp ngày nào đã trở thành những kẻ phản chuyên nghiệp.