Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Theo dòng thể thao: Tranh cãi vì Tây du

Bình Giang
Chia sẻ Zalo

Đến hẹn lại lên, VPF lại tổ chức chuyến tham quan học hỏi cho các quan chức đang điều hành các đội bóng ở Việt Nam.

Năm 2014 là Nhật Bản. Năm 2015 là Hàn Quốc. Và kết thúc mùa giải 2016, VPF chọn điểm đến là Đức và châu Âu - nơi có nền bóng đá phát triển nhất thế giới với hy vọng học hỏi thêm kiến thức để nâng tầm bóng đá Việt.
 Các chuyến du học do VPF tổ chức mấy năm gần đây chưa mang lại hiệu quả
Ngay sau khi có ý tưởng đi châu Âu “tầm sư học đạo”, làng bóng đá đã nổi sóng tranh luận. Rất nhiều người cho rằng, chuyến đi như thế là không cần thiết bởi chẳng mang lại điều gì lớn lao cho nền bóng đá. Tiêu tốn hàng tỷ đồng cho chuyến đi chỉ để đến thăm vài CLB bóng đá là điều không cần thiết trong bối cảnh bản thân các đội bóng đang rất cần tiền. Một số đội bóng hiện đang nợ tiền cầu thủ, đối tác. Có những đội bóng đang đối diện với nguy cơ giải thể vì thiếu kinh phí, thiếu cơ chế để hoạt động như: Đồng Nai, Cà Mau, An Giang... Vậy nên, nhiều người cho rằng, thay vì tiêu tiền cho chuyến đi học hỏi kết hợp du lịch cho các quan chức bóng đá, VPF nên dành nguồn lực, trí tuệ và thời gian giúp các đội bóng vượt khó. Nhất là việc chi phí cho chuyến đi này được trích từ khoản tiền hỗ trợ cho các đội bóng mà VFF dự định sẽ chia như một hình thức chia cổ tức cho cổ đông. Một số đội bóng, điển hình là Than Quảng Ninh vì thấy chuyến đi là không cần thiết đã làm công văn từ chối tham gia đoàn. Bản thân VFF cũng thấy mục tiêu của chuyến đi là “có vấn đề” nên đã quyết định từ chối tham gia. Nên nhớ rằng, VFF chính là cổ đông lớn nhất có quyền chi phối mọi quyết sách của VPF. Thế nhưng, bằng việc trưng cầu ý kiến đa phần các đội bóng vốn rất ấn tượng với chuyến đi đến châu Âu, nên VPF vẫn quyết định tổ chức “Tây du”.
Thực ra thì với một nền bóng đá còn rất nhiều tồn tại như ở Việt Nam hiện nay thì việc học hỏi các mô hình bóng đá chuyên nghiệp là hết sức cần thiết. Nhưng, học thế nào, học ở đâu và thực hành ra sao thì các nhà quản lý phải tính toán một cách kỹ lưỡng.
Có một điều mà dư luận đang băn khoăn là không hiểu sau khi chi tiền tỷ cho những chuyến đi Nhật Bản, Hàn Quốc, bóng đá Việt Nam đã thu hoạch được gì? Về công tác tổ chức ở VPF lẫn các địa phương đã có gì chuyển biến? Mô hình hoạt động, cách khai thác vận động tài trợ, kinh doanh những giá trị gia tăng từ bóng đá vốn được Nhật Bản, Hàn Quốc tiến hành rất thành công, làm nền tảng cho sự phát triển thì ở Việt Nam, sau khi “tầm sư học đạo”, các đội bóng đã làm được gì? VPF và bản thân các quan chức bóng đá cần phải có được sự tổng kết đánh giá một cách bài bản xem cái gì đã làm được, cái gì chưa làm được thì mới mong phát huy được hiệu quả từ những kiến thức trong quá trình học hỏi.
Bóng đá Việt Nam vẫn kiên định mục tiêu phát triển chuyên nghiệp dù đang chịu nhiều thách thức, nhất là về kinh tế. Các đội bóng sau khi gặp khó khăn về tài chính có xu hướng “bao cấp hóa” trở lại. Nhưng, chắc chắn một điều, muốn phát triển cần phải đi lên chuyên nghiệp với những con người chuyên nghiệp. Vì thế, nhiều người lấy làm tiếc là nếu như trong thành phần chuyến đi đến châu Âu lần này có nhiều người trẻ tuổi, những người đang đảm trách công tác vận động tài trợ, truyền thông, tổ chức thi đấu, hay huấn luyện... thì có lẽ bóng đá Việt Nam sẽ thu được điều gì đó bổ ích. Bởi, nói cho cùng, những kiến thức nếu có cần phải được áp dụng vào thực tế. Vì thế, những người đang lăn lộn với thực tiễn bóng đá cần phải là người được ưu tiên đào tạo, bồi dưỡng để tránh trường hợp nhiều quan chức đi du học về thì nhận quyết định nghỉ hưu như trước đây.