Tại phiên thảo luận tổ, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc (đoàn đại biểu Quốc hội TP Hồ Chí Minh) đề cập đến một số hạn chế trong công tác thi đua khen thưởng và thẳng thắn chỉ ra, chúng ta tập trung nhiều vào khen thưởng mà chưa chú trọng phát động phong trào thi đua một cách mạnh mẽ trong các tầng lớp Nhân dân, việc phát huy chưa sâu rộng. “Chúng ta cần có hình thức làm cho phù hợp. Sự nghiệp cách mạng là của quần chúng. Cả một thế hệ đoàn kết của dân tộc mà chuyển động thì phong trào quần chúng mới chuyển động. Phải thi đua thực tế hơn, chấm dứt hình thức”- Chủ tịch nước nêu rõ.
Chủ tịch nước cũng nhấn mạnh, phong trào thi đua khen thưởng cần phải được thấm sâu vào từng cơ quan, đơn vị để tạo thành phong trào trong quần chúng. Cần khắc phục những tồn tại, hạn chế về hình thức chưa đi vào thực chất. “Có hiện tượng chạy thành tích, dùng hình thức khen thưởng để nâng lương, thăng cấp hàm. Có những ngành tôi ký quá mỏi tay vì khen thưởng nhiều quá”- Chủ tịch nước cho hay.
Vì vậy, Chủ tịch nước đề nghị việc khen thưởng phải chặt chẽ, đúng quy trình; thi đua phải là một cuộc cách mạng, khen thưởng phù hợp, tránh tình trạng chú trọng khen thưởng mà không chú trọng phong trào thi đua. Nếu phong trào thi đua được phát động mạnh mẽ theo chuyên đề hàng năm, hàng quý thì nhất định sẽ hiệu quả hơn. Về khen thưởng có quyền lợi nhất định, Chủ tịch nước cho rằng nên có chế tài để nâng cao trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân trong quá trình trình hồ sơ khen thưởng, nhằm chống tiêu cực, tham nhũng trong quá trình khen thưởng.
Các đại biểu cũng nhận định, trong Dự thảo luật Thi đua khen thưởng có nhiều điểm mới, trong đó có 3 điểm mới nổi lên là cố gắng khắc phục bệnh thành tích trong thi đua, hướng về cơ sở và phân cấp. Tuy nhiên, về xét khen thưởng, cần phải bám vào phong trào thi đua. Kết quả của thi đua đến đâu thì chúng ta khen thưởng đến đó, nhưng trên thực tế nhìn vào nội dung thi đua và mức độ đóng góp, sự lan tỏa của các kết quả là hạn chế nhưng hình thức phong phú, tạo sự chồng chéo. Vì vậy có lẽ cần có quy định cụ thể, trong một thời hạn mà tổ chức thi đua khen thưởng thì phải tích hợp được các thành tích thi đua về mọi phương diện và cuối cùng chỉ được nhận một hình thức thi đua khen thưởng cao nhất. Như vậy sẽ rất tốt, có tác dụng.
Đại biểu Thái Quỳnh Mai Dung (đoàn tỉnh Vĩnh Phúc) đề xuất: Luật Thi đua, khen thưởng nên có sự đổi mới để khen thưởng đúng người, tránh tình trạng cuối năm, có đơn vị hành chính cứ luân phiên nhau nhận giấy khen, bằng khen nên không khuyến khích được cá nhân tích cực, cống hiến cho công việc. Ngoài ra, danh hiệu, việc gắn biển đạt tiêu chuẩn ở các địa phương vẫn còn hình thức nên cần xem lại việc gắn biển xã, phường ở địa phương đó có đạt được tiêu chí đúng như đã gắn trên biển không?
Đại biểu Quốc hội Nguyễn Phi Thường (đoàn Hà Nội) kiến nghị tăng tính bao phủ trong khen thưởng với các đối tượng của xã hội, đặc biệt là người dân, doanh nghiệp tư nhân, công nhân tiêu biểu, xuất sắc. Việc này giúp các đối tượng đặc thù, yếu thế trong xã hội có cơ hội được khen thưởng. "Các phong trào thi đua còn mang tính hành chính hóa, cộng dồn các thành tích mà chưa có cơ chế khuyến khích thi đua"- đại biểu nêu ý kiến.
Đại biểu Nguyễn Phi Thường cũng cho rằng, cần đơn giản hóa thủ tục xét tặng danh hiệu khen thưởng gắn với trách nhiệm của cấp đề nghị, ông cho rằng cơ quan đề xuất phải có trách nhiệm lập thành tích thay vì cá nhân phải tự báo cáo thành tích của mình