Việt Nam vươn mình trong kỷ nguyên mới

Thí điểm tự chủ 4 bệnh viện thuộc Bộ Y tế

An Nguyên
Chia sẻ Zalo

Kinhtedothi - Theo Nghị quyết 33/NQ-CP của Chính phủ, thực hiện thí điểm cơ chế tự chủ, tự chịu trách nhiệm toàn diện của các Bệnh viện: Bạch Mai, Chợ Rẫy, Hữu nghị Việt Đức và Bệnh viện K.

Mục tiêu thực hiện thí điểm nhằm phát huy tính chủ động, sáng tạo, khai thác, sử dụng hợp lý, hiệu quả các nguồn lực của bệnh viện nhằm nâng cao năng lực, chất lượng khám bệnh, chữa bệnh, chăm sóc, bảo vệ sức khỏe cho người dân; tiếp tục phát huy truyền thống, uy tín của các bệnh viện; duy trì và phát triển các trung tâm kỹ thuật cao, phục vụ không chỉ cho người Việt Nam mà cả người nước ngoài.
Đồng thời thực hiện trách nhiệm xã hội của bệnh viện, bảo đảm quyền lợi cho đối tượng có thẻ bảo hiểm y tế, đối tượng chính sách, nhất là bệnh nhân nghèo, bệnh nhân thuộc diện khó khăn trong tiếp cận với dịch vụ y tế có chất lượng với chi phí hợp lý; không để xảy ra tình trạng thu hút bệnh nhân quá mức và lạm thu.

Một trong những nội dung của cơ chế tự chủ là thực hiện nhiệm vụ chuyên môn, theo đó, bệnh viện được quyết định quy mô bệnh viện khi đáp ứng đủ các yêu cầu về chuyên môn kỹ thuật, nhân lực, trang thiết bị và cơ sở vật chất; bệnh viện được quyết định chỉ tiêu và kế hoạch hoạt động của bệnh viện bảo đảm phù hợp với các quy định về chuyên môn do Bộ Y tế ban hành và phù hợp với điều kiện, khả năng của bệnh viện...

Về tổ chức và nhân sự, khi bắt đầu thực hiện thí điểm, Bộ trưởng Bộ Y tế chỉ định thành lập Hội đồng quản lý và cử Giám đốc đương nhiệm làm Chủ tịch Hội đồng quản lý kiêm Tổng Giám đốc/Giám đốc bệnh viện theo Đề án của mỗi bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt với thời gian tối đa là 2 năm. Trong thời gian này, Hội đồng quản lý có trách nhiệm xây dựng Quy chế hoạt động của Hội đồng quản lý trình Bộ trưởng Bộ Y tế; phương án kiện toàn Hội đồng quản lý khi kết thúc giai đoạn thí điểm.

Hội đồng quản lý có từ 7 đến 11 người, trong đó có 1 đại diện của Bộ Y tế. Các tiêu chuẩn, bao gồm cả tiêu chuẩn về tuổi của Chủ tịch Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định hiện hành. Trường hợp đặc biệt, trong thời gian kiện toàn, nếu Chủ tịch Hội đồng quản lý quá tuổi so với quy định, Bộ trưởng Bộ Y tế báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định.

Hội đồng quản lý có chức năng, nhiệm vụ trình Bộ trưởng Bộ Y tế quyết định thành lập, sáp nhập, chia, tách, giải thể các bệnh viện thành viên thuộc bệnh viện; phê duyệt Quy chế tổ chức và hoạt động của bệnh viện; quy định cụ thể tiêu chuẩn, quy trình bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, từ chức, miễn nhiệm đối với Tổng Giám đốc/Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc/Phó Giám đốc theo quy định của Đảng, pháp luật của nhà nước. Riêng tiêu chuẩn đối với Tổng Giám đốc/Giám đốc, Phó Tổng Giám đốc/Phó Giám đốc phụ trách chuyên môn phải phù hợp với các quy định của Bộ Y tế. Các chức danh Phó Tổng Giám đốc/Phó Giám đốc khác, căn cứ vào nhu cầu thực tiễn Hội đồng quản lý thực hiện theo quy định hiện hành. Số lượng cấp phó thực hiện theo Đề án của mỗi Bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Trường hợp thuê Tổng Giám đốc, Giám đốc các cơ sở thành viên: Hội đồng quản lý có trách nhiệm xây dựng tiêu chí, tiêu chuẩn và quyết định, chịu trách nhiệm về việc thuê Tổng Giám đốc, Giám đốc các cơ sở thành viên.

Hội đồng quản lý còn có nhiệm vụ quyết định danh mục vị trí việc làm, cơ cấu, số lượng người làm việc; tuyển dụng, sử dụng, quản lý, phát triển đội ngũ viên chức, nhân viên hợp đồng theo quy định của pháp luật.

Về tiền lương, giá dịch vụ y tế, đơn vị được xác định quỹ tiền lương theo doanh thu hoặc quỹ lương khoán trong chi phí hợp lệ để tính thuế thu nhập và được quyền quyết định chi trả tiền lương, thu nhập tăng thêm theo kết quả hoạt động. Khi Nhà nước điều chỉnh tiền lương, đơn vị tự bảo đảm tiền lương tăng thêm từ nguồn thu của đơn vị.

Đối với các thành viên Hội đồng quản lý, Ban Kiểm soát là công chức, viên chức của đơn vị thì được hưởng chế độ tiền lương, phụ cấp, thu nhập tăng thêm, tiền thưởng và các phúc lợi khác theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị. Các thành viên không là công chức, viên chức của đơn vị được chi trả thù lao theo quy chế chi tiêu nội bộ của đơn vị.

Giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh bảo hiểm y tế áp dụng theo giá dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế do Bộ Y tế ban hành.

Về giá dịch vụ y tế theo yêu cầu, Bộ Y tế ban hành khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu tính đủ các yếu tố chi phí hình thành giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh, có tích lũy trên cơ sở tham khảo giá của các bệnh viện tư nhân và các bệnh viện có vốn đầu tư ở nước ngoài tại Việt Nam. Bệnh viện được quyết định giá dịch vụ y tế đối với dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh theo yêu cầu trong phạm vi khung giá do Bộ Y tế ban hành và thực hiện kê khai giá, niêm yết giá theo quy định của pháp luật về giá.

Nghị quyết này có hiệu lực thi hành từ ngày 19/5/2019. Thời gian thực hiện Nghị quyết là 2 năm kể từ khi Đề án của bệnh viện được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Sau 2 năm các bệnh viện thực hiện cơ chế tự chủ của đơn vị sự nghiệp công lập thuộc lĩnh vực y tế - dân số theo quy định của Chính phủ.